Khó nhất là khôi phục lòng tin thị trường

MINH NGUYỄN| 12/05/2012 00:27

Cùng với gói giải cứu doanh nghiệp 29.000 tỉ đồng, nhiều biện pháp khác cũng được Chính phủ thông qua được công bố chính thức hôm 4-5. Nhưng dường như giải pháp dàn trải đó chưa phải là liều thuốc đủ mạnh trợ giúp hữu hiệu doanh nghiệp trong hồi suy kiệt…

Khó nhất là khôi phục lòng tin thị trường

Sức mua và lòng tin cùng giảm nghiêm trọng

Gần hai tháng qua, khi Tổng cục Thống kê chính thức công bố số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể tiếp tục tăng lên con số gần 100.000 (năm 2011: hơn 75.000 và quý I-2012: 17.735 doanh nghiệp), thực tế con số đó có thể còn cao hơn nhiều đã làm cho dư luận hết sức quan tâm.

Các phương tiện truyền thông và chuyên gia nghiên cứu kinh tế bàn về “đáy” của sản xuất kinh doanh. Người ta dự đoán có thể đó là quý II/2012 hay “đáy” sẽ dịch chuyển tiếp thời gian sau tùy theo sự ứng phó của chính sách kinh tế vĩ mô.

Các phương án tài chính, lãi suất tín dụng bắt đầu giảm còn 15%/năm, giãn, giảm và hoãn thuế cũng đã được bàn tới ở cấp vĩ mô với tổng giá trị lên tới 29.000 tỷ đồng đã được Chính phủ phê duyệt. Các doanh nghiệp dân doanh đón nhận tin tức loại này trong một tâm thế không thật mặn mà bởi chắc chắn họ không thuộc nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi từ gói trợ giúp ấy.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay tồn tại đã là khó. Chi phí vốn, chi phí cơ hội, chi phí đầu vào đều tăng rất cao so với trước nên không mong gì có lãi cũng như phát triển sản xuất kinh doanh. Điều lo lắng của họ trong thời điểm này là sức mua của xã hội sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là lòng tin thị trường xuống mức thấp nhất từ trước tới nay.

Ngay hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao vừa kết thúc tuần qua ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy: doanh nghiệp tham gia với nhiều gian hàng, sản phẩm phong phú, đa dạng, doanh nghiệp nào cũng khuyến mãi lớn với hy vọng có thể bán được hàng. Khách tới tham quan đông (vì nghỉ lễ kéo dài) nhưng doanh số cũng chỉ bằng 70% năm trước.

Để đầu tư cho một gian hàng tại hội chợ, doanh nghiệp cũng đã lỗ. Một thông tin khác từ Grant Thornton International cho biết, chỉ số lạc quan của doanh nghiệp Việt Nam giảm từ 34% ở quý IV/2011 xuống còn 6% quý I/2012.

Tạo dựng một tinh thần lạc quan trong kinh doanh để có thể chủ động đầu tư, mở rộng sản xuất, lấy lại lòng tin cho người tiêu dùng, kích cầu trực tiếp để tăng sức mua, đặc biệt là tạo dựng môi trường kinh doanh ổn định đang là mong mỏi lớn của các nhà doanh nghiệp.

Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp vẫn gồng mình trả lãi và đau đầu đáo nợ

Ai cũng biết lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng thương mại bắt đầu giảm từ tháng 3/2012, nhưng đến nay lãi suất cho vay vẫn chưa giảm tương ứng. Chênh lệch lãi suất khá cao đó đưa đến lợi nhuận khủng của các ngân hàng (Vietinbank: 1.394 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 60,4% so với cùng kỳ năm trước; Ngân hàng Quân đội, 885 tỉ đồng; Ngân hàng ACB, 960 tỷ đồng, tăng 60 tỷ so với cùng kỳ năm trước; Sacombank: 1.000 tỷ đồng…).

Sự nghẽn mạch của dòng tiền, vòng quay của đồng vốn ngưng trệ, càng làm cho chi phí tài chính doanh nghiệp tăng lên quá cao. Nếu chỉ tính lãi suất 15% với dư nợ tín dụng trên toàn hệ thống ngân hàng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng (tương đương 120-125 tỷ USD) thì hằng tháng, nền kinh tế phải chi trả đến 30.000 tỷ đồng. So với GDP đạt khoảng 100 tỷ USD năm 2011, mới thấy lãi vay cao như thế nào (theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 3/5/2012).

Đó là chưa kể tình trạng bi thảm của doanh nghiệp trong tình thế phải đáo hạn nợ. Một doanh nghiệp (xin miễn nêu tên), cận đáo hạn vốn vay cho hoạt động kinh doanh, dù có tài sản thế chấp vẫn phải chịu một sức ép lãi suất trên 22,5% (lãi suất + chi phí đáo nợ từ 2-3%).

Lãi suất chưa thực sự giảm, gói giải cứu doanh nghiệp chưa đi vào thực tế, hàng tồn kho tăng cao, có loại như thép tồn đến 500.000 tấn, xi măng, chế biến thực phẩm… đều ngất ngưởng gần 100% trở lên đang là gánh nặng thực sự đối với doanh nghiệp.

Đó là chưa kể các ngành xuất khẩu của Việt Nam đều đã vượt ngưỡng tăng trưởng. Muốn mở rộng thị trường xuất khẩu không phải là chuyện đơn giản. Cần phải thoát ra tình trạng xuất thô nguyên liệu, hay gia công đơn thuần bằng giá gia công rẻ không còn là thế mạnh. Các đơn hàng xuất khẩu trong ngành dệt may, da giày, thủy hải sản đều giảm so với trước.

Các công ty may mặc uy tín tốt trên thị trường thế giới như May Sài Gòn 3, May Sài Gòn 2, Việt Tiến, Gia Định… đơn hàng được giữ nguyên như năm 2011 thì lợi nhuận cũng không đạt được như mong muốn vì giá cả đầu vào quá cao. Một số doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian để hoạch định sản xuất kinh doanh và đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2012 là bằng không.

Mọi chính sách đều có độ trễ khi thực hiện. Sự sàng lọc khắc nghiệt đối với doanh nghiệp trong lúc này chính là điều kiện để các nhà doanh nghiệp có một cái nhìn tổng thể, tự cấu trúc lại doanh nghiệp, củng cố tinh thần lạc quan trong kinh doanh chính là tự giải cứu một cách tốt nhất.

Ông Đỗ Duy Thái - Tổng giám đốc Công ty Thép Việt: Chính sách cần minh bạch

Gói giải cứu doanh nghiệp mà Chính phủ vừa phê duyệt là đúng, nhưng theo tôi, cần minh bạch và cụ thể để không doanh nghiệp nào có thể trục lợi từ chính sách. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ đang chết, sức mua đang giảm nghiêm trọng. Sống trong sự bất định của chính sách, lòng tin của người tiêu dùng đang giảm nặng. Giảm thuế VAT ngay với tỷ lệ cao nhất có thể, và thời gian không quá ngắn để kích hoạt thị trường là rất cần thiết. Cứu được doanh nghiệp nhỏ càng nhiều càng tăng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đài Loan đã giúp nền kinh tế này hóa rồng và vượt qua khủng hoảng tài chính 1997.

Mặt khác cần tránh tình trạng giới tài chính và đầu cơ thao túng chính sách vì lợi ích nhóm làm bất ổn kinh tế vĩ mô. Môi trường chính sách ổn định, nhất là các vấn đề tài chính, ngân hàng, là cơ hội tốt cho những nhà đầu tư chân chính.

Ông Nguyễn Ngọc Anh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại SMC: Cần một chính sách dài hạn xuyên suốt

Đầu năm 2011, trước tình thế khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, doanh nghiệp từng được giãn, giảm thuế, nhưng cuối năm đâu lại vào đấy. Gói giải cứu lần này chỉ mang tính chất hỗ trợ, không có nhiều ý nghĩa trong khi sự suy giảm đã quá sâu vào xương tủy của doanh nghiệp rồi. Hàng không bán được, nếu có bán được hàng thì cũng không thu hồi được nợ, lãi suất tín dụng tuy có giảm nhưng hầu như không doanh nghiệp nào tiếp cận nổi, nên phá sản là đương nhiên.

Thiết nghĩ cần một chiến lược dài hạn đồng bộ, giảm thuế VAT trong thời gian dài, có chính sách trợ giúp người nghèo hiệu quả. Đừng giải cứu như gói kích cầu năm 2009.

Ông Lý Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty Minh Long I: Cần nhất là doanh nghiệp vay được vốn lãi suất thấp

Với gói hỗ trợ 29.000 tỉ đồng, một con số quá nhỏ so với sức khỏe rất kém của cả nền kinh tế, đây chỉ là một giải pháp hỗ trợ tinh thần doanh nghiệp chứ không phải là khả thi trong thực tế. Cũng có thể nói gói hỗ trợ này chỉ nhắm vào những doanh nghiệp làm ăn có lãi. Còn tình hình doanh nghiệp năm nay bi kịch hơn năm 2009, hàng loạt nhà máy đóng cửa, thị trường thì ảm đạm, lối ra của doanh nghiệp mờ mịt. Năm 2009, gói hỗ trợ giúp một số doanh nghiệp vay được vốn với lãi suất chỉ có 4%, còn năm nay, với lãi suất 15% (mới chỉ là mong muốn bằng biện pháp hành chính, chưa chắc trong thực tế doanh nghiệp tiếp cận được vốn với lãi suất ấy), không doanh nghiệp nào dám vay vốn để làm ăn.

Vốn là vậy còn nhân lực thì cũng quá nhiều mâu thuẫn. Công nhân nghỉ việc được bảo hiểm thất nghiệp, nên họ cứ nghỉ để lãnh trợ cấp và mọi hậu quả thiếu thợ thì doanh nghiệp lãnh đủ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khó nhất là khôi phục lòng tin thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO