Kỷ luật ngân sách trong hội nhập

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương| 04/11/2015 06:24

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định, nền kinh tế Việt Nam vẫn có mức phục hồi tăng trưởng rõ nét.

Kỷ luật ngân sách trong hội nhập

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định, nền kinh tế Việt Nam vẫn có mức phục hồi tăng trưởng rõ nét.Tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt 6,61%, lạm phát ở mức 0,68%. Vấn đề đặt ra, tăng trưởng đến từ đâu, nhờ nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh hay vẫn cách tăng trưởng như cũ.

Đọc E-paper

Hồi quý 1, nhiều người, trong đó có Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, đã sốc với tuyên bố tăng trưởng hơn 6%, nhưng đến quý 2 họ không sốc nữa khi thấy "tăng trưởng quý sau luôn cao hơn quý trước".

Lĩnh vực công nghiệp xây dựng vẫn đóng góp chính vào tăng trưởng và đạt tốc độ tăng nhanh. Giá trị gia tăng của khu vực này tăng 9,6% trong 9 tháng đầu năm, cao hơn đáng kể so với khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản và dịch vụ.

Ở đây, đóng góp vào tăng trưởng có yếu tố của khai khoáng, nhưng tăng trưởng của công nghiệp khai khoáng giảm từ quý 1/2012 đến sang năm 2013 bắt đầu tăng lên.

Từ năm 2013 đến nay, giá nguyên liệu lại giảm từ trên 100 USD/thùng trước đây xuống chưa tới 50 USD/thùng. Một điều dễ nhận thấy, khu vực khai khoáng được đẩy lên để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Lạm phát ổn định ở mức độ thấp, nhưng kỳ vọng lạm phát chưa giảm do rủi ro tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, lãi suất, tỷ giá... Một trong những nguyên nhân chính giúp lạm phát giảm là giá nguyên liệu (xăng dầu, hàng hóa cơ bản) trên toàn cầu giảm đã giúp cho chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ mở rộng.

Tuy nhiên, các yếu tố có thể gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô có thể đến từ bên ngoài và có thể đến bất cứ lúc nào. Nếu những yếu tố trên đặt ra hợp lý, dự báo sang năm, giá thế giới vẫn giảm, trong nước lạm phát vẫn thấp, giá trong nước vẫn giữ ổn định.

Nhưng giả định, đến thời điểm nào đó, giá bên ngoài tăng lên mà nước ta vẫn cứ tiếp tục mở tiền tệ và đầu tư như hiện nay, thì khả năng lạm phát có nguy cơ quay trở lại tương đối nhanh và gây bất ổn cho nền kinh tế.

>>Nghịch lý lạm phát thấp

Điều đáng tiếc, khi có lạm phát thấp như hiện nay, đáng lẽ Nhà nước phải tận dụng cơ hội để giảm chi phí, để người dân hưởng lợi, thì các nhà điều hành kinh tế lại nhân dịp này điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục, y tế. Những điều chỉnh như vậy không có tác động làm thay đổi cơ cấu, thị trường của các dịch vụ này.

Thu nhập của người dân lâu nay không tăng, việc điều chỉnh giá này sẽ khiến giá chồng lên giá, phí chồng lên phí và làm tăng thêm phí tổn của người dân. Ở điểm này, Nhà nước cần thay đổi tư duy và cách thức điều hành, trước hết phải thay đổi thể chế để vận hành các thị trường điện, giáo dục, y tế... để từ đó, giá tự điều chỉnh, tạo ra động lực khuyến khích sản xuất.

Một nghịch lý nữa trên thị trường hiện nay là lạm phát thấp và xu hướng giảm nhưng lãi suất không giảm, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Chênh lệch giữa lạm phát và lãi suất vẫn cao, 9 - 10% là khoản chi phí tài chính rất lớn đối với doanh nghiệp (DN). Lãi suất không giảm ngay cả khi nước ta có chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa rất lỏng.

Hiện nay, chi phí tài chính của DN rất lớn, khả năng huy động vốn của DN trong bối cảnh hiện nay cũng rất khó khăn. Như vậy, giúp DN phục hồi, vượt qua giai đoạn khó khăn, làm sống lại hoạt động kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế là rất khó.

Vấn đề tài khóa, ngân sách đang là một trong những điểm chứa đựng những rủi ro đối với ổn định kinh tế nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Thâm hụt ngân sách năm 2013 là 6,6% GDP, vượt trần 5,3% Quốc hội cho phép.

Ngân sách thâm hụt và chi ngân sách đang quá nhiều, hiệu quả chi tiêu chưa được cải thiện, trong khi thu ngân sách có giới hạn. Nếu thu vượt quá giới hạn sẽ triệt tiêu động lực của nền kinh tế, làm cho kinh tế trở nên trì trệ.

>>Giảm chi tiêu công để chặn lạm phát

Tăng thu, giảm chi ngân sách đã nói từ lâu, nói rất nhiều, nhưng vẫn chưa làm được. Mấy năm gần đây, Nhà nước còn có xu hướng mở rộng chức năng, làm thay chức năng của thị trường, xã hội, chẳng hạn xây tượng đài. Nếu Nhà nước vẫn làm nhiều thứ, ngân sách sẽ vẫn "chạy theo" để phân bổ. Do đó để giảm chi, quy định cụ thể những công việc của Nhà nước và ngân sách sẽ chỉ chi cho những công việc đó, không chi vào những việc khác.

Cách thức bù đắp ngân sách hiện nay thể hiện sự lúng túng của Nhà nước. Tính minh bạch và tính giải trình trong quá trình này rất cần được tăng thêm, nhưng nhiều người lại muốn đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu chính phủ, thay vì giữ nguyên mức 5 năm.

Cho nên thắt chặt kỷ luật ngân sách là việc rất cần hiện nay. Hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam có rất nhiều việc phải làm, nhưng quan trọng nhất là Nhà nước phải thay đổi tư duy và cách thức quản lý cho phù hợp với tư duy, cách tiếp cận của thời đại và xu thế hội nhập toàn cầu.

HẢI VÂN ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỷ luật ngân sách trong hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO