Kinh nghiệm xử lý nợ xấu trong khu vực châu Á

P.V (theo Gafin)| 14/10/2014 06:34

KAMCO đã tạo ra thị trường cho "mặt hàng" đặc biệt này. Còn TAMC thì tìm nhiều cách hỗ trợ các "con nợ". Họ đã đều thành công trong việc xử lý nợ xấu cho chính phủ Hàn Quốc và Thái Lan.

Kinh nghiệm xử lý nợ xấu trong khu vực châu Á

Sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998, rất nhiều quốc gia khu vực đối mặt với việc làm sao để giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng, và xử lý nợ xấu nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu.

KAMCO: Tạo thị trường cho nợ xấu

Với vai trò then chốt trong tái cấu trúc hệ thống sau khủng hoảng, chính phủ nhiều nước đã thành lập các tổ chức mới để tăng cường quản lý, xử lý khủng hoảng, khôi phục và phát triển thị trường tài chính. Công ty quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO) đã ra đời như thế.

KAMCO được đánh giá là công ty xử lý nợ thành công nhất ở châu Á, không một công ty nào có thể xử lý nợ nhanh như KAMCO đã làm.

Thời điểm tháng 3/1998, nợ xấu của Hàn Quốc là 118 nghìn tỷ won, tương đương 18% tổng dư nợ và bằng 27% GDP Hàn Quốc năm 1998. Đến tháng 4/2003, KAMCO đã mua được 110,1 nghìn tỷ won nợ xấu theo giá trị sổ sách với giá 39,4 nghìn tỷ won và bán được 65,9 nghìn tỷ won nợ theo giá trị sổ sách với giá 31,1 nghìn tỷ won. Số nợ xấu còn lại khi đó ước tính là khoảng 44,2 nghìn tỷ won theo giá trị sổ sách và 12,8 nghìn tỷ won theo giá thị trường.

Đến thời điểm năm 2006, KAMCO đã khôi phục gần 95% số tiền mà các quỹ công đã bơm vào các doanh nghiệp gặp khó khăn sau khủng hoảng tài chính. Đồng thời, KAMCO cũng đã có được 7.200 tỷ won lợi nhuận. Các tổ chức tài chính Hàn Quốc cũng hồi phục được doanh thu, tỷ lệ nợ xấu thấp.

Một nghiên cứu của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, thành công trong giải quyết nợ xấu tại Hàn Quốc phần lớn là nhờ việc thành lập KAMCO đã dẫn tới hình thành được một thị trường cho nợ xấu.

KAMCO đã đóng vai trò như một tổ chức tạo lập thị trường, kết nối giữa người bán và các nhà đầu tư mua nợ xấu. Hơn hết, Hàn Quốc đã thuyết phục thành công các nhà đầu tư quốc tế lớn chuyên tìm mua nợ xấu quan tâm tới thị trường Hàn Quốc. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài đồng thời đã khuyến khích các nhà đầu tư trong Hàn Quốc.

Từ một công ty thu mua nợ nhỏ bé của chính phủ cuối những năm 1997, KAMCO đã trở thành mô hình tái cấu trúc nợ cho nhiều nước. KAMCO đã tập hợp các khoản nợ xấu từ các tổ chức tài chính Hàn Quốc, “đóng gói” lại chúng và bán cho các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là các ngân hàng đầu tư quốc tế và các quỹ đầu tư tư nhân.

KAMCO đã thực hiện một chiến dịch marketing, tổ chức các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư tại New York, London và Singapore. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ xô tới các cuộc bán đấu giá nợ xấu của KAMCO bởi giá rẻ và thủ tục minh bạch.

Không giống như Indonesia và Malaysia, xử lý nợ theo hướng nội bộ, Hàn Quốc bán nợ xấu cho các nhà đầu tư nước ngoài bởi không có nhiều nhà đầu tư trong nước có thể mua các tài sản xấu ở thời điểm đó và Hàn Quốc cực kỳ cần nguồn vốn ngoại, người phát ngôn của KAMCO Lee Jong-jin từng chia sẻ với Financial Times.

Theo ông Lee Jong-jin, KAMCO đã phải phát triển nhiều sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư và sử dụng nhiều thủ thuật tài chính để các sản phẩm của mình trở nên hấp dẫn.

KAMCO thậm chí đã thành lập những liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm Deutsche Bank, Lehman Brothers, Morgan Stanley và Colony để tái cấu trúc các tài sản xấu.

Sau đó, KAMCO còn thực hiện đầu tư ở nước ngoài, thành lập quỹ với các nhà đầu tư nội địa để mua nợ xấu của Trung Quốc, Mỹ. KAMCO cũng đã ký thỏa thuận tư vấn xử lý nợ xấu với Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và là một đối tác quan trọng giúp Việt Nam thành lập công ty xử lý nợ xấu.

TAMC: Hỗ trợ "con nợ"

Một mô hình AMC thành công khác trong khu vực là TAMC của Thái Lan.

TAMC được thành lập năm 2001, là một cơ quan quốc gia có nhiệm vụ xúc tiến tái cấu trúc nợ xấu bằng cách “hút” nợ xấu khỏi hệ thống tài chính và tập trung vào quản lý việc mua nợ xấu từ các ngân hàng.

Đến năm 2004, khi tròn 3 tuổi, TAMC đã tái cấu trúc được 767 tỷ baht nợ xấu, tương đương 98% tổng giá trị sổ sách của 777 tỷ baht đã nhận từ các tổ chức tài chính tư nhân và chính phủ. Chương trình tái cấu trúc nợ tại Thái Lan liên quan tới hơn 15.000 chủ nợ.

TAMC đã hỗ trợ các “con nợ” phục hồi hoạt động, tư vấn cho các doanh nghiệp đã trải qua quá trình tái cấu trúc nợ để họ có thể tiếp cận các nguồn tài chính bổ sung. Đặc biệt, khoảng 27 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Thái Lan đã được hưởng lợi lớn từ các hoạt động của TAMC.

Các công ty này, với tổng nợ vào khoảng 50 tỷ baht, đã hoàn thành tái cấu trúc nợ, tăng vốn thêm 30 tỷ baht thông qua cổ phần hóa trên sở giao dịch chứng khoán Thái Lan. Một số công ty còn có thể vay thêm khoảng 12 tỷ baht từ các tổ chức tài chính để sử dụng như vốn lưu động.

Động thái này đã giúp tăng cường sức mạnh cho các doanh nghiệp này và cho thấy hiệu quả của quá trình tái cơ cấu nợ của TAMC.

TAMC cũng giúp giảm nợ công bằng cách mua lại gần 52 tỷ baht trái phiếu trước hạn. Triết lý của TAMC là cung cấp cho “con nợ” cơ hội để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thay vì thực hiện thu hồi tài sản thế chấp. Việc thu hồi tài sản thế chấp sẽ là lựa chọn cuối cùng của TAMC, chỉ khi các con nợ không hợp tác hay có thái độ không trung thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh nghiệm xử lý nợ xấu trong khu vực châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO