Không nên sử dụng điều kiện kinh doanh như công cụ để cạnh tranh

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG(*)| 06/09/2018 03:25

Bộ Giao thông - Vận tải đang lấy ý kiến lần thứ 5 Dự thảo Sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Không nên sử dụng điều kiện kinh doanh như công cụ để cạnh tranh

Luật Giao thông Đường bộ có hiệu lực năm 2008, từ đó đến nay đã có ba hướng dẫn về kinh doanh vận tải ô tô là Nghị định 91, 93 và 86, nhưng không giải quyết được vấn đề hiện nay của giao thông đường bộ, thậm chí còn gây tích tụ và làm tình hình phức tạp thêm. Vấn đề đặt ra là luật này không đổi nhưng hướng dẫn thi hành luật thay đổi một cách tùy ý.

Kinh doanh vận tải không phải là một ngành duy nhất đang có những xung đột gay gắt, tình trạng này còn được nhìn thấy trong ngành dệt may và một số ngành khác. Điều đó có nghĩa, ngay khi đang phải đối mặt với những vấn đề của phương thức kinh doanh cũ, những thách thức của phương thức kinh doanh mới đã ập đến và phức tạp hơn. Thậm chí, nếu không chuyển đổi kịp, phương thức cũ sẽ bị phá hủy bởi chính phương thức mới.

Cách mạng công nghiệp 4.0 có ba loại công nghệ chính: thế giới vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo. Ba công nghệ này đang kết hợp lại ra những công nghệ mới, phương thức kinh doanh mới. Cách làm mới thay đổi với tốc độ nhanh và quy mô rất lớn. Điều này có thể thấy từ Uber và Grab - một hiện tượng của xu thế mới.

Bản chất của Uber và Grab là kinh tế số, kinh tế chia sẻ, nên dù muốn hay không nó vẫn tồn tại và không thể ngăn cấm. Hiện nay, giá trị của Uber trên thị trường cổ phiếu là 60 - 70 tỷ USD, nên huy động một vài tỷ USD là rất dễ dàng. Với Grab, với giá trị 6 - 7 tỷ USD, việc huy động 500 triệu USD hay 1 tỷ đô la là không khó. Điều đó cho thấy tiềm năng của hai doanh nghiệp này rất lớn.

Việt Nam đang hướng đến môi trường kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng. Việc sử dụng các điều kiện kinh doanh như một công cụ để cạnh tranh với xu hướng hiện đại là không nên làm và không được làm. Việt Nam cần nhiều hơn những công ty công nghệ tương tự Uber và Grab để cạnh tranh với doanh nghiệp taxi truyền thống. Do đó, sửa Nghị định 86/2014/NĐ-CP, vấn đề cần quan tâm là sự phát triển trên nhiều lĩnh vực của các mô hình kinh doanh mới.

Một điểm cần lưu ý, khi nền công nghệ của doanh nghiệp nước ta còn yếu, việc Dự thảo Sửa đổi Nghị định 86 quy định doanh nghiệp phải cung cấp quá nhiều thông tin với chi phí lớn về công nghệ, thì khi doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được, đương nhiên doanh nghiệp nước ngoài vào chiếm lĩnh thị trường. Thêm nữa, liên quan đến định vị bên trong chuỗi giá trị kinh doanh, các công ty công nghệ sẽ có chức năng riêng, đừng gắn cho nó chức năng khác. Bởi khi gắn với một chức năng khác, nó sẽ hoạt động sai chức năng.

Như vậy, từ thời điểm 2003 đến nay, những vấn đề liên quan đến taxi không khác về bản chất. Góp ý vào Dự thảo Sửa đổi Nghị định 86 lần này, CIEM muốn cơ quan chức năng thay đổi tư duy xây dựng văn bản này, giảm hơn nữa các quy định về điều kiện gia nhập thị trường của doanh nghiệp, nhấn mạnh đến yếu tố bảo đảm an toàn giao thông và khi doanh nghiệp đã tham gia kinh doanh giao thông thì không can thiệp vào phần nghiệp vụ của họ.

Quyết định thành bại trong kinh doanh là khách hàng, là người tiêu dùng. Nếu dịch vụ của doanh nghiệp trong nước đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn, thuận tiện, chi phí hợp lý chắc chắn kinh doanh hiệu quả. Do đó, doanh nghiệp taxi cần thay đổi cách thức góp ý kiến xây dựng văn bản pháp luật, cần tư duy theo hướng cạnh tranh và đề xuất gỡ bỏ bớt điều kiện kinh doanh.

CIEM cũng mong muốn tìm kiếm một cách thức mới để giải quyết các vấn đề thể chế, bằng thảo luận theo hướng mở, trong bối cảnh vừa bãi bỏ được 50% điều kiện kinh doanh, trên tinh thần Chính phủ kiến tạo phát triển, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tự do. Vì như thế mới phát huy được sáng tạo của người dân, sáng tạo của doanh nhân trong phát triển dịch vụ phục vụ khách hàng.

(*) Tác giả hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không nên sử dụng điều kiện kinh doanh như công cụ để cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO