Kiểm kê tài sản - biện pháp chống tham nhũng chưa hiệu quả

NGỌC ANH/DNSGCT| 06/06/2017 03:35

Thanh tra và kiểm kê tài sản cán bộ là một biện pháp chống tham nhũng đáng ra phải rất hữu hiệu, nhưng kết quả này đã không có được.

Kiểm kê tài sản - biện pháp chống tham nhũng chưa hiệu quả

Kiểm kê tài sản cán bộ không phải là chuyện gì mới, hàng chục năm nay Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp, cơ quan thanh tra rất vất vả – nhất là trong những đợt tập trung vào một số cán bộ cấp trung ương vi phạm pháp luật – nhưng kết quả chưa lay động sự quan tâm của quần chúng.

Đọc E-paper

Thanh tra và kiểm kê tài sản cán bộ là một biện pháp chống tham nhũng đáng ra phải rất hữu hiệu, nhưng kết quả này đã không có được, mà nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta chưa thực hiện đến nơi đến chốn và không loại trừ có những trường hợp bao che từ các phe nhóm lợi ích.

Hồi năm ngoái, một báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, trong hơn 1 triệu người phải kê khai tài sản – thu nhập năm 2015, qua xác minh khoảng 400 hồ sơ đã… không thấy có một vi phạm nào, khiến nhiều người ví von đúng là “chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ”.

Nhưng tuần qua, có một sự kiện được dư luận chú ý trong tình hình chống tham nhũng đang lúc dầu sôi lửa bỏng, khi bộ máy nhà nước phát hiện nhiều cán bộ cấp cao có liên quan các vụ tiêu cực, gây thiệt hại lớn. Ngày 23/5, Bộ Chính trị ban hành quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý.

Theo quy định vừa nói, động tác này diễn ra khi có 3 yếu tố (1) Cơ quan và tổ chức có thẩm quyền ban hành kế hoạch, yêu cầu kiểm tra, giám sát, (2) Xuất hiện đơn thư kiến nghị phản ánh có căn cứ về việc cán bộ kê khai tài sản không trung thực và (3) Khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản.

Theo thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, khoảng 1.000 cán bộ sẽ chịu tác động, số lượng lớn và tập trung đối tượng như vậy trong chừng mực cho thấy tầm mức quan trọng của quy định này.

>>Nước nào đứng đầu thế giới về tham nhũng?

Được biết, các chức vụ do Bộ Chính trị trực tiếp quản lý gồm: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, lãnh đạo các ban của Đảng, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy.

Còn các chức danh do Ban Bí thư trực tiếp quản lý gồm Phó trưởng ban của Trung ương, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Thứ trưởng, Phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy.

Thông tin qua báo chí không nói rõ việc kiểm kê, kiểm tra này có mở rộng cho cán bộ cấp cao đã từng ở trong bộ máy Đảng và Nhà nước hay không.

Về nguyên tắc thì kết quả kiểm kê và thanh tra tài sản cán bộ cấp cao sẽ được công bố, nhưng lâu nay điều này vẫn quá hiếm hoi. Liệu lần này với Quy định 85 có sức nặng của Bộ Chính trị, tiến trình thanh tra có đến nơi đến chốn hay không, bởi đây là điều kiện tối thiểu để lấy lại lòng tin của người dân trong công cuộc chống tham nhũng vốn được coi là quốc sách.

Hoạt động chống tham nhũng chưa thực sự có hiệu quả bởi chúng ta chưa làm rõ 2 yếu tố đan chen nhau là tài sản và thu nhập không chính thức, để từ đó truy nguyên nguồn gốc có hợp pháp không. Các giao dịch mang tính tham nhũng thường xuất phát từ tiền mặt và trong điều kiện chi tiêu, thanh toán như hiện nay, việc kiểm soát đồng tiền bất minh không hề dễ dàng.

Cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng, hãy để cho quần chúng có cơ hội được tiếp cận thông tin tài sản của quan chức thì lúc ấy sự giám sát của xã hội, của người dân sẽ giúp quá trình kê khai tài sản đi vào thực chất hơn.

Tuy còn quá sớm để đánh giá về một quyết tâm chống tham nhũng qua việc kê khai tài sản của giới lãnh đạo, nhưng dù sao người dân cũng kỳ vọng với cuộc tấn công lần này những khoản tiền lớn bị mất cắp sẽ quay trở về với công quỹ.

>>Tài sản của 1% người giàu nhất thế giới là bao nhiêu?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiểm kê tài sản - biện pháp chống tham nhũng chưa hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO