Không để GDP chỉ tăng 5%

CÁC NGỌC| 06/06/2009 00:57

Thẳng thắn nhận định về những “được, mất” của Việt Nam sau hai năm là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Võ Trí Thành phân tích:

Không để GDP chỉ tăng 5%

Thẳng thắn nhận định về những “được, mất” của Việt Nam sau hai năm là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Võ Trí Thành phân tích:

- Được thứ nhất là cải cách hành chính liên quan đến pháp luật, sự thay đổi tư duy về hội nhập quốc tế. Được thứ hai là niềm tin vào sự phát triển dài hạn của Việt Nam tăng lên thể hiện qua xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, qua cả thái độ lạc quan kinh doanh của người Việt Nam. Tuy nhiên, đáng tiếc nhất là Chính phủ ứng phó với các vấn đề có thể tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô không kịp thời. Các nền kinh tế mở đều trải qua những lúc đau đớn. Chính phủ đã lắng nghe rất nhiều, dám điều chỉnh, rà soát lại, đó là điều đáng quý.

* Ông có nghĩ nếu chúng ta chưa gia nhập WTO thì có thể sẽ ít căng thẳng hơn?

- Tôi cho rằng sẽ đỡ khó khăn hơn một chút trong ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng tác động đến nền kinh tế thực thì không nhiều. Không phải vì gia nhập WTO mà gặp nhiều khó khăn về giá cả, nguồn vốn và cung ứng tiền tệ.

* Nhập siêu năm nay khá cao, liệu có thể hạn chế trong năm tới?

- Đối với một nước đang phát triển nhanh, phải trả lời được hai câu hỏi cơ bản nhất để điều chỉnh chính sách nhập khẩu: nhập siêu có tạo ra năng lực sản xuất tốt cho tương lai hay không, nhập siêu có phá thế ổn định kinh tế vĩ mô không, vì nhập siêu nhiều thì phải có khoản khác bù lại. Nếu không có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), không có vốn ODA, không vay thương mại, các luồng vốn không vào thì lấy gì trả. Tuy nhiên, luồng vốn nào cũng có thể thình lình rút ra, hoặc vốn vào không đúng chỗ thì gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô vì liên quan nợ nước ngoài. Cho nên tổng quát phải xem xét năng lực tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế. Mức nhập siêu ở Việt Nam năm nay là quá cao, chiếm tới 15 - 18% GDP. Nếu nhìn dài hạn thì mức nhập siêu khoảng 7 - 10% GDP mới phát triển bền vững được.

Vừa rồi, Chính phủ thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, tăng trưởng giảm, nên đầu tư vào tiêu dùng Việt Nam giảm, làm cho nhập khẩu giảm. Như vậy, chính sách thắt chặt tiền tệ cũng làm giảm tổng cầu, giảm nhập siêu. Ngoài ra, còn có một số biện pháp tương đối hành chính là cấm nhập, hạn chế nhập.

* Hồi đầu năm chính sách thắt chặt tiền tệ thực hiện quá nhanh khiến doanh nghiệp không kịp trở tay, cuối năm tuy có nới lỏng nhưng vẫn chưa khả quan cho doanh nghiệp. Liệu doanh nghiệp có dễ thở hơn trong năm tới?

- Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục trong năm tới, nhưng nới lỏng mà vẫn phải thận trọng.

* Thận trọng mà ông nói là gì?

- Tức là không thể chỉ nghĩ đến bơm tiền ào ào ra. Thấy rất rõ trong năm 2007, sự hứng khởi dẫn đến bất ổn vĩ mô, lạm phát nên cuối cùng người lãnh đủ vẫn là doanh nghiệp. Vậy khi điều kiện đã thuận lợi hơn, bên cạnh ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ phải có những biện pháp vi mô hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo dõi diễn biến của thế giới để điều chỉnh linh hoạt. Vốn FDI trong năm nay cũng không đáng lạc quan vì vốn thực đưa cho nền kinh tế khoảng 8 tỷ USD, trong số vốn thực hiện 11 tỷ USD của các nhà đầu tư nước ngoài. Bản thân nhà đầu tư nước ngoài hiện nay huy động vốn rất khó nên năm sau FDI cũng chưa khả quan.

* Năm tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào khi bước vào năm thứ ba gia nhập WTO?

- Ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là quan trọng, đẩy cải cách chứ đừng quá câu nệ tăng trưởng, nhưng tăng trưởng cũng cần ở mức không gây xáo trộn xã hội. Đó là bài toán khó. Nếu tỷ lệ tăng GDP xuống còn 5% là có vấn đề xã hội, còn ở mức 6,5% thì vẫn có thể kiểm soát được.

* Theo ông, trong mục tiêu tăng trưởng nên chú trọng những gì?

- Bài học thời gian qua cho thấy phải chú trọng khu vực tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Còn thu hút FDI phải chú ý hiệu quả chứ không phải chỉ số lượng dự án, vốn đăng ký. Đối với doanh nghiệp nhà nước, phải nghĩ đây là giai đoạn tích cực cải cách. Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ xã hội. Còn ổn định kinh tế vĩ mô vẫn còn phụ thuộc kinh tế toàn cầu. Những yếu kém nội tại trong hệ thống tài chính của mình vẫn còn, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế vẫn còn. Do vậy tăng trưởng không thể đạt mức cao. Theo dự báo, kinh tế Việt Nam trong năm tới chỉ đạt tăng trưởng GDP 6 - 6,5%, kiên quyết không thể để ở mức 5% vì như vậy sẽ đổ vỡ về mặt xã hội.

* Cảm ơn ông về những ý kiến trên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không để GDP chỉ tăng 5%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO