Không có lý do gì để Việt Nam bỏ Tết âm lịch

TS. PHAN MINH NGỌC| 20/01/2017 07:35

Những năm gần đây, mỗi dịp gần Tết âm lịch là lại nổ ra cuộc tranh luận gay gắt và xem ra bất phân thắng bại về chuyện nên hay không duy trì Tết âm lịch

Không có lý do gì để Việt Nam bỏ Tết âm lịch

Những năm gần đây, mỗi dịp gần Tết âm lịch là lại nổ ra cuộc tranh luận gay gắt và xem ra bất phân thắng bại về chuyện nên hay không duy trì Tết âm lịch, có nên nghỉ dài (từ 7 đến 10 ngày) hay không, và có nên gộp Tết âm lịch vào Tết dương lịch hay không.

Qua theo dõi dư luận, thấy bên phản đối duy trì Tết âm lịch, hoặc ủng hộ chuyện gộp 2 cái tết này vào với nhau đưa ra một số lý do sau:

Thứ nhất, nghỉ Tết âm lịch 10 ngày, hay kể cả 7 ngày, là quá dài. Điều này không những là ngược với phần còn lại của thế giới khi họ làm việc thì ta nghỉ (và khi họ nghỉ Noel, nghỉ Tết dương lịch thì ta lại làm việc), ảnh hưởng đến quan hệ với đối tác nước ngoài, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và năng suất làm việc (trước và sau Tết người lao động làm việc uể oải, cầm chừng), kéo theo những tệ nạn như nhậu nhẹt, tai nạn giao thông v.v...

Thứ hai, Nhật đã chuyến sang ngày Tết dương lịch, bỏ Tết âm lịch (hoặc chỉ nghỉ 1 ngày), Hàn Quốc cũng đang đi theo hướng này, trong khu vực chỉ còn Trung Quốc và Việt Nam là nghỉ Tết âm lịch nhiều.

Thứ ba, Việt Nam phải theo tiến trình văn minh của thế giới, tiến hành hội nhập bằng cách chuyển/gộp Tết âm lịch vào Tết dương lịch, thay đổi hình thức ăn Tết âm lịch theo hướng ngắn hơn, văn minh hơn (tức là ít đến thăm nhau hơn, ít ăn nhậu hơn, hướng đến các hoạt động văn hóa chất lượng hơn).

Thứ tư, Việt Nam thuộc diện có nhiều ngày nghỉ lễ cao nhất khu vực. Những nước như Thái Lan, Lào, và Singapore chỉ nghỉ 4 - 5 ngày trong các dịp quốc  lễ.

Dưới đây, xin phân tích từng lý do trên để xem xét điểm hợp lý và bất hợp lý của chúng.

Về lý do thứ nhất, thực ra những năm gần đây Việt Nam mới nghỉ nhiều ngày trong dịp Tết âm lịch như vậy, chứ trước đây chỉ nghỉ 3 ngày (từ mùng 1 đến 3 Tết). Gần đây, số ngày nghỉ tăng lên không phải là người dân được nghỉ nhiều hơn, mà là do phải làm bù vào những ngày trước hoặc sau Tết âm lịch để thời gian nghỉ Tết kéo dài hơn mà không bị gián đoạn.

Về chuyện nghỉ ngược với thế giới, điều này là một thực tế. Nhưng nếu vì chuyện này mà yêu cầu phải bỏ Tết âm lịch (hoặc gộp vào Tết dương lịch) để cho giống thế giới thì có khác gì yêu cầu các nước phải "nhất thể hóa", có ngày nghỉ giống nhau? Còn nếu lý luận rằng ngày nghỉ có thể khác nhau nhưng miễn là phải ngắn để đỡ bị ảnh hường thì hãy xem bảng dưới đây.

Các nước trong khu vực có từ 6 ngày nghỉ lễ liên tục trở lên trong năm 2017
 (Kể cả ngày nghỉ trùng vào thứ bảy, chủ nhật)

Quốc gia/vùng lãnh thổ
Thời gian nghỉSố ngày
Myanmar12/4 - 23/412
Trung Quốc27/1 - 2/27*
Indonesia24/6 - 2/78
Việt Nam26/1 - 1/27
Đài Loan (Trung Quốc)27/1 - 1/26

* Gồm cả ngày nghỉ do làm bù trước hoặc sau kỳ nghỉ. Nguồn: http://publicholidays.asia

Theo bảng trên, mới chỉ xét đến các nước Đông Á và Đông Nam Á đã có thể thấy ít nhất có 4 nước ngoài Việt Nam có những kỳ nghỉ dài liên tục từ 6 ngày trở lên trong năm 2017 (chưa kể 3 nước khác là Brunei, Nhật và Thái Lan có một kỳ nghỉ liên tục 5 ngày, gồm cả thứ bảy và chủ nhật, khác biệt hoàn toàn với khu vực và thế giới). Hiện chưa có thông tin về việc các nước trên bãi bỏ hoặc gộp những ngày nghỉ dài của mình vào những ngày nghỉ khác cho giống với thế giới.

>>Nhớ chợ Tết quê

Về chuyện nghỉ dài nên năng suất lao động giảm, điều này thuộc về chuyện nội bộ của công ty, cơ quan, những người sử dụng lao động, do những lý do ví dụ như thiếu vắng những biện pháp kỷ luật lao động cứng rắn và phù hợp để buộc người lao động quay trở về với nhịp điệu lao động như cũ, chứ không phải do tại nghỉ dài. Hơn nữa, nếu cứ cho rằng nghỉ dài là giảm năng suất lao động thì chẳng lẽ Nhà nước cần cấm người lao động được nghỉ phép liên tục, ví dụ 5 ngày trong một lần nghỉ sao?

Tương tự, không thể “đổ lỗi” cho nghỉ dài kéo theo tai nạn, tệ nạn. Đã là ngày nghỉ, dù chỉ 1 ngày thì người ta vẫn cứ ăn nhậu, vẫn có thể gây ra tệ nạn, tai nạn như thường.

Lý do thứ hai,rằng Nhật và Hàn Quốc đã/đang chuyển Tết âm lịch sang Tết dương lịch, chỉ còn Trung Quốc  và Việt Nam nghỉ Tết âm lịch nhiều.

Nếu hàm ý rằng 2 nước này nhờ chuyến sang ăn Tết dương lịch nên mới được như ngày nay thì rất thiếu căn cứ. Chẳng ai chứng minh được bằng con số (thực chứng) rằng có mối liên hệ chặt chẽ giữa bỏ Tết âm lịch hoặc gộp Tết âm lịch vào Tết dương lịch với sự giàu mạnh của một quốc gia.

Kể cả lập luận rằng 2 nước trên được như ngày này là nhờ họ có ngày nghỉ Tết âm lịch ngắn, trái với Việt Nam và Trung Quốc, thì đây vẫn là lập luận phi lý, vì bản thân Trung Quốc nghỉ (Tết âm lịch) nhiều như vậy nhưng họ đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, sắp có cơ soán ngôi đầu bảng của Mỹ. Vậy thì chuyện nghỉ Tết âm hay không, và nghỉ dài hay ngắn, xem ra không có mấy liên hệ với chuyện quốc gia đó có giàu có lên được hay không

Về lý do thứ ba, rằng Việt Nam phải theo tiến trình văn minh của thế giới, có vẻ như đang đánh đồng chuyện nghỉ/ăn Tết âm lịch với sự lạc hậu, không văn minh. Nếu đúng vậy thì cần biết rằng không chỉ người dân ở Việt Nam hay Trung Quốc và vùng lãnh thổ Hồng Kông hay Đàl Loan, mà cả người dân ở các nước như Singapore và Thái Lan (tùy từng tỉnh), thậm chí các quốc gia Hồi giáo như Brunei, Indonesia và Malaysla, cũng coi Tết âm là ngày lễ quốc gia và người dân được nghỉ lễ. Rõ ràng không thể gắn chuyện bỏ Tết âm lịch với trào lưu thế giới hay hội nhập gì cả.

Gói bánh chưng - việc làm mang nhiều ý nghĩa và được mong chờ đối với hầu hết người Việt trong dịp Tết âm lịch

Cũng nên biết thêm rằng tập tục ăn/vui Tết âm lịch ở các nước này (ít nhất trong cộng đồng người Hoa) từ bao lâu nay vẫn là vậy. Ai thích đi thăm họ hàng, tổ chức ăn uống, lì xì thì vẫn đi, vẫn làm; ai thích tranh thủ những ngày nghỉ để đi du lịch, thưởng ngoạn văn hóa thì vẫn cứ đi. Chẳng có chuyện Tết âm lịch của họ theo hướng ngắn hơn, "văn minh" hơn, thể hiện ở việc ít đến thăm nhau hơn, ít ăn nhậu hơn, hướng đến các hoạt động văn hóa chất lượng hơn...

Về lý do cuối cùng, Việt Nam thuộc diện có nhiều ngày nghĩ lễ cao nhất khu vực. Những nước như Thái Lan, Lào, và Singapore chỉ nghỉ 4 - 5 ngày trong các dịp quốc lễ.

Thông tin trên là hoàn toàn sai. Như bảng dưới đây cho thấy, Việt Nam thực ra có số ngày nghỉ thuộc dạng ít nhất trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong năm 2017, dù Việt Nam đã cho nghỉ thêm 2 ngày trong dịp Tết âm lịch năm nay (ngày 26/1 và 27/1) so với các năm trước. Do đó, nếu bỏ Tết âm lịch thì Nhà nước phải cho người dân nghỉ bù vào các thời điểm khác trong năm để đảm bảo số ngày nghỉ lễ ờ Việt Nam không trở nên quá ít ỏi so với khu vực và thế giới. Mà nếu làm như vậy thì dù có bỏ Tết âm lịch ở Việt Nam thì mọi tác động tiêu cực được gắn với Tết âm lịch (nghỉ nhiều, dài, thiệt hại kinh tế, không hội nhập, tệ nạn, tai nạn gia tăng...) vẫn sẽ còn nguyên đó.

Số ngày nghỉ lễ quốc gia tại các nước trong khu vực năm 2017
(không kể cả ngày nghỉ trùng vào thứ bảy, chủ nhật)

Quốc gia/vùng lãnh thổSố ngàyQuốc gia/vùng lãnh thổSố ngày
Campuchia21Nhật12
Indonesia19Macao12
Myanmar18Hàn Quốc11
Thái Lan15Trung Quốc11
Đài Loan14Việt Nam11
Hồng Kông13Malaysia10*
Philippines13Singapore10
Brunei12Lào9

* Mỗi bang có thêm các ngày nghỉ riêng. Nguồn: http://publicholidays.asia

Tương tự, nếu gộp Tết âm lịch vào Tết dương lịch thì vẫn phải/nên đảm bảo tổng số ngày nghỉ trong năm không ít hơn so với trước đây.

Sau tất cả, Tết âm lịch từ lâu đã trở thành một thứ như là tín ngưỡng trong lòng hầu hết người Việt, không nên và không dễ gì xóa bỏ.

>>Tết trong mắt người nước ngoài ở Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không có lý do gì để Việt Nam bỏ Tết âm lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO