Không thể "gộp" tổng giá trị trái phiếu chính phủ vào tín dụng

HẢI VÂN thực hiện| 04/12/2012 00:58

Trong khi tình trạng tốc độ tăng tín dụng bị tắc nghẽn thì trên bảng tổng kết tài sản của tổ chức tín dụng đã phải gia tăng khoản đầu tư khác cho đối tượng sử dụng vốn quen thuộc đến từ Chính phủ, tạo hệ lụy xấu cho nền kinh tế.

Không thể

TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định: Nền kinh tế Việt Nam đến thời điểm cuối năm 2012 vẫn trong trạng thái thừa vốn, thừa hàng và thiếu tiền. Trong khi tình trạng tốc độ tăng tín dụng bị tắc nghẽn thì trên bảng tổng kết tài sản của tổ chức tín dụng đã phải gia tăng khoản đầu tư khác cho đối tượng sử dụng vốn quen thuộc đến từ Chính phủ, tạo hệ lụy xấu cho nền kinh tế.

* Tính đến cuối năm 2012, các ngân hàng (NH) đã mua 183.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP), tương đương 6,3% tổng dư nợ tín dụng. Theo ông, hệ lụy từ động thái này là gì?

- Trực tiếp và rõ nhất là nợ công sẽ tăng, góp phần "lái" dòng tiền từ huy động xã hội qua NH sang đầu tư tài chính, chuyển vào TPCP. Nếu Chính phủ là con nợ lớn, thì nguồn vốn bị phi sản xuất hóa sẽ càng lớn và hệ lụy tiếp theo là tăng nghĩa vụ thuế, phí, thậm chí tăng lạm phát để có nguồn trả nợ trái phiếu khi đáo hạn.

Chỉ duy nhất một hệ quả tốt là NH cho Chính phủ vay qua hình thức trái phiếu thì rủi ro hầu như bằng 0.

* TPCP được gộp vào tăng trưởng tín dụng. Điều này có thể không trái với các quy định về quản lý, điều hành tài chính, nhưng theo ông thì có phù hợp với bối cảnh nền kinh tế hiện nay?

- Phải gọi đúng tên từng khoản "sử dụng vốn" của ngân hàng thương mại (NHTM). Theo đó, chỉ những khoản: cho vay, bao thanh toán, bảo lãnh NH, phát hành thẻ tín dụng, chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá theo hồ sơ/hợp đồng tương ứng của khách hàng và thể hiện bên tài sản có ở mục cấp tín dụng trên thị trường tín dụng của NHTM mới gọi là tín dụng.

Các hoạt động đầu tư tài chính khác không nằm trong khái niệm tín dụng, nên không thể "gộp" tổng giá trị TPCP vào tín dụng để gọi chung đó là tăng trưởng tín dụng được.

Tuy nhiên, nếu NH đầu tư trực tiếp vào trái phiếu doanh nghiệp hay trái phiếu công ty, không trái với quy định về hạn mức tín dụng (nếu có) và được phép của NH Nhà nước, thì có thể coi đó là một hình thức biến tướng của tín dụng nên có thể "gộp" phần này vào dư nợ làm thành tổng dư nợ nền kinh tế.

Tiếc thay, hình thức này lại quá hiếm, do nước ta không phân chia các loại ngân hàng kinh doanh thành 3 nhóm: NHTM, NH đầu tư và NH phát triển, như các nước. Ở ta, NH kinh doanh cũng phân thành 3 nhóm, nhưng lại gồm: NHTM, NH chính sách và NH hợp tác xã.

Hệ lụy là các loại NH kinh doanh đều có những nhóm sản phẩm "phong trào" và bị điều chỉnh như nhau, trong khi thực tế đã có nhiều NH hoạt động theo cơ cấu sử dụng vốn của NH đầu tư, nhưng không được bóc tách để được điều chỉnh bởi cơ chế thích ứng.

* Lãi suất TPCP thấp hơn lãi suất cho vay của NH, tại sao lại hấp dẫn NH như vậy?

- Không phải là "hấp dẫn", mà theo nguyên lý về giá cả và giá trị, do đầu tư vào trái phiếu vừa tốn ít chi phí hoạt động, vừa không có rủi ro nên giá bán vốn (lãi suất) phải thấp.

Các NH bí đầu ra, do năng lực hấp thụ vốn của khu vực sản xuất, tiêu dùng đang rất yếu, việc tìm được khách hàng cho vay vừa khó khả thi, vừa bao hàm rủi ro lớn, trong bối cảnh nợ xấu cao, tồn kho lớn lại chưa phát triển mạnh được thị trường tín dụng bán lẻ và mặt bằng lãi suất thương mại vẫn rất cao so với khả năng thanh toán của doanh nghiệp và người vay... nên NH phải tìm nơi đầu tư phi tín dụng.

* Nếu nói NHTM đầu tư vào TPCP để giảm thiểu rủi ro hơn là cho doanh nghiệp vay, thì các NHTM dường như chưa làm hết chức năng của mình?

- Đây là điều cực chẳng đã, nhưng đang là sự thật! Khi đầu tư vào TPCP gia tăng không bình thường, đồng nghĩa với tăng nợ công và không đầu tư vào sản xuất.

Cùng với đó, tính chất "không rủi ro" của TPCP sẽ ẩn vào các nghĩa vụ đóng góp ngân sách của xã hội. Suy cho cùng, trong tình trạng nền kinh tế có biểu hiện suy giảm, năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp kém mà Chính phủ vẫn "tiêu thụ” được vốn vay thoải mái qua trái phiếu thì mọi rủi ro sẽ chia đều cho các nghĩa vụ nộp ngân sách phải gánh chịu ở chu kỳ đáo hạn của trái phiếu!

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không thể "gộp" tổng giá trị trái phiếu chính phủ vào tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO