Giải pháp nào cho khoản phí không chính thức bởi thủ tục hành chính?

THANH HUYỀN thực hiện| 31/08/2017 05:44

DN phải cộng thêm chi phí không chính thức vào chi phí đầu vào, phải hợp pháp hóa các chi phí đó do các khoản chi này không có hóa đơn, chứng từ".

Giải pháp nào cho khoản phí không chính thức bởi thủ tục hành chính?

Chính phủ đang rà soát cơ chế, chính sách và thực hiện các giải pháp đồng bộ để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét: "DN phải cộng thêm chi phí không chính thức vào chi phí đầu vào, phải hợp pháp hóa các chi phí đó do các khoản chi này không có hóa đơn, chứng từ". 

Đọc E-paper

* Phải chăng ông đang nói về những hậu quả nghiêm trọng từ việc "phải có tiền mới xong việc"?

- Theo tôi, làm ăn bằng "quan hệ” đang trở thành một cách kinh doanh. Chẳng hạn, việc phát sinh DN chuyên mua bán hóa đơn đang khiến việc kinh doanh thiếu minh bạch, thậm chí hủy hoại môi trường kinh doanh và triệt tiêu cạnh tranh.

Doanh nghiệp phải chi khoản phí không chính thức do nhiều nguyên nhân, nhưng một phần là do yếu kém của các quy định pháp luật, bao gồm tổ chức thực thi cũng như ban hành chính sách. Ví dụ, quy định pháp luật không rõ ràng, không dễ hiểu, thậm chí áp đặt dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và DN thường không hiểu đúng cách hiểu của cơ quan nhà nước khiến việc giải quyết trình tự thủ tục trở thành khó dự đoán.

Với áp lực thị trường, áp lực kinh doanh, DN không thể ngày này qua tháng khác ngồi chờ giấy phép, thủ tục hành chính được phê duyệt nên đã "bôi trơn" để thúc đẩy kinh doanh. "Bôi trơn" với tần suất cao, quy mô lớn đã trở thành một thứ "văn hóa kinh doanh". Rất nhiều DN ngay từ phút đầu tiên tiếp xúc với công chức liên quan đã phải có "đồng tiền đi trước".

* Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được nói đến nhiều nhưng thực hiện chưa được bao nhiêu. Ông nói gì về điều này?

- Năm 2002, 2003 đã có khoảng 160 điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ, nhưng từ đó đến nay chưa có thêm cải cách hành chính nào đáng kể. Trong khi đó, tác động từ điều kiện kinh doanh là rất lớn.

Rất nhiều người phải bỏ ý định kinh doanh sau khi nghiên cứu hệ thống pháp luật, điều kiện kinh doanh do không hình dung được làm thế nào để tuân thủ đúng các điều kiện kinh doanh đó, chưa nói đến làm thế nào để sản xuất hiệu quả. Vấn đề ở đây là quyết tâm, sự nhận thức và giải quyết vấn đề từ chính các cơ quan có liên quan.

* Với tiến độ như ông nói, việc xử lý 2.000 điều kiện kinh doanh nên theo hướng nào?

- Trong gần 2.000 điều kiện kinh doanh theo kiến nghị ban đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần được xử lý, tập trung vào 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất, những điều kiện kinh doanh không rõ ràng, mơ hồ. Ví dụ, DN phải có đủ năng lực sản xuất, hay phải có năng lực sản xuất phù hợp, hay phải có năng lực tài chính đủ để thực hiện dự án, khi đọc lên là thấy nó mơ hồ và tạo ra rủi ro. Cơ quan nhà nước không định lượng được điều đó lại tạo ra quy định bắt DN thực hiện thì rõ ràng những quy định như vậy phải bãi bỏ.

Nhóm thứ hai, những điều kiện kinh doanh quy định áp đặt sở hữu, DN kinh doanh phải có tiền đầu tư và sở hữu máy móc, thiết bị. Nếu DN xây dựng chuỗi chuyên nghiệp hóa kinh doanh hay thuê mua máy móc thì trong trường hợp này là không được. Như vậy sẽ làm hạn chế sản xuất, kinh doanh và tạo ra rào cản gia nhập thị trường.

Nhóm thứ ba, những điều kiện kinh doanh đặt ra mức trần ở mức tối thiểu. Ví dụ, theo nguyên tắc kinh tế thị trường, năng lực sản xuất là do chính DN quyết định. Như vậy, khi sản xuất ra 10 hay 1 triệu sản phẩm là quyền của DN.

Bãi bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý có hai vấn đề: Làm ngay và không làm.

Muốn làm, phải cải cách hành chính, phải làm từ trên xuống. Việc Chính phủ quyết tâm là rõ ràng, nhưng Chính phủ cần có chỉ tiêu buộc các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố phải làm theo. Chỉ tiêu của Chính phủ phải gắn với trách nhiệm của các bộ trưởng. Chỉ khi các cơ quan có liên quan thay đổi cách thức quản lý mới có thể đảm bảo được mục tiêu và hiệu quả cải cách hành chính.

Bãi bỏ điều kiện kinh doanh không chỉ là bãi bỏ số lượng các quy định kém chất lượng, quan trọng hơn là phải thay đổi phương thức quản lý nhà nước để nó mang tính thị trường hơn. Hiện Nhà nước đang can thiệp quá sâu, quá chi tiết và cứng nhắc vào kinh doanh, vào thị trường. Bãi bỏ các điều kiện kinh doanh là bãi bỏ, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào kinh doanh.

Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ duy trì cạnh tranh lành mạnh, còn việc sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào thì do DN và người tiêu dùng quyết định. Thị trường tự vận hạnh hiệu quả đã được chứng minh ở nhiều nước đang phát triển. Nhà nước chỉ hỗ trợ để đảm bảo thị trường hoạt động một cách có hiệu quả, không can thiệp vào việc DN sản xuất cái gì, sản xuất thế nào và sản xuất bao nhiêu.

* Cám ơn ông!

Năm 2016, hơn 60% DN tham gia điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho rằng đã bỏ ra các khoản chi phí không chính thức cho việc hoàn tất các thủ tục hành chính. Trong khi đó, trên 10% DN cho biết, chi phi không chính thức tương đương hơn 10% doanh thu, thậm chí lớn hơn cả lãi suất, lợi nhuận của nhiều DN.

>Cải cách hành chính: DN lo ngại "đi đêm" với hải quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải pháp nào cho khoản phí không chính thức bởi thủ tục hành chính?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO