Hai mặt của đồng tiền ngân sách

HẢI VÂN thực hiện| 30/10/2013 09:56

Chính phủ buộc phải nâng bội chi ngân sách để cân đối chi phí công, nhưng quan trọng hơn, Quốc hội phải khống chế được mức nợ công trong tương lai gần", chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu bình luận.

Hai mặt của đồng tiền ngân sách

"Chính phủ buộc phải nâng bội chi ngân sách để cân đối chi phí công, nhưng quan trọng hơn, Quốc hội phải khống chế được mức nợ công trong tương lai gần", chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu bình luận.

Đọc E-paper

* Chính phủ vừa đề nghị Quốc hội nâng trần bội chi từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

- Nâng bội chi lúc này là cần thiết, bởi kinh tế khó khăn, kết quả thu thuế của Chính phủ không như kế hoạch, trong khi chi phí công ngày càng tăng, những chi phí về an sinh xã hội, giao thông, y tế, giáo dục, quốc phòng... cũng không thể cắt giảm lúc này.

Tuy nhiên, bội chi chỉ là một mặt của đồng tiền, còn mặt kia là nợ công, hai cái đó cùng đồng tiền ngân sách. Theo dự toán của Chính phủ, cuối năm nay, nợ công của Việt Nam tăng lên khoảng 54% GDP, vẫn trong giới hạn cho phép là 65% GDP đến năm 2020.

Việc Chính phủ "chi viện" cho bội chi bằng cách phát hành trái phiếu sẽ làm nợ công tăng lên do GDP phình ra. Các đại biểu Quốc hội lo lắng về vấn đề bội chi nhưng lại không đưa được kế hoạch khống chế nợ công trong tương lai gần.

* Theo ông thì việc tăng bội chi lên 5% tác động như thế nào đến nền kinh tế?

- Nó có những tác động tích cực và tiêu cực. Việc tăng bội chi có thể ảnh hưởng đến lạm phát, do cung tiền tăng lên. Mặt khác, tăng bội chi cũng gắn với rủi ro, lãng phí đầu tư công, nhất là những đầu tư quan trọng cho nền kinh tế.

Một cái nữa cũng làm tiêu hao tài sản quốc gia là tham nhũng. Nhiều năm, chúng ta muốn tận diệt tham nhũng nhưng đến nay nó vẫn là "con bệnh" ám ảnh.

Về mặt tích cực, tăng bội chi giúp Chính phủ cân đối được chi tiêu cho các lĩnh vực quốc phòng an ninh y tế, đặc biệt là giáo dục. Nếu Quốc hội đồng ý tăng bội chi, Chính phủ cần lập tức siết chặt chi tiêu công, nhằm giảm tối đa áp lực lên lạm phát. Mặt khác, có các biện pháp mạnh kiểm soát chặt đầu tư công.

* Kiểm soát bội chi, nợ công, theo ông, bằng cách nào?

- Không thể dễ dãi mãi vấn đề chi, thu từ ngân sách. Nếu Quốc hội đồng ý tăng bội chi cũng phải có các điều kiện với Chính phủ. Nếu năm sau Chính phủ không tuân thủ, Quốc hội sẽ siết chặt lại.

Bội chi có thể là vấn đề của năm nay, còn vấn đề lớn là nợ công. Việt Nam có thể vỡ nợ nếu để nợ công lên đến mức 60 -70% GDP, bởi 70% nợ là bằng ngoại tệ. Nếu tiếp tục tăng nợ công mà không có lộ trình để giảm, đất nước sẽ rơi vào khủng hoảng nợ công.

Tôi cho rằng, Việt Nam phải kiểm soát rủi ro đó bằng hai hạn mức trần nợ công và đưa ra được một con số tuyệt đối. Bất cứ lúc nào, gần chạm tới một trong hai hạn mức đó, Quốc hội phải đưa ra được kế hoạch, lộ trình giảm nợ công.

Việt Nam cần có những định nghĩa, chỉ tiêu xác đáng về chi phí công của Chính phủ theo đúng thông lệ quốc tế. Có những chi phí trước kia để ở ngoại bảng, bây giờ phải đưa vào nội bảng, và ngược lại, có những chi phí đang trong nội bảng, nên đưa ra ngoại bảng.

Việt Nam phải có hạn mức cho tất cả các chi phí công, từ trung ương cho đến địa phương, để từ những hạn mức, tiêu chí đó kiểm soát nợ công, bội chi.

Một vấn đề nữa không kém phần quan trọng, Việt Nam cần có một cơ quan kiểm soát độc lập với Chính phủ, thay cho cơ chế kiểm soát "vừa đá bóng, vừa thổi còi" của Bộ Tài chính hiện nay. Cơ quan đó sẽ báo cáo trực tiếp Quốc hội, không thông qua Chính phủ, không lệ thuộc Chính phủ cả về cơ chế và nhân sự.

*Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hai mặt của đồng tiền ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO