Hạ lãi suất: Muốn, nhưng không dễ

NGUYỄN LÊ ĐÌNH QUÝ*| 31/01/2018 03:10

Nhu cầu tín dụng cao, trong khi cung tiền và tăng trưởng tín dụng được kiểm soát khi cán cân thị trường tín dụng luôn nghiêng về phía người cho vay, do đó, lãi suất thực tế khó giảm.

Hạ lãi suất: Muốn, nhưng không dễ

Đánh giá về lãi suất năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, từ ngày 10/7/2017, khi NHNN giảm 0,25%/năm mức lãi suất điều hành, giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, các tổ chức tín dụng đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Nhìn lại năm 2017 sẽ thấy đến hết ngày 31/12/2017, tín dụng đã tăng 18,17%, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (chiếm 80% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ diễn biến tích cực. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán được kiểm soát đã tăng với tốc độ chậm lại.

Sau khi có Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 sau đó là chỉ đạo của Thống đốc NHNN, hàng loạt ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay. Tính đến giữa tháng 1/2018, nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay dành cho nhóm đối tượng ưu tiên. Chẳng hạn Vietcombank, BIDV, VPBank, Agribank và VietinBank đã giảm từ 0,5-1% xuống còn 6%/năm, áp dụng cho những khoản giải ngân mới đến hết 2018.

Với quyết định giảm lãi suất lần này, các ngân hàng - mà trực tiếp là các ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục hỗ trợ tích cực đối với nhóm khách hàng ưu tiên và nhòn khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Những năm gần đây, SMEs là một trong những phân khúc chiến lược được nhiều ngân hàng hướng tới. Ngoài những sản phẩm cho vay có tài sản bảo đảm thông thường, một số ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay tín chấp, tạo điều kiện tốt hơn cho các SMEs tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khi không có tài sản bảo đảm.

Trong môi trường cạnh tranh, lãi suất thấp giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào. Với mức lãi suất thấp, ngân hàng cũng dễ triển khai đa dạng các gói tín dụng ngắn và trung dài hạn với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội; áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức thấp đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao.

Mặc dù mong muốn tích cực là như vậy, nhưng việc giảm lãi suất vẫn còn nhiều vấn đề. Thứ nhất, đối tượng tiếp cận lãi suất thấp vẫn đang là rào cản bởi việc hạ lãi suất cho vay của ngân hàng thường chỉ dành cho những đối tượng ưu tiên, vốn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng, chứ không phải cho tất cả khách hàng. Đặc biệt, dù nhóm đối tượng này có được mở rộng thì mức tín nhiệm tài chính hay thủ tục để được xét duyệt nhận lãi suất ưu đãi vẫn không dễ.

Điều này nếu xét trên góc độ ngân hàng thì hoàn toàn hợp lý, vì khi cho vay, ngân hàng vẫn phải sử dụng nguồn vốn huy động chung, chứ không thể dành thêm một nguồn vốn nhất định cho vay các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất thấp, như vậy sẽ làm giảm nguồn vốn cho vay dành cho các lĩnh vực và đối tượng còn lại, vốn có lãi suất cho vay và lợi nhuận cao hơn.

Nhìn rộng hơn, điều kiện để hạ lãi suất cho vay trên diện rộng phải là sự kết hợp nới lỏng cung tiền của NHNN và nhu cầu tín dụng yếu. Điều này khó khả thi trong bối cảnh hiện nay, nên NHNN thận trọng với tăng trưởng cung tiền và tín dụng, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng cung tiền M2 luôn thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng. Và tăng trưởng tín dụng thì luôn được NHNN kiểm soát thận trọng trước nỗi lo lạm phát.

Năm qua, mặc dù Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu NHNN đẩy tăng trưởng tín dụng cao hơn, thậm chí đến 21-22% khi tốc độ tăng trưởng GDP có khả năng không đạt kế hoạch 6,7%, nhưng thực tế tăng trưởng tín dụng đã được kiểm soát ở mức trên 18%. Nhu cầu tín dụng ở Việt Nam rất cao.

Những năm trước, chúng ta từng chứng kiến một thời kỳ bùng nổ tăng trưởng tín dụng. Nêu thực tế này để nói lên rằng tăng trưởng tín dụng được kiểm soát ở mức 18% trong năm qua là nhờ NHNN giám sát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng từng tổ chức tín dụng, hạn chế cho vay những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán và BOT...

*Tác giả hiện đang công tác tại Đại học Duy Tân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hạ lãi suất: Muốn, nhưng không dễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO