Giải quyết nợ quốc doanh

MINH TRÍ| 16/06/2012 06:23

Theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, tính đến cuối năm 2010, khu vực doanh nghiệp nhà nước có tổng tài sản 1.799 ngàn tỷ đồng, trong đó 1.088 ngàn tỷ là nợ phải trả.

Giải quyết nợ quốc doanh

Theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, tính đến cuối năm 2010, khu vực doanh nghiệp nhà nước có tổng tài sản 1.799 ngàn tỷ đồng, trong đó 1.088 ngàn tỷ là nợ phải trả.

Trong số đó, vốn chủ sở hữu của khu vực doanh nghiệp này vẫn còn 40%. Ông giải thích: “Có nghĩa là cứ 100 đồng thì 40 đồng của Nhà nước, còn 60 đồng là đi vay. Tỷ lệ này không cao nhưng cũng không thấp so với các nước”. Các tổng công ty, tập đoàn nhà nước nắm trong tay vốn chủ sở hữu của nhà nước lên tới 700.000 tỷ đồng, lớn hơn tổng số thu ngân sách hằng năm của quốc gia song hiệu quả kinh doanh lại không tương xứng với đầu tư của nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân.

Đọc E-paper

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến tháng 9/2011 dư nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp Nhà nước lớn đạt trên 415.000 tỷ đồng, tương đương gần 17% tổng dự nợ tín dụng tại các ngân hàng. Trong đó, nợ vay của 12 tập đoàn kinh tế Nhà nước lên tới gần 218.740 tỷ đồng.

Nợ lớn nhất thuộc về những “ông lớn” như Tập đoàn Dầu khí (PVN - 72.300 tỷ đồng), Điện lực (EVN - 62.800 tỷ đồng), Than & Khoáng sản (Vinacomin - 19.600 tỷ đồng)…

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết 30 trên tổng số 85 tập đoàn, tổng công ty nêu trên đang có tỷ lệ nợ cao hơn ba lần vốn chủ sở hữu. Cá biệt, có bảy trường hợp đang có hệ số nợ cao hơn 10 lần, bao gồm Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp, Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1, 5 và 8, Xăng dầu Quân đội, Tổng công ty Thành An, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc.

Trong khi tình trạng nợ nần của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã kéo dài nhiều năm nay thì kết quả sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị cũng khá bi quan. Theo số liệu của Bộ Tài chính, mức lỗ bình quân của các doanh nghiệp Nhà nước cao gấp 12 lần khu vực ngoài quốc doanh, tổng lỗ lũy kế của các tập đoàn, tổng công ty đến hết năm 2011 là 26.100 tỷ đồng.

Một số đơn vị lỗ lớn như EVN (2010 là 12.313 tỷ đồng), Vinashin (2009 là 5.000 tỷ), Tổng công ty Bưu chính (2009 là 1.026 tỷ)…

Thời gian gần đây, chuyện nợ nần của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lại được dư luận quan tâm. Nguyên nhân chủ yếu của những bê bối tại các đơn vị quốc doanh nằm ở việc khu vực Nhà nước đang tham gia vào quá nhiều hoạt động, dự án khác nhau và ở nhiều lĩnh vực nhưng đều không hiệu quả.

Theo thống kê, doanh nghiệp Nhà nước bỏ 13 đồng vốn mới thu được một đồng tăng trưởng, trong khi khối tư nhân chỉ cần chưa đến một đồng. Nợ nần của các tập đoàn, tổng công ty cũng từ đó mà ra và rất khó giải quyết khi mà tỷ lệ nợ ở nhiều nơi đã cao gấp 10 lần vốn chủ sở hữu.

Mới đây Ngân hàng Thế giới (WB) có thống kê nợ công của Việt Nam khoảng 52% GDP, đó là chưa tính đến khoản trái phiếu của các doanh nghiệp Nhà nước đã phát hành. Ví dụ như Tổng công ty Lắp máy (Lilama) đang đứng trước kỳ hạn (tháng 9) phải trả hơn 900 tỷ đồng cho khoảng 2.000 tỷ trái phiếu phát hành cách đây mấy năm nhưng đang khó về nguồn trả nợ. Còn nợ của các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước khác thì chưa biết là bao nhiêu cũng như trách nhiệm phải trả như thế nào.

Trong phiên khai mạc Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) tại Quảng Trị ngày 5/6 vừa qua, các nhà tài trợ tỏ ra lo ngại về tình hình nợ nần cũng như làm ăn thiếu hiệu quả của khu vực quốc doanh, đặt ra một số rủi ro quá lớn lên nền kinh tế cũng như sự ổn định tài chính quốc gia, ảnh hưởng đến người nộp thuế.

Theo thống kê của WB, từ năm 2007 đến 2009, tỷ lệ nợ trên vốn cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước là 307%, cao hơn nhiều so với con số tương ứng 183% ở doanh nghiệp tư nhân và 145% của các doanh nghiệp nước ngoài. So sánh về lợi nhuận thì con số 17% mà các doanh nghiệp Nhà nước công bố tưởng như cao, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng danh nghĩa của nền kinh tế (19%) cũng như khu vực doanh nghiệp nước ngoài (27%).

Điều đáng chú ý là ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhà nước cho thấy tình trạng tài chính thiếu lành mạnh. Vinashin từ chỗ không trả được nợ nước ngoài phải cơ cấu lại bằng nợ nội tệ. EVN cũng thua lỗ trong ba năm liên tiếp và có nợ tích lũy đáng kể so với các doanh nghiệp khác.

Gần đây, WB cũng lưu ý tới việc một số doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực xi măng không thanh toán được nợ ngân hàng, buộc Chính phủ phải giải cứu.

Thay vì trở thành lực lượng chủ đạo của nền kinh tế, các doanh nghiệp Nhà nước đang phải vật lộn để bắt kịp với các doanh nghiệp tư nhân trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thậm chí, sự phát triển của các doanh nghiệp này trong thời gian qua đã tạo nên một sân chơi không bình đẳng trong tín dụng ngân hàng, hợp đồng mua sắm, nghiên cứu và phát triển so với các doanh nghiệp tư nhân.

Trong tình hình như vậy, việc kiên trì với khái niệm “quốc doanh là chủ đạo” cho nền kinh tế là rất đáng lo ngại, nhất là khi hàng loạt doanh nghiệp nhà nước đang cần đến sự giúp đỡ hào phóng của chính phủ để giảm bớt nợ nần.

Thế nhưng, khi trao đổi với báo chí bên lề phiên họp Quốc hội sáng 8/6, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Không thể cứu doanh nghiệp một cách tràn lan, Nhà nước không đủ sức và cũng không nên làm như thế. Điểm mấu chốt hiện nay gọi là cục máu đông - chính là nợ. Cơ cấu lại nợ đó, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được vốn, được cứu”.

Theo ông, doanh nghiệp khó khăn thì Chính phủ phải có trợ giúp chứ thực chất đây không phải là một gói kích cầu như năm 2009. Ông cũng cho rằng các doanh nghiệp cần coi đây là cơ hội để tái cơ cấu lại mình.

Mới đây Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã có một kiến nghị gửi đến các đại biểu trong đó đề cao vai trò kinh tế tư nhân thành động lực cho phát triển kinh tế, đồng thời thu hẹp lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Kiến nghị này nếu được chấp nhận sẽ là bước quan trọng trong đổi mới tư duy để việc hoạch định chính sách trở nên thực tế hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải quyết nợ quốc doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO