Hướng dẫn viên du lịch: Kém cả chất lẫn lượng

TRẦN ĐẠI LỘC/DNSGCT| 18/07/2016 06:30

Ngành du lịch Việt Nam còn thiếu hướng dẫn viên du lịch biết tiếng Hoa nên các đoàn khách đã tự tìm những người Hoa không qua đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, không có giấy phép hành nghề.

Hướng dẫn viên du lịch: Kém cả chất lẫn lượng

Những sự kiện gần đây liên quan đến tình hình du khách Trung Quốc tại các thành phố biển như Nha Trang, Đà Nẵng với những hành vi thiếu văn hóa, gây mất trật tự an ninh công cộng đã trở thành nỗi bức xúc trong xã hội. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là do chúng ta thiếu hướng dẫn viên du lịch biết tiếng Hoa, nên các đoàn khách đã tự tìm những người Hoa không qua đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, không có giấy phép hành nghề.

Đọc E-paper

Đây là khiếm khuyết lớn của ngành du lịch đã không dự báo xu thế khách hàng để có kế hoạch lâu dài đào tạo hướng dẫn viên. Và hậu quả như chúng ta đã biết: lịch sử Việt Nam bị hướng dẫn viên người Hoa xuyên tạc, văn hóa bị giải thích sai lạc, du khách đốt tiền Việt và yêu cầu được thanh toán bằng tiền Trung Quốc – tức vi phạm chủ quyền tiền tệ, hoặc những đòi hỏi quá đáng vượt khỏi trách nhiệm của một hướng dẫn viên du lịch.

Tất nhiên Tổng cục Du lịch và chính quyền địa phương đã đưa ra các biện pháp xử lý, nhưng giải pháp căn cơ không chỉ là thắt chặt quản lý mà còn phải nhanh chóng tổ chức đội ngũ hướng dẫn viên có đủ phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ để đáp ứng tình hình du khách nước ngoài ngày càng tăng, không chỉ du khách người Hoa mà cả nhiều quốc tịch khác.

Có thể nói, nghề hướng dẫn viên du lịch là một công việc vô cùng vất vả. Khi tiếp nhận sự ủy thác của công ty du lịch, hướng dẫn viên phải luôn làm việc một mình, độc lập trong thuyết minh, tự chấp hành chính sách nhà nước, căn cứ vào kế hoạch để triển khai công tác, từ khâu đầu tiên là tiếp đón sau đó là quá trình phục vụ dẫn đoàn khách đi tham quan theo đúng kế hoạch. Đặc biệt là khi có vấn đề phát sinh, hướng dẫn viên du lịch cần tư duy nhanh nhạy, linh hoạt giải quyết vấn đề với tư thế độc lập.

Như vậy mới thấy hướng dẫn viên không chỉ đơn giản là người đi theo để giúp đỡ du khách mà trong chừng mực còn đại diện cho một đất nước, cho hãng du lịch đón tiếp khách đến thăm xứ sở của mình. Họ là cầu nối góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Không những thế, hướng dẫn viên còn là người hóa giải những hoài nghi, những đánh giá chưa thấu đáo, giúp du khách hiểu đúng, hiểu rõ đất nước và con người ở vùng đất mà họ đến thăm, bởi bản chất của du lịch là sự khám phá. Nói không quá đáng, hướng dẫn viên du lịch là những nhà ngoại giao thông qua nghề nghiệp của mình.

>>"Bật mí" bí mật nghề nghiệp của tiếp viên hàng không

Liệu đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của chúng ta có đáp ứng được yêu cầu của du khách và tình hình du lịch đang phát triển hiện nay chưa?

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, cả nước hiện có hơn 7.400 hướng dẫn viên du lịch phục vụ khách nội địa, trên 9.900 hướng dẫn viên phục vụ khách quốc tế. Số lượng này chỉ đáp ứng được lần lượt 15% và 40% nhu cầu thực tế của hoạt động du lịch đang ngày càng phát triển.

Mỗi năm cả nước có khoảng 50.000 sinh viên du lịch ra trường trong đó 60% là hệ đại học, số còn lại thuộc hệ trung cấp, cao đẳng; nhưng chỉ 5% của hệ đại học, 30% hệ cao đẳng, trung cấp ra trường đáp ứng nhu cầu công việc và gắn với ngành học.

Phần lớn sinh viên tốt nghiệp vào làm cho các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn đều phải đào tạo lại từ 6 tháng đến một năm. Và đó không phải là kỳ vọng của doanh nghiệp muốn tuyển nhân sự vào làm việc được ngay.

Tiến sĩ Phạm Hồng Long, thuộc khoa Du lịch học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng có một thực tế mà ngành du lịch Việt Nam phải thừa nhận là số lượng nhân lực làm việc trong lĩnh vực du lịch nói chung và hướng dẫn viên du lịch nói riêng tuy đông đảo nhưng chất lượng còn kém, đặc biệt về trình độ ngoại ngữ. Đây là một bài toán khó đối với du lịch nước ta trong thời hội nhập.

Theo ông, một phần trách nhiệm thuộc về công tác đào tạo lẫn các tiêu chuẩn cấp thẻ hành nghề nới rộng, tạo cơ hội cho những lao động không qua đào tạo chính quy về ngành du lịch làm việc. Tình hình này rất phổ biến ở các thành phố du lịch hiện nay. Chỉ cần trải qua một khóa đào tạo ngắn hạn theo đúng những quy định hiện hành là đều có thể được cấp bằng hướng dẫn viên du lịch.

Đây là lý do dẫn đến số lượng hướng dẫn viên du lịch tăng liên tục qua các năm, thậm chí hiện nay đang có xu hướng đại trà về số lượng, nhưng thiếu và yếu về chất lượng. Hậu quả là đã có không ít những lời than vãn từ du khách về nghiệp vụ yếu kém của hướng dẫn viên. Có lắm trường hợp hướng dẫn viên du lịch nhại tiếng địa phương để pha trò cho mọi người, hay nói năng thô tục để giúp vui dù trong đoàn có khá nhiều em nhỏ.

Vào mùa cao điểm ngành du lịch còn đối diện với tình trạng nhiều hướng dẫn viên “chui”. Chẳng qua là trước áp lực tổ chức tour vượt quá khả năng, nhiều công ty du lịch chỉ tìm cho đủ số lượng hướng dẫn viên chứ không quan tâm đúng mức về chất lượng và khả năng của họ.

Đã xảy ra nhiều trường hợp hướng dẫn viên hướng dẫn đoàn đến điểm tham quan mà vẫn còn ngơ ngác không kém gì du khách. Khi gặp các tình huống trắc trở thì du khách lại phải tự tìm cách giải quyết thay cho hướng dẫn viên.

>>Bị động trước làn sóng du khách Trung Quốc

Việc du khách Trung Quốc gây ra những bất bình trong dư luận xã hội xuất phát từ hoạt động bất hợp pháp của một số không nhỏ các hướng dẫn viên du lịch người Hoa, trước tiên chúng ta cần nhìn lại những khoảng trống trong việc quản lý.

Đã có nhiều lời báo động từ nhiều năm qua về hiện tượng hướng dẫn viên du lịch người nước ngoài đang hoạt động chui một cách công khai, không chỉ hướng dẫn viên người Trung Quốc mà cả người Đài Loan, người Hàn Quốc. Thế nhưng chỉ gần đây thôi, khi một video clip được tung lên mạng xã hội cho thấy hướng dẫn viên Trung Quốc giới thiệu sai lạc đầy ác ý về lịch sử và văn hóa Việt Nam, các cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Điều này cho thấy thiếu sự phối hợp giữa các ban ngành và địa phương trong hoạt động du lịch rất nhạy cảm hiện nay. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp cho nên việc quản lý hướng dẫn viên chỉ một mình Tổng cục Du lịch đảm trách là không thể làm nổi, bởi còn liên quan đến xuất nhập cảnh, lao động nước ngoài lợi dụng sự thông thoáng trong việc cấp visa du lịch.

Khoảng trống thứ hai là ngành du lịch thiếu hướng dẫn viên tiếng Hoa trầm trọng, trong khi nhiều năm nay du khách từ Trung Quốc đến Việt Nam ngày càng nhiều, mà hầu hết đều không nói được tiếng Anh.

Theo ông Nguyễn Văn Thành - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa, với số du khách Trung Quốc hiện nay, mới chỉ có 10 hướng dẫn viên tiếng Hoa được cấp phép hướng dẫn viên quốc tế trong khi nhu cầu cần đáp ứng là 500 hướng dẫn viên.

Tình trạng này xuất phát từ một quy định của Luật Du lịch ban hành năm 2005, trong đó quy định hướng dẫn viên quốc tế phải có bằng đại học. Quy định này không quá khắc nghiệt vì yêu cầu chất lượng hướng dẫn viên nhưng trước mắt đối với hướng dẫn viên tiếng Hoa vẫn nan giải.

Cũng có đề nghị hạ thấp yêu cầu văn bằng cho đối tượng này một thời gian và trong khi chờ đợi thì Sở Du lịch địa phương có thể tổ chức những lớp đào tạo kỹ năng giúp họ có điều kiện hoạt động ngắn hạn tạm thời chỉ trong địa phương mình quản lý.

Tất nhiên đây chỉ là biện pháp chữa cháy trong tình hình hiện nay, về lâu dài hướng dẫn viên du lịch với vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp không khói dứt khoát phải được đào tạo bài bản theo chuẩn mực quốc tế của thời hội nhập.

>>Nhẫn nhịn chiều du khách Trung Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hướng dẫn viên du lịch: Kém cả chất lẫn lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO