Giảm thuế suất: Không nên quá kỳ vọng

LS HUỲNH TRUNG HIẾU| 23/04/2013 05:10

UBTVQH đã đồng ý đề xuất của Chính phủ đưa thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% về 22%, đồng thời công bố lộ trình giảm thuế xuống 20% bắt đầu từ năm 2016.

Giảm thuế suất: Không nên quá kỳ vọng

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã đồng ý đề xuất của Chính phủ đưa thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% về 22%, đồng thời công bố lộ trình giảm thuế xuống 20% bắt đầu từ năm 2016. Những nỗ lực của Bộ Tài chính và Chính phủ là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên hiệu quả của chính sách đến đâu thì hiện không ít ý kiến vẫn còn e ngại.

22%: Chỉ là “con số”…

>Doanh nghiệp kiệt sức: Teo tóp, tê liệt
>
Từ 1/7/2013, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
>
Đối tượng nào sẽ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Mặc dù đa số thành viên UBTVQH đồng ý với phương án giảm thuế suất về 22%, nhưng điều mà nhiều người còn băn khoăn là các cơ quan chức năng chưa có những đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc giảm thuế suất đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Do vậy nếu chỉ thiên về yêu cầu điều tiết vĩ mô thì việc thực thi chính sách sẽ không có tác dụng lan tỏa và cũng không ai có thể đo lường hết các rủi ro cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong quý I/2013, cả nước có 13.011 doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động, tăng 26% so với cùng kỳ.

Báo cáo trên cũng cho thấy, số DN và số vốn đăng ký trong quý I/2013 vẫn tiếp tục xu thế giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, mức thuế suất 22% đã được tính toán phù hợp với thực tế hiện nay, tuy nhiên mức này có đảm bảo ổn định các mục tiêu ngân sách hay không thì hiện không có gì chắc chắn.

Trái với quan điểm trên, việc giảm thuế về 20% được nhiều hiệp hội ngành nghề tán thành, vì tỷ lệ giảm thuế qua các lần giảm thuế suất trước đây đã tiệm cận với mức thuế suất (khuyến khích) của các nước trong khu vực .

Quan trọng hơn là môi trường kinh doanh của VN hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế nên nếu mức thuế suất không được điều chỉnh một cách hợp lý thì đây sẽ là thách thức không nhỏ cho mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư.

Trước áp lực của bài toán cân đối ngân sách, yêu cầu bảo vệ quyền lợi của nhà nước là điều cần thiết. Tuy nhiên, nếu việc giảm thuế làm nguồn thu giảm nhưng số DN không tăng hoặc không tồn tại được do mức thuế suất chưa đủ khuyến khích thì nhà nước nên có những nghiên cứu cẩn trọng hơn để tránh những hệ quả đáng tiếc khi ban hành chính sách. Nguy cơ đầu tiên là “tổn thất lực lượng”. Vì khi kinh tế khó khăn thì thị trường sẽ mất đi một lớp DN.

Xét về bối cảnh, những tương quan trước, trong thời điểm khó khăn (khách quan), các DN sẽ có rất nhiều sự thay đổi về chiến lược, tiềm năng, cơ hội kinh doanh, nguồn lực để duy trì lợi thế cạnh tranh. Nay nếu cộng thêm việc DN không tiếp cận được các hỗ trợ cần thiết, kịp thời của nhà nước thì có thể cho rằng đây là sự “hy sinh” không đáng có.

Thứ hai là đối với số DN trụ lại được, không ai có thể đảm bảo số này sẽ đứng vững được bao lâu sau khi phải trải qua một thời kỳ hoạt động yếu ớt, èo uột do khủng hoảng, cũng như thiếu những tích lũy cần thiết, nguy cơ phá sản, giải thể vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Do vậy, theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh có nhiều DN phá sản, ngưng hoạt động và đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay thì các nhóm giải pháp về thuế cần được thực hiện một cách đồng bộ, thực chất và hiệu quả hơn nhằm giúp DN có thời gian bám trụ, điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất kinh doanh, chuẩn bị các nguồn lực, xây dựng các phương án làm ăn mới.

Về lâu dài, tháo gỡ “nút thắt” DN cũng chính là cơ sở đảm bảo duy trì các biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.

Thông qua các nguồn vốn tái cơ cấu, đầu tư mở rộng của DN, nhà nước sẽ có thêm các khoản thu từ thuế, người lao động có thêm thu nhập, gián tiếp thúc đẩy tiêu dùng, chi tiêu cá nhân và công cộng, những yếu tố cơ bản được giải quyết thì nền kinh tế sẽ dần hồi phục và từng bước phát triển.

Khúc mắc nội ngành: Ai làm - Ai chịu?

Báo cáo tổng kết quý I/2013 của Bộ Tài chính chỉ ra rằng, thu ngân sách quý I/2013 đạt 20,9 % dự toán cả năm, trong khi con số này các năm trước thường đạt 25-27%. Ngoài ra, tính hết quý I/2013, có 7/14 khoản thu thấp hơn cùng kỳ.

Cũng theo báo cáo này thì nhiệm vụ công tác chủ yếu của ngành thuế trong thời gian tới vẫn là “tập trung chỉ đạo các biện pháp quản lý thu, đảm bảo huy động đầy đủ, kịp thời các nguồn thu”.

Rõ ràng một số “vấn đề” ngành thuế đã được nhìn nhận. Các giải pháp cũng đã được đưa ra cho thấy nhà nước đang tích cực tháo gỡ những bất cập trong công tác quản lý hiện nay.

Tuy nhiên trong bối cảnh các yếu kém chưa được giải quyết, nay lại buộc phải giảm thuế thì áp lực thu ngân sách tiếp tục là rào cản gây tác động đến DN.

Cái lợi của việc giảm thuế một mặt sẽ giúp cho ngân sách được phát triển khi DN làm ăn hiệu quả, nhưng nếu làm ăn thua lỗ, kinh tế gặp khó khăn thì DN ngay lập tức sẽ trở thành một trong những đối tượng đầu tiên bị đem ra mổ xẻ, cân đo đong đếm tính toán thiệt hơn trước bài toán thu chi.

Một trong những vấn đề quan tâm hiện nay là nhà nước cần có những giải pháp chấn chỉnh mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa các biểu hiện, hành vi tiêu cực, vi phạm các nghĩa vụ về thuế của một bộ phận DN, cá nhân, tổ chức liên quan.

Không thu được thuế cũng đồng nghĩa với việc nhà nước chưa thực hiện tốt vai trò của mình. Nay vì chưa tốt lại đẩy gánh nặng này sang cho DN là điều khó chấp nhận.

Trước những đòi hỏi cải cách, ngành thuế cần phải thẳng thắn thừa nhận những khúc mắc trong công tác quản lý hiện nay để có cái nhìn thông cảm hơn với những khó khăn của DN. Trong đó nghĩ về những đóng góp của cộng đồng DN (trong đó có đóng góp về thuế) để trả lại những quyết sách có lợi cho cộng đồng DN là đòi hỏi khách quan và hoàn toàn chính đáng.

Đây cũng là cách “chia sẻ” tốt nhất nhằm hướng tới giải quyết có hiệu quả bài toán thu chi ngân sách trong trước mắt cũng như lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm thuế suất: Không nên quá kỳ vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO