Kết nối để cạnh tranh: Bấy lâu vẫn chỉ... nói suông

HẢI VÂN thực hiện| 01/12/2016 03:20

Cái yếu của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là chưa làm trung gian kết nối được doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ”.

Kết nối để cạnh tranh: Bấy lâu vẫn chỉ... nói suông

Khẳng định kết nối để cạnh tranh là cần, nhưng GS. Nguyễn Mại cho rằng "Cái yếu của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là chưa làm trung gian kết nối được doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ”. 

Đọc E-paper

* Nhu cầu kết nối với các doanh nghiệp lớn của các doanh nghiệp nhỏ là có thật, nhưng doanh nghiệp lớn lại chỉ chơi với doanh nghiệp lớn, không muốn bắt tay doanh nghiệp nhỏ. Ông nhận định thế nào về điều này?

- Đấy là nhược điểm lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam. Tại một hội thảo của ngành dệt may, hầu hết giám đốc không tham gia, họ cho cấp dưới đi thay, nên không thể giải quyết được vấn đề của ngành. Lợi ích không phải do nhà nước ban phát. Nếu muốn được chia sẻ lợi ích, cộng đồng doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau.

Ví dụ, chuyện người Thái mua Big C, nếu bên không mua được cứ ngồi ca cẩm thì không giải quyết được vấn đề. Doanh nghiệp Việt cần phân tích tại sao Saigon Co.op - chủ sở hữu hệ thống siêu thị Co.opmart không mua được Big C, để rút kinh nghiệm cho những thương vụ khác.

Ở đây có 2 cách tiếp cận. Thứ nhất, khi có vấn đề, doanh nghiệp ngồi lại với nhau phân tích nguyên nhân và bàn cách khắc phục. Thứ hai, phát hiện ra vấn đề rồi để đấy, cách này là dở nhất.

Kết nối để cạnh tranh là rất cần, nhưng lâu nay vẫn chỉ nói suông.

* Theo ông, khắc phục cách "dở nhất" đó như thế nào?

- Tổ chức khắc phục cái dở đó hay nhất chính là các hiệp hội doanh nghiệp. Tôi sang Mexico, thấy vai trò của hiệp hội doanh nghiệp lớn lắm, khác hẳn ở nước ta. Hiệp hội Dệt may Mexico quyết định tương lai về ngành dệt may, thậm chí quyết định cả chuyện lúc nào nhà nước không cần thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành này. Nếu hiệp hội không đóng được vai trò như vậy thì nhà nước chịu thiệt, bởi thị trường là doanh nghiệp, mà doanh nghiệp kinh doanh bằng lợi ích riêng, còn lợi ích chung là của cả chuỗi thì phải hiệp hội.

Bây giờ nhiều người đề xuất là phải thành lập các khu công nghiệp chuyên biệt về dệt may, bao gồm đầu vào, dịch vụ, nhuộm, dệt, may rồi dịch vụ đầu ra. Khu công nghiệp này được chuyên môn hóa đến mức cao nhất, đầu tư hiện đại nhất cho từng khâu. Nhưng Hiệp hội Dệt may Việt Nam không đứng ra tổ chức, nếu đầu tư nước ngoài vào, nơi đó sẽ lại trở thành khu công nghiệp đầu tư nước ngoài.

* Tiếng nói của doanh nghiệp nhỏ trong các hiệp hội rất yếu, những vấn đề của ngành hầu hết được quyết định bởi các doanh nghiệp lớn khi đa phần giám đốc những doanh nghiệp lớn nắm vai trò lãnh đạo các hiệp hội. Ông nói gì về điều này?

- Cái quan trọng nhất chính là điều lệ, thực thi điều lệ của hiệp hội, tạo ra bình đẳng giữa các thành viên, minh bạch trong bầu cử ban chấp hành. Bất bình đẳng chỉ thay đổi được khi trong hiệp hội có đủ thành phần là đại diện doanh nghiệp lớn, đại diện doanh nghiệp nhỏ cùng đưa ra giải pháp cho những vấn đề ngắn hạn hay cùng thảo luận các vấn đề dài hạn.

Bây giờ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã làm được việc đó, tại sao các hiệp hội khác không làm được? Hồ tiêu của Việt Nam đứng đầu thế giới nhưng Hiệp hội quy định giá bán phải theo thị trường. Họ cũng phân bổ mức mua và bán cho các thành viên, ngoại trừ thời điểm hạn hán. Cạnh tranh nhưng các doanh nghiệp hồ tiêu luôn hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh là do sự điều tiết của Hiệp hội.

* Cách tiếp cận khác nhau nên đã tạo ra sự khác biệt?

- Đúng vậy. Có một sự khác biệt lớn về văn hóa DN giữa nước ta và doanh nghiệp nhiều nước trên thế giới.

Năm 1975, Bill Gates 19 tuổi, lập ra Microsoft bằng cách cùng một số người khác gom tiền thuê máy tính, nhưng vẫn quyết định gặp lãnh đạo của IBM vào năm 1976. Lúc đó, cả Bill Gates và các bạn đều rất lo lắng việc mặc comple thế nào, thắt caravat ra sao và đến đó sẽ nói gì. Nhưng khi Bill đến gặp IBM thì lãnh đạo IBM đón tiếp rất trọng thị, nhiệt tình hỗ trợ, tạo lòng tin cho Microsoft đi vào lĩnh vực công nghệ cao.

Tôi rất thích mô hình câu lạc bộ, ba, bốn chục hay hơn nữa doanh nhân ngồi với nhau, thảo luận ý tưởng và đưa ra sự hỗ trợ lẫn nhau. Tôi nghĩ một thế hệ doanh nhân mới đang hình thành, hi vọng điều này có thể thay đổi được văn hóa doanh nghiệp.

* Cám ơn ông!

>Doanh nghiệp Việt không thích "Buôn có bạn, bán có phường"?

>Thành công nhờ chính sách hợp tác

>Hiệp hội cùng doanh nghiệp gỡ khó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kết nối để cạnh tranh: Bấy lâu vẫn chỉ... nói suông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO