Gieo gì, gặt nấy

PHƯƠNG VY| 10/10/2012 09:44

Tại hội nghị tổng kết mùa giải 2012 diễn ra cuối tuần qua, do Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp VPF tổ chức, các ông bầu đã thống nhất lùi thời điểm bốc thăm mùa giải mới 2013 do khó khăn về kinh tế, khiến tương lai một số đội bóng chưa thật rõ ràng.

Gieo gì, gặt nấy

Tại hội nghị tổng kết mùa giải 2012 diễn ra cuối tuần qua, do Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp VPF tổ chức, các ông bầu đã thống nhất lùi thời điểm bốc thăm mùa giải mới 2013 do khó khăn về kinh tế, khiến tương lai một số đội bóng chưa thật rõ ràng. Kinh tế suy giảm có thể là do “lỗi hệ thống” nhưng mặt khác, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam suy yếu còn do chính cách làm theo kiểu ăn xổi ở thì của nhiều ông bầu.

Đọc E-paper

VPF từng ra đời trong kỳ vọng, nhưng rồi lại trở thành nỗi thất vọng

Làng bóng đá Việt Nam không có một tổ chức độc lập nào đứng ra thống kê số tiền các ông bầu đầu tư vào các đội bóng của mình, như kiểu hãng kiểm toán hàng đầu Deloitte Touche vẫn làm với giải Ngoại hạng Anh. Tuy nhiên, chắc chắn con số này là rất lớn nếu như căn cứ vào “tâm thư” mà Chủ tịch Câu lạc bộ Navibank Sài Gòn Nguyễn Vĩnh Thọ gửi Liên đoàn Bóng đá TP.HCM.

Theo đó, “từ năm 2009 đến nay, Navibank Sài Gòn FC cùng nhà tài trợ Navibank đã đầu tư cho đội bóng Navibank Sài Gòn cũng như đào tạo cầu thủ trẻ, mua sắm cơ sở vật chất... với số tiền hơn 300 tỷ đồng, vị chi mỗi mùa giải V-League tốn khoảng 100 tỷ đồng”.

Trả lời phỏng vấn trên tờ Tuổi trẻ, Chủ tịch Câu lạc bộ Hà Nội T&T Đỗ Quang Hiển cũng ước tính, số tiền để “nuôi” một đội bóng ở V-League mỗi mùa tốn không dưới 50-60 tỷ đồng. So với ngân sách quảng cáo mỗi năm của các doanh nghiệp thì con số trên cũng không phải là quá lớn, mà bóng đá thì luôn được coi là phương tiện quảng bá hết sức hiệu quả.

Các trận đấu được phát trực tiếp hằng tuần trên truyền hình quốc gia, báo chí thể thao thì có tới cả chục tờ, chưa kể báo mạng đang phát triển chóng mặt, càng tăng độ phủ sóng của các ông bầu.

Tuy nhiên, trong thời điểm kinh tế suy giảm như hiện nay, chi phí 50-60 tỷ đồng nuôi một đội bóng đã trở thành gánh nặng đối với các doanh nghiệp, nhất là khi lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao. Do đó, chuyện các ông bầu rút khỏi bóng đá (nếu có) cũng là lẽ tự nhiên. Mà cũng không chỉ có mùa giải này, từ năm ngoái đã có tin nhiều ông bầu đang tìm cách thoái lui.

Trong lễ tổng kết mùa giải 2011, ông Nguyễn Đức Kiên có nói rằng bạn ông là Chủ tịch Câu lạc bộ Hòa Phát Hà Nội (cũ), Trần Đình Long, đã rút khỏi bóng đá vì lý do sức khỏe. Nhưng người trong giới thì râm ran rằng lý do chính là gánh nặng kinh tế buộc doanh nghiệp này phải ngừng tài trợ cho đội bóng.

Thế nên, chuyện bầu Thọ muốn bàn giao lại đội bóng cho TP.HCM, bầu Hiển thoái vốn khỏi hai đội bóng SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T cũng là lẽ thường tình. Và nếu hai câu lạc bộ Hà Nội và Trẻ Hà Nội của bầu Kiên có tạm dừng tham dự mùa giải 2013, hay thậm chí giải tán thì cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Tuy vậy, cũng sẽ là không công bằng nếu đổ hết cho kinh tế khó khăn. Bóng đá chuyên nghiệp có đặc thù riêng, và nhìn theo quy luật phát triển thì việc giải bóng đá Việt Nam rơi vào cảnh hoang tàn như hiện nay cũng là điều hoàn toàn hợp logic.

Nói cách khác, từ ngày khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp, V-League đã phát triển một cách quá nóng mà thiếu đi những nền tảng vững chắc cần phải có để xây dựng nên một câu lạc bộ chuyên nghiệp theo đúng nghĩa.

Không thể phủ nhận, thành công của các ông bầu Đoàn Nguyên Đức ở Hoàng Anh Gia Lai, Võ Quốc Thắng ở Đồng Tâm Long An từ một thập kỷ qua đã tạo ra một bộ mặt mới cho giải vô địch quốc nội. Từ thành công của họ, nhiều doanh nhân khác cũng hăm hở đầu tư vào bóng đá, nhưng theo cách hoàn toàn khác.

Nhiều ông bầu vung tiền mua một đội bóng hạng dưới, mua suất dự tranh chuyên nghiệp và tiếp đó là vung tiền mua cầu thủ. Trong khi đó, những yếu tố cần thiết để xây dựng câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp, chẳng hạn như công tác đào tạo cầu thủ trẻ, lại bị buông lỏng, thậm chí là “hoàn toàn không có gì”.

Mô hình Học viện Arsenal JMG do bầu Đức đầu tư xây dựng trở nên lạc lõng trong cơn bão tiền mà các ông bầu mới nổi đổ vào V-League.

Hệ quả của những vụ mua bán như thể mua một món đồ chơi ấy là việc giá trị chuyển nhượng của các cầu thủ tăng lên một cách chóng mặt, còn đạo đức thì lại đi xuống trầm trọng. Đương nhiên, cách thức đầu tư ấy cũng tạo ra gánh nặng lớn về mặt lương bổng, để rồi đến một lúc nào đó chính các ông bầu cũng không chịu nổi.

Theo đánh giá của ông Trần Đình Huấn, Trưởng bộ môn Bóng đá Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM, một nửa chi phí nuôi đội bóng chuyên nghiệp là trả lương cho cầu thủ. Đấy là chưa kể tiền thuê sân tập, sân thi đấu cũng như hàng loạt chi phí khác.

Trong khi đó, nguồn thu từ tiền bán vé vào sân, tiền bản quyền truyền hình đều quá hẻo, không đủ bù cho chi phí trên. Đó là chưa kể mỗi khi đội bóng gặp khó khăn, các ông bầu lại phóng tay chi thưởng, có trường hợp lên tới cả tỷ mỗi trận.

Thế mới có chuyện cánh phóng viên thể thao rỉ tai nhau rằng, nhiều khi các cầu thủ cố tình xuống chân để các ông bầu treo thưởng ở trận sau khi đội nhà gặp nguy.

Trong bối cảnh như thế, ngôi nhà bóng đá chuyên nghiệp được xây từ nóc không sập mới là lạ. Và có khi, đấy lại là điều tốt cho bóng đá Việt Nam, nhằm đưa những giá trị ảo trở về với thực tại như nó vốn có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gieo gì, gặt nấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO