Huy động 400 tấn vàng có khả thi?

HỒNG NGA| 11/10/2012 05:12

Thông tin về việc huy động 400 tấn vàng, tương đương với lượng dự trữ ngoại hối 22 tỷ USD hiện có, tạo ra nhiều dư luận.

Huy động 400 tấn vàng có khả thi?

Thông tin về việc huy động 400 tấn vàng, tương đương với lượng dự trữ ngoại hối 22 tỷ USD hiện có, tạo ra nhiều dư luận. Làm sao để huy động số vàng khổng lồ này đang nằm im trong dân, cũng như sử dụng nó một cách hiệu quả lại còn quá nhiều rủi ro phải cân nhắc.

Đọc E-paper

Ước đoán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện lượng vàng dự trữ trong dân khoảng 300-500 tấn. Căn cứ vào số liệu thống kê của các ngân hàng Thụy Sỹ - nguồn cung vàng chủ yếu cho thị trường Việt Nam, TS. Nguyễn Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam, cũng cho rằng, hiện nay, lượng vàng trong dân còn khoảng 400 tấn.

Với lượng vàng dự đoán còn trong dân, theo ông Nguyễn Thế Hùng, nếu quy đổi ngang giá 1.700USD một ounce thì lượng vàng này tương đương 22 tỷ USD, bằng với nguồn dự trữ ngoại hối hiện có. Chỉ cần huy động được một nửa số vàng này thì ít nhất cũng có 10 tỷ USD đưa vào nền kinh tế. Và như vậy, NHNN sẽ có nguồn lực chủ động điều tiết thị trường khi xảy ra cơn sốt giá.

Trước tình hình giá vàng liên tục tăng trong những năm gần đây, các chuyên gia cho rằng, thay vì nhập vàng, có thể huy động vàng trong dân để chuyển đổi thành tiền đồng cung ứng cho nền kinh tế với lãi suất ổn định. Nhưng làm cách nào để có nguồn vàng này?

Trao đổi tại hội thảo “Làm thế nào để huy động vốn vàng trong dân?” do Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam tổ chức, ông Hùng cho rằng, NHNN nên phát hành chứng chỉ huy động vốn vàng của người dân, đồng thời ủy quyền cho các ngân hàng thực hiện vai trò đại lý phát hành chứng chỉ.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thêm giải pháp hoán đổi vàng lấy ngoại tệ thông qua các công cụ phái sinh hoặc thông qua ký gửi vàng vay ngoại tệ.

“Cấp chứng chỉ vàng có thể nói là phương pháp huy động vàng trong dân hữu hiệu nhất. Khi đó, Nhà nước sẽ giữ vàng hộ dân và người dân có quyền sử dụng chứng chỉ vàng để cầm cố, mua bán, trao đổi trên thị trường và khi cần có thể rút vàng bất cứ lúc nào”, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, cho biết.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, thành viên HĐQT Công ty PNJ, đề xuất phương án NHNN phát hành chứng chỉ vàng. Theo đó, người dân sẽ mang vàng vật chất đổi thành chứng chỉ vàng và khi có nhu cầu, người dân có thể rút hoặc bán.

Loại thứ hai là chứng chỉ mua bằng tiền và được giao dịch trên cơ sở giao dịch vàng. Như vậy sẽ đáp ứng nhu cầu của bộ phận nhà đầu tư, lại an toàn, không tốn chi phí, không sợ mua nhầm vàng nhái, thiếu tuổi.

Về vĩ mô, việc này sẽ góp phần tăng dự trữ quốc gia và tiết kiệm được USD vì không phải nhập hàng trăm tấn vàng vật chất mỗi năm. Cũng hưởng ứng phương án huy động vàng nhưng ông Hoàng Huy Hà, Ủy viên HĐQT Ngân hàng BIDV, lại cho rằng, Sàn giao dịch vàng Quốc gia là giải pháp phù hợp để tổ chức lại hoạt động thị trường vàng Việt Nam và huy động nguồn lực vàng trong dân.

Thực ra, việc huy động vàng trong dân đã được NHNN xây dựng đề án và đã được Chính phủ thông qua. Thế nhưng, thời hạn cuối cho phép các ngân hàng huy động vàng đang đến gần (25/11) nhưng phương án huy động vàng trong dân vẫn chưa được NHNN công bố.

Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của việc Nhà nước đứng ra huy động vàng của dân. Bởi vì, sau khi đã huy động được vàng thì Nhà nước sẽ kinh doanh số vàng này như thế nào cho hiệu quả.

Kinh tế vĩ mô không phải là yêu cầu dân đem vàng gửi vào để Nhà nước kinh doanh, bởi chưa chắc Nhà nước kinh doanh giỏi hơn dân. Cùng lập luận, TS. Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lo lắng cho việc sử dụng nguồn vàng huy động.

Nếu tiền lại chảy vào các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả như Vinashin, Vinalines, EVN hay vào chứng khoán, bất động sản thì việc thu hồi lại tiền có dễ? Đó là chưa kể khi giá vàng tăng cao đột biến, người dân kéo đến rút vàng, liệu NHNN có đủ tiền mua lại vàng để trả lại cho dân?

Trên quan điểm này, TS. Phạm Đỗ Chí cho rằng, với vàng, nên tránh can thiệp cũng như huy động. Nếu cần thiết phải hạn chế về mặt thanh toán để nâng cao sự ổn định và vị thế cho đồng tiền Việt Nam thì chỉ nên ra các quy định hạn chế dùng vàng làm phương tiện thanh toán, như điều mà NHNN đã làm rất tốt với việc ổn định ngoại tệ, chống đô la hóa trên thị trường thời gian qua.

“Nhà nước nên xem xét đưa vàng vào dự trữ ngoại hối quốc gia theo một tỷ lệ nhất định thay vì chỉ dự trữ ngoại tệ như hiện nay nhằm đảm bảo tài sản của quốc gia và tránh những rủi ro”, ông Chí phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Huy động 400 tấn vàng có khả thi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO