Hạ lãi suất USD: Những góc nhìn khác

TS. PHAN MINH NGỌC| 02/10/2015 03:56

Xoay quanh quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD từ 0,25% về 0%/năm với tổ chức và từ 0,75% về 0,25%/năm với cá nhân của NHNN, TS. Phan Minh Ngọc cho biết...

Hạ lãi suất USD: Những góc nhìn khác

Xoay quanh quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD từ 0,25% về 0%/năm với tổ chức và từ 0,75% về 0,25%/năm với cá nhân của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng từ 28/9/2015 đã có nhiều ý kiến và nhận định của các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng.

Nhiều người đã phân tích được các tác động tích cực của chính sách này, bên cạnh đó cũng còn những lo lắng về tác động rộng và sâu của nó.

Với thu hút đầu tư nước ngoài

Trước tiên, không thể phủ nhận rằng việc kiểm soát lưu chuyển vốn sẽ loại trừ tình trạng chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài.

Nói cách khác, nhờ kiểm soát lưu chuyển vốn, tổng cung đồng USD từ cá nhân và tổ chức kinh tế trong nước sẽ luôn ở lại trong nước bất chấp lãi suất huy động USD là bao nhiêu.

Tuy nhiên, đây cũng có thể là một sự “trói chân” nguồn vốn USD đang có ở thị trường Việt Nam. Với biện pháp này, nhà đầu tư nước ngoài không dễ chuyển USD ra khỏi Việt Nam.

Các biện pháp kiểm soát lưu chuyển vốn theo hướng “vào thì dễ, ra thì khó” có thể làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng vào thị trường Việt Nam trong tương lai.

Vì sẽ không một nhà đầu tư nào muốn đầu tư khi đã biết rõ vốn của mình sẽ rất khó hoặc không bao giờ được rút ra trong mọi hoàn cảnh.

Ngoài ra, lãi suất thấp cũng sẽ làm giảm đáng kể nguồn vốn tín dụng USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Và điều này có thể làm gia tăng sự căng thẳng về nguồn cung USD ở Việt Nam.

Với người gửi tiết kiệm

Kỳ vọng rằng hạ thấp lãi suất tiền gửi USD sẽ thúc đẩy cá nhân và các tổ chức kinh tế bán USD và gửi tiền VND vào hệ thống ngân hàng để hưởng lãi suất cao hơn không phải không có lý.

Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng một phần, với những cá nhân và tổ chức không kỳ vọng VND bị phá giá hơn nữa. Theo người viết, lý do chính làm cho cá nhân và tổ chức găm giữ USD là kỳ vọng phá giá VND.

Với những ai tin tưởng rằng tỷ giá sẽ phải được điều chỉnh hơn nữa (theo hướng VND yếu đi so với USD), thì tùy vào mức độ kỳ vọng phá giá VND lớn đến đâu mà họ sẽ găm giữ USD ở mức phù hợp với kỳ vọng đó.

Do vậy, chừng nào VND còn bị kỳ vọng tiếp tục mất giá (mạnh) hơn nữa thì chừng đó sẽ vẫn có nhiều người và tổ chức găm giữ USD, bất chấp lãi suất tiền gửi USD ở mức nào.

Với tỷ giá

Với việc hạ lãi suất tiền gửi USD, NHNN có cơ hội để mua thêm được USD, song song đó là tăng lượng VND đưa ra thị trường (do mua USD), từ đó giúp cho lãi suất VND có cơ hội giảm xuống

Tuy nhiên, việc NHNN mua USD về và tung VND ra có thể làm khan hiếm hơn nguồn cung USD trên thị trường, khiến tỷ giá có xu hướng tăng lên (VND yếu đi) vì trên thị trường có ít USD hơn nhưng lại có nhiều VND hơn.

Nói cách khác, cho dù hành động hạ lãi suất tiền gửi USD của NHNN có làm cho nhiều cá nhân và tổ chức bán USD cho hệ thống ngân hàng chỉ có tác dụng làm giảm lãi suất VND chứ không có tác dụng hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá, thậm chí có thể còn làm tăng áp lực phá giá hơn nữa.

>FED không tăng lãi suất, NĐT Việt có nên trữ đồng USD?

>Việt Nam cần "tăng trưởng xanh" để thu hút đầu tư nước ngoài

>Thu hút đầu tư nước ngoài: Nhìn từ chỉ số PCI

>Lãi suất tiền gửi tiết kiệm: Rối rắm vẫn chạy theo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hạ lãi suất USD: Những góc nhìn khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO