Kinh tế “khỏe” hơn, thật không?

QUỲNH NHƯ/DNSGCT| 14/10/2013 08:46

Ngân sách quốc gia đang thiếu hụt, lao động mất việc đang gia tăng nhưng sức khỏe nền kinh tế thì cứ ngày một khá hơn. Phải chăng đây là một nghịch lý?

Kinh tế “khỏe” hơn, thật không?

Ngân sách quốc gia đang thiếu hụt, lao động mất việc đang gia tăng nhưng sức khỏe nền kinh tế thì cứ ngày một khá hơn. Phải chăng đây là một nghịch lý?

Đọc E-paper

Người lao động làm thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM

Theo nhận định của chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và chín tháng đầu năm 2013 chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện.

Tăng trưởng GDP của quý III là 5,54%, quý sau cao hơn quý trước (quý II là 5%, quý I là 4,76%). Tính chung chín tháng tăng trưởng ước đạt  5,14%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (5,1%).

Chưa hết, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 dù tăng 1,06% chủ yếu do tác động của việc tăng học phí nhưng CPI chín tháng cũng mới tăng 4,63%, là mức tăng thấp nhất trong vòng bốn năm qua.

Xuất khẩu vẫn tiếp tục ghi điểm cho nền kinh tế khi chín tháng qua đã thu về 96,5 tỉ đôla Mỹ, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2012. Nhập siêu chín tháng khoảng 124 triệu USD, bằng 0,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là một điểm sáng khác. Vốn FDI đăng ký ước đạt 15 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm, tăng 36,1%, vốn thực hiện đạt 8,62 tỉ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2012. Giải ngân vốn ODA đạt 3,13 tỉ USD.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trong thực tế lại không sáng như những gì được vẽ ra trong “bức tranh” kinh tế.

Trước hết, hãy thử nhìn vào túi tiền, hay có thể coi là nồi cơm, quốc gia xem sao.

BA ĐỘNG CƠ TĂNG TRƯỞNG BỊ TRỤC TRẶC

Nền kinh tế Việt Nam hiện đang trải qua giai đoạn tăng trưởng thấp nhất kể từ khi Đổi mới và thấp gần như tương đương so với thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính khu vực 1997-1998. Một phần của nguyên nhân chắc chắn liên quan đến những trục trặc của các nền kinh tế ở Liên minh châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng lý do chính khiến nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại chính là vì ba trong bốn động cơ của cỗ máy tăng trưởng kinh tế đang trục trặc. Bốn động cơ tăng trưởng này là khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), khu vực tư nhân trong nước, nông nghiệp, và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)... Duy nhất chỉ còn khu vực FDI là tiếp tục có kết quả tốt chủ yếu nhờ các doanh nghiệp FDI không hoàn toàn lệ thuộc vào hệ thống thể chế trong nước, đồng thời đang được hưởng lợi từ việc các ngành thâm dụng lao động bắt đầu dời khỏi Trung Quốc do
tiền lương ở nước này tăng cao.

Nguồn: trích bài thảo luận chính sách “Khơi thông những nút thắt thể chế để phục hồi tăng trưởng” của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2013 diễn ra trong hai ngày 26 và 27/9/2013 tại Huế.

Số liệu của Tổng cục Thuế cho biết thu ngân sách chín tháng mới đạt 436.336 tỉ đồng, bằng 67,7% so với dự toán cả năm 2013. Với đà thu như thế này, dự báo năm nay thu ngân sách sẽ không đạt chỉ tiêu (chỉ tiêu năm 2013 là 644.500 tỉ đồng, tức là còn phải thu hơn 208.000 tỉ trong ba tháng tới, tương đương mỗi tháng thu gần 70.000 tỉ).

Khả năng hụt thu này hoàn toàn không gây bất ngờ, bởi ngay từ giữa năm Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã lên tiếng cảnh báo về khả năng năm nay ngân sách có thể hụt thu đến 60.000 tỉ đồng.

Cảnh báo này là có cơ sở nếu nhìn vào số thu ngân sách năm 2012. Hai nguồn thu giúp ngành thuế vượt chỉ tiêu 4% trong năm ngoái là nhờ tăng thu từ dầu khí (tăng 53.100 tỉ đồng) và từ sử dụng đất (tăng 8.000 tỉ đồng).

Trong khi đó, thu từ sản xuất kinh doanh bị hụt 34.000 tỉ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu hụt 26.000 tỉ đồng. Như vậy, Việt Nam vẫn cứ tiếp tục dựa vào việc bán tài nguyên để nuôi sống mình, thay vì phải dựa vào sự tích lũy từ bản thân nền kinh tế.

Một động thái khác xác nhận tình trạng khó khăn của ngân sách năm nay là mới đây Chính phủ cho biết sẽ xin nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3% để có tiền chi  cho đầu tư phát triển. Giải pháp này, theo phát biểu của Thủ tướng tại cuộc họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ, đã được Bộ Chính trị đồng ý. Như vậy, khả năng tăng bội chi gần như là chắc chắn.

Cũng tại cuộc họp nói trên, Bộ Tài chính còn đề xuất giảm lương tối thiểu như một biện pháp để giảm chi ngân sách. Dù đề xuất này đã bị Thủ tướng bác ngay, nhưng qua đó cũng nói lên tình hình khó khăn của ngân sách trong năm nay.

Lâu nay, rất nhiều ý kiến cho rằng các con số thống kê của Việt Nam có độ chính xác không cao, thậm chí còn mâu thuẫn, mà ngay cả những người trong ngành cũng phải thừa nhận. Ví dụ, mới đây trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp thị, ông Nguyễn Bích Lâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết “ở các nước, họ tính GDP cho toàn bộ nền kinh tế.

Còn ở Việt Nam, do phục vụ yêu cầu của UBND tỉnh, thành phố trong đánh giá, điều hành, dự báo tình hình, nên phải tính cả chỉ tiêu GDP cho tỉnh”. Và ông còn nói thêm rằng “tính toán GDP vẫn bị bệnh thành tích ở địa phương.

Việc gửi báo cáo cho UBND tỉnh, thành phố nhiều khi vẫn có chuyện “bảo về xem xét lại, thế này thế kia”. Thế nên mới có chuyện cứ “đến hẹn lại lên”, định kỳ hằng tháng, hằng quý rồi hằng năm người dân cứ phải nghe những kiểu đánh giá như “nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực”, “tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước”, mà không phải là những đánh giá đúng thực trạng nền kinh tế.

Quả thực, liệu có ai tin vào tỷ lệ thất nghiệp được Tổng cục Thống kê công bố (số liệu đến tháng 6/2013) là 2,28%, trong đó ở thành thị là 3,85% và nông thôn là 1,57% - một con số nằm mơ cũng không thấy.

Trong khi đó, tại diễn đàn kinh tế mùa thu 2013 mới đây, chỉ bằng một vài phép toán đơn giản, Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên đã cho thấy số lượng người bị mất việc trong hai năm rưỡi qua lên đến hàng triệu.

Theo ông Thiên, số doanh nghiệp đóng cửa từ năm 2011 đến tháng 6/2013 khoảng 135.000, cộng với khoảng 450.000 doanh nghiệp đang hoạt
động bị giảm 30% công suất đã khiến 5,5 triệu người mất việc làm.

Đồng quan điểm này, ông Trần Du Lịch nói thêm: “Các chỉ tiêu tạo việc làm và tỷ lệ thất nghiệp rất khó đánh giá vì tính khả tín của số liệu công bố. Nhưng có điều chắc chắn là với mức tăng GDP khoảng 5% thì không thể tạo ra đến 1,6 triệu việc làm và mức thất nghiệp ở đô thị chỉ có 4%”.

Thất nghiệp là con số rất thực để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế nhưng nó đã bị biến thành số ảo, vậy đâu mới là những con số thực.

Nếu như những yếu kém của nền kinh tế, cũng như những nguyên nhân gây ra, đã được nhận diện trong thời gian qua như nợ xấu, sở hữu chéo, hiệu quả yếu kém của khu vực doanh nghiệp nhà nước... thì điều mà người dân cần được biết là chính phủ đã xử lý chúng như thế nào, kết quả ra sao. Quan trọng hơn là khi nào cuộc sống của họ sẽ dễ thở hơn, chứ không phải là những con số vô cảm kia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế “khỏe” hơn, thật không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO