Kỷ luật làm trọng

LÊ VĂN TỨ| 17/12/2009 08:27

Sau hai năm rưỡi tích cực triển khai, nhiệm vụ giai đoạn một Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (gọi tắt là Đề án 30) đã được hoàn thành...

 Kỷ luật làm trọng

Sau hai năm rưỡi tích cực triển khai, nhiệm vụ giai đoạn một Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (gọi tắt là Đề án 30) đã được hoàn thành.

Theo Đề án, giai đoạn hai có nhiệm vụ rà soát, sửa đổi, bãi bỏ những thủ tục không cần thiết, không hợp pháp, không hợp lý; ban hành các thủ tục cải cách áp dụng từ sau 2010. So với nhiệm vụ giai đoạn 1 chỉ là “chụp ảnh” thủ tục hiện hữu, nhiệm vụ giai đoạn hai cao hơn, khó hơn, nhưng thời gian lại chỉ còn một năm rưỡi, do đó phải rất khẩn trương và có cách làm thích hợp. Trước hết cần khẳng định đúng mục tiêu của Đề án 30. Cần nhớ rằng, “đơn giản hóa thủ tục hành chính” tuy là tên gọi của Đề án, nhưng không đồng nghĩa với “giảm thủ tục hành chính” như là mục tiêu cần đạt.

Lâu nay, trong cải cách thủ tục hành chính, nhiều người nhấn mạnh mục tiêu “giảm phiền hà”. Đó đúng là một mục tiêu rất quan trọng, song nếu coi đó là mục tiêu hàng đầu thì lại không đúng. Xét từ nguyên nhân xuất hiện, tồn tại và hoạt động của Nhà nước, được biểu hiện bởi nền hành chính quốc gia và các thủ tục hành chính gắn với nó, thì mục tiêu “giảm phiền hà” phải xếp hàng thứ hai, dưới mục tiêu “bảo đảm sự quản lý của Nhà nước”.

Đây là một nhận thức rất quan trọng, không những cho thấy ý nghĩa đích thực của cải cách thủ tục hành chính, mà còn trực tiếp định hướng xử lý nhiều vấn đề cụ thể trong nhiệm vụ giai đoạn hai. Như đã nêu, trong giai đoạn 2 này, các thủ tục hành chính sẽ được rà soát trên ba mặt: cần thiết, hợp lý và hợp pháp. Nếu mục tiêu “bảo đảm sự quản lý của Nhà nước” được xếp vào hàng đầu, mặc nhiên mặt “cần thiết” của từng thủ tục sẽ trở thành tiêu chí quyết định. Tất cả các thủ tục không cần thiết cho sự quản lý của Nhà nước đều phải coi như thừa và cần bãi bỏ. Với những cắt bỏ này, “giảm phiền hà” sẽ xuất hiện như một kết quả tự nhiên.

Dựa vào cơ sở nào để xác định được đúng “sự cần thiết” của từng thủ tục hành chính? Để trả lời câu hỏi này, phải bắt đầu từ nội hàm khái niệm “quản lý” như một chức năng của Nhà nước. Cần thấy rằng, từ ngữ “Nhà nước quản lý” được sử dụng từ thời kế hoạch hóa tập trung bao cấp và bây giờ đến thời kinh tế thị trường vẫn tiếp tục được sử dụng. Chữ không thay đổi nhưng nghĩa đã thay đổi, bởi vì nội hàm khái niệm được diễn đạt bằng những chữ đó đã thay đổi, phạm vi “quản lý” của Nhà nước bây giờ không như trước.

Đến nay hình như chúng ta mới thống nhất được rằng, phạm vi quản lý của Nhà nước thời kinh tế thị trường hẹp hơn thời tập trung bao cấp. Nhưng hẹp đến đâu lại chưa minh định. Có nghĩa là đường ranh giữa các lĩnh vực Nhà nước cần quản lý và không cần quản lý chưa được vạch ra. Mà phải có đường ranh này thì cải cách thủ tục hành chính mới có được hành lang, một mặt tránh tình trạng Nhà nước bao biện, nắm cả những cái cần buông, hoạt động xã hội bị hành chính hóa, khó tránh khỏi trì trệ, mặt khác cũng tránh buông những cái cần nắm, hoạt động xã hội sẽ không còn kỷ cương.

Tuy có phần khập khiễng, nhưng vẫn có thể so sánh cải cách thủ tục hành chính với việc cải tiến, hoàn thiện một bộ máy cơ khí. Điều dễ thấy là, để sửa những hỏng hóc của một bộ máy cơ khí, chỉ cần một vài thao tác của người điều khiển bộ máy hoặc của thợ cơ khí ở trạm sửa chữa. Nhưng nếu nói đến cải tiến, hoàn thiện bộ máy cơ khí đó, thì lại là công việc của các công trình sư ở Viện Thiết kế.

Theo cơ cấu tổ chức bộ máy thực hiện Đề án 30, Viện Thiết kế đề cập ở đây chính là Tổ Chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Chủ lực quân phải là những chuyên gia làm việc tập trung theo kế hoạch và sự điều hành trực tiếp của Tổ Chuyên trách. So với làm phân tán ở các ngành, các cấp, cách làm việc tập trung như vậy tạo khả năng khắc phục những khó khăn do kiến thức hành chính hạn chế và tàn dư tư duy bao cấp ở các ngành, các cấp. Nó cũng tách được người tạo ra thủ tục hành chính với người (công chức) thực hiện thủ tục hành chính, khắc phục được những suy tư về lợi ích và trách nhiệm cá nhân của công chức thừa hành trong cải cách thủ tục hành chính. Cách làm tập trung này lại có thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ trong thời hạn quy định.

Với quan niệm thủ tục hành chính thực chất chỉ là quy trình kỹ thuật vận hành bộ máy hành chính quốc gia, thì công chức ở mọi cấp đều chỉ là những người vận hành bộ máy hành chính, tương tự như những người vận hành các bộ máy cơ khí. Có nghĩa là quy trình phải được tuân thủ. Trong cải cách thủ tục hành chính, nhiều người nhấn mạnh vấn đề nâng cao “tâm” và “tầm” của công chức. Có vậy bộ máy hành chính quốc gia mới có thể vận hành trơn tru.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỷ luật làm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO