HD-981, “phép thử” của Trung Quốc

09/05/2014 04:42

Vụ HD-981 “nhấn mạnh quyết tâm của Bắc Kinh nhằm kiểm tra ý chí của Việt Nam, khối ASEAN, và Washington”...

HD-981, “phép thử” của Trung Quốc

Khi hạ đặt giàn khoan dầu nước sâu HD-981 trên vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc đã khẳng định điều mà Washington và các chính phủ trong khu vực bấy lâu nay lo ngại: Bắc Kinh đang thực hiện một cú nhảy lớn về tuyên bố chủ quyền, đồng thời mang tới một “bài kiểm tra” đối với quyết tâm của các quốc gia láng giềng có tranh chấp cũng như của Mỹ.

Tình hình tại khu vực mà HD-981 được hạ đặt vẫn rất căng thẳng và nhiều tàu thuyền của Trung Quốc vẫn đang có mặt ở đó.

Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho hay, đến ngày 8/5, tình hình tại khu vực mà HD-981 được hạ đặt vẫn rất căng thẳng và nhiều tàu thuyền của Trung Quốc vẫn đang có mặt ở đó.

Phía Trung Quốc đưa ra những tuyên bố “bất nhất” về vấn đề này. Ông Yi Xianliang, Phó tổng vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc đổ lỗi cho phía Việt Nam về các cuộc đụng độ tại khu vực đặt giàn khoan HD-981, và nói phía Trung Quốc đã “kiềm chế tối đa” trong việc sử dụng vòi rồng.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước này Trình Quốc Bình phủ nhận đã có đụng độ trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, tuy nhiên ông này cũng nói hai nước Việt - Trung có thể giải quyết tranh chấp thông qua “đàm phán hòa bình”.

HD-981 là một giàn khoan khổng lồ, cao hơn 100 m, có khả năng hoạt động dưới độ sâu 3 km, và đã được tung hô mạnh mẽ khi đi vào hoạt động cách đây 2 năm. Giàn khoan này được “quảng bá” giữ vai trò “vũ khí chiến lược” cho ngành dầu lửa của Trung Quốc.

Theo đánh giá của tờ Wall Street Journal, giàn khoan HD-981 có khả năng sẽ là một “nhân tố làm thay đổi cuộc chơi” bởi nó trợ giúp đắc lực cho mục tiêu dài hạn của Trung Quốc: theo đuổi mạnh mẽ hơn việc khai thác các mỏ dầu ở gần “sân nhà”. “Trung Quốc luôn có ý định này. Giờ thì họ có khả năng để làm điều đó”, chuyên gia Christopher Len thuộc Đại học Quốc gia Singapore đánh giá.

Giới phân tích cho rằng, tình hình căng thẳng hiện nay xoay chủ yếu quanh HD-981, nhưng trung tâm của vấn đề lại nằm ở tiền lệ mà cuộc đối đầu này có thể tạo ra, cũng như việc liệu các quốc gia láng giềng của Trung Quốc và Mỹ có cho phép Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát đối với các nguồn tài nguyên chiến lược trong khu vực bị tranh chấp.

Các chuyên gia về an ninh đánh giá, với động thái trên Biển Đông, Trung Quốc đang “thử” mức độ cam kết của Washington đối với việc hỗ trợ các đối tác trong khu vực. “Phép thử” này diễn ra vào thời điểm mà một số nước trong khu vực lo ngại sự tập trung của chính quyền Barack Obama vào châu Á đang có chiều hướng suy giảm.

Trong chuyến thăm châu Á vào tháng trước, Tổng thống Obama đã trấn an mạnh mẽ các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Người đứng đầu Nhà Trắng nói với Nhật Bản rằng, sự đảm bảo an ninh của Mỹ là tuyệt đối và bao hàm các hòn đảo trên biển Hoa Đông mà Nhật Bản đang kiểm soát nhưng Trung Quốc đứng ra tranh chấp.

Ở Manila, ông Obama gọi sự hỗ trợ quân sự của Mỹ đối với nước này là “được bọc sắt”, nhưng không nói liệu sự hỗ trợ đó có bao gồm hỗ trợ cho Philippines trong tranh chấp biển đảo hay không.

Việc Trung Quộc hạ đặt giàn khoan trên biển của Việt Nam diễn ra không lâu sau khi ông Obama kết thúc chuyến thăm châu Á “nhấn mạnh quyết tâm của Bắc Kinh nhằm kiểm tra ý chí của việt Nam, khối ASEAN, và Washington” - hai học giả về an ninh Ernest Bower và Gregory Poling thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ nhận định.

Ông Len, chuyên gia Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, động thái của Trung Quốc là bằng chứng về việc nước này sẵn sàng dùng hành động để thực thi các tuyên bố chủ quyền.

Phát biểu trên kênh VOA tiếng Việt, ông Dương Danh Dy, một nhà ngoại giao đã về hưu của Việt Nam từng có thời gian làm việc ở Trung Quốc, đồng thời là một chuyên gia về quan hệ Việt-Trung, nói rằng, tình hình hiện nay là rất nguy hiểm, và Việt Nam không thể thỏa hiệp thêm được nữa.

“Tôi cho rằng, Việt Nam có đủ khả năng đương đầu với Trung Quốc. Việt Nam đã cập nhật thiết bị quân sự của mình trong những năm gần đây”, ông Dy nói. “Việt Nam có cách riêng của mình để xử lý vấn đề. Chúng tôi đã đánh bại quân xâm lược các đời Nguyên, Minh, và Thanh của Trung Quốc. Trung Quốc ngày nay không chỉ vi phạm chủ quyền của chúng tôi mà còn tìm kiếm nguồn tài nguyên dầu lửa của chúng tôi. Nếu chúng tôi lùi bước lần này, họ sẽ lấn tới trong lần khác nữa. Chúng tôi hiểu Trung Quốc rất rõ”.

Nhận định trên tờ New York Times, ông Orville Schell, một học giả về Trung Quốc thuộc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung ở New York, đánh giá: “Tình huống hiện nay đáng báo động, vì không nhiều năm trước, quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng còn khá yên bình. Giờ thì bức tranh đang trở nên căng thẳng hơn. Đây không phải là sự nổi lên hòa bình của Trung Quốc như nước này đã ‘quảng cáo’”.

>Trung Quốc nói gì tại cuộc họp báo vụ HD-981?
>Nhật yêu cầu Trung Quốc giải thích hành vi ở biển Đông
>
Thứ trưởng Trung Quốc phủ nhận “đụng độ” với Việt Nam
>Mỹ lên án Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông
>
Nghị sỹ Mỹ lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam
>Học giả Mỹ: Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam
>
Việt Nam kiên quyết chống hành động xâm phạm chủ quyền

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
HD-981, “phép thử” của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO