Học gì từ Singapore?

TS. VÕ TRÍ THÀNH, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (HẢI VÂN ghi)| 12/04/2017 06:37

Quá trình cải cách của Việt Nam những năm gần đây và cách thức hội nhập có phần tương tự Singapore.

Học gì từ Singapore?

Khát vọng làm giàu là yếu tố không thể thiếu giúp Singapore từ một thành bang nghèo nàn, tham nhũng trở thành quốc gia hiện đại - nơi người dân có thu nhập cao hơn phần lớn người dân Mỹ. Khát vọng ấy đã chuyển hóa thành tư duy phát triển, chuyển hóa thành bộ máy nhà nước chuẩn. Vì thế mà Singapore đủ sự hấp dẫn tất cả những tập đoàn lớn trên thế giới.  

Đọc E-paper

Singapore là nước nhỏ nhưng có vị thế vô cùng quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Mà muốn có vị thế ấy thì phải kết nối được lợi ích với các nước. Temasek - một tập đoàn đầu tư của nhà nước Singapore đầu tư vào các tập đoàn lớn trên thế giới để gắn lợi ích của nhiều quốc gia và đấy chính là lợi ích của Singapore.

Tầm nhìn của Singapore là phải 50 năm. Quan điểm của ông Lý Quang Diệu là "đừng có đi theo mà phải vượt lên". Singapore thoát nghèo là nhờ "phát triển xuất sắc". Với đất nước này, không có số hai, chỉ làm những thứ số một, như logistics, sân bay, du lịch.

Theo tính toán của nhiều chuyên gia Singapore, nếu là đường sắt chạy từ Trung Quốc sang Anh mất 8 - 12 ngày. Nếu là đường biển, vận tải qua eo biển Malacca đến Thượng Hải mất 28 ngày. Nếu mở đường qua Bắc Băng Dương thì từ Hàn Quốc và phía Bắc Trung Quốc sang châu Âu là 18 - 21 ngày. Với tầm nhìn như vậy, Singapore đã chuẩn bị để cạnh tranh về logistics. Nhưng quốc gia này cũng có những vấn đề.

Singapore là đối tác kinh tế lớn thứ sáu của Việt Nam và thứ hai trong khối ASEAN. Đồng thời Singapore là nhà đầu tư lớn thứ ba ở Việt Nam, sau Nhật Bản và Hàn Quốc với tống giá trị đầu tư 40 tỷ USD.

Dưới thời ông Lý Quang Diệu, Singapore từng thu hút nhân tài chỉ từ 3 triệu dân trong nước. Bây giờ người tài khắp nơi trên thế giới đổ về nhưng với một thể chế cực kỳ tôn trọng pháp luật, đôi khi Singapore làm giảm tính hấp dẫn đối với họ. Nghiêm nhưng phải thoải mái là nhu cầu của trí thức trẻ.

Khi Singapore còn là nước đang phát triển đã đặt ra điều kiện sống phải như là nước phát triển, tức phải là nơi đáng sống và chỉ như vậy mới đủ sức thu hút các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đến làm ăn, theo quan điểm của ông Lý Quang Diệu. Nhưng tình thế đang thay đổi, Manila, Đà Nẵng cũng là nơi đáng sống nhất. Tính vượt trội của Singapore đang mất dần bởi các nước trong khu vực đều tìm cách thu hút nhân tài, đều mở rộng cửa hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Singapore chưa phải quốc gia vượt trội về công nghệ, về sinh học hay nano trong ASEAN. Singapore đang cố gắng dẫn đầu những lĩnh vực này nhưng không phải dễ.

Singapore chưa phải trung tâm tài chính số một, trong khi còn có Hong Kong, London, trong khi Thượng Hải cũng muốn vươn lên dẫn đầu. Như vậy, đổi mới và sáng tạo thế nào để dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực cũng là một thách thức đối với Singapore.

Quá trình cải cách của Việt Nam những năm gần đây và cách thức hội nhập có phần tương tự Singapore. Hội tụ và kết nối trở thành chiến lược hội nhập của Việt Nam. Việt Nam cũng có chiến lược kết nối với Singapore, trong đó giáo dục là lĩnh vực then chốt. 2 bên đã làm được nhiều việc nhưng chưa đủ.

Ông Lý Quang Diệu từng không đồng tình về sự cải cách giáo dục của Việt Nam, cho rằng chưa quyết liệt, chưa đến nơi đến chốn. Nhưng nền giáo dục của Singapore chưa phải là xuất sắc nhất trên tất cả các khía cạnh. Các trường đại học lớn nhất của Singapore cũng không nằm trong 100 trường đại học danh giá nhất của thế giới.

Việt Nam có thể học từ Singapore nhiều điều về hội nhập, tổ chức bộ máy nhà nước và cách thức lãnh đạo. Singapore có một bộ máy nhà nước thuộc top tốt nhất thế giới với nhiều người tài, hầu như không có tham nhũng. Ông Lý Quang Diệu từng nói, cái dở nhất là chọn lãnh đạo sai, mà lãnh đạo sai thì thường chọn người tồi.

>1 người Singapore làm việc bằng 15 người Việt Nam?

>Singapore "mắc cạn" với casino

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Học gì từ Singapore?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO