Giải pháp hiện thực hóa thanh toán không dùng tiền mặt

TS. PHAN MINH NGỌC| 18/01/2017 09:20

Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 hoàn toàn có khả năng được hiện thực hóa.

Giải pháp hiện thực hóa thanh toán không dùng tiền mặt

Nếu Việt Nam quyết tâm cao và có những biện pháp buộc các chủ thể liên đới tự giác và nghiêm túc thực hiện các bước đi cần thiết chuyển sang một xã hội không dùng tiền mặt thì Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 hoàn toàn có khả năng được hiện thực hóa.

Đọc E-paper

Một trong những ví dụ điển hình về sự chuyển biến nhanh chóng sang một xã hội không dùng tiền mặt là Ấn Độ. Nước này vào ngày 8/11/2016 đã đột ngột ban bố lệnh thu hồi các đồng tiền có mệnh giá 500 và 1.000 rupee, vốn là 2 mệnh giá phổ biến nhất ở Ấn Độ, và đổi lấy các đồng tiền mới có mệnh giá 500 và 2.000 rupee có tính an toàn cao hơn.

Thực tế việc chuyển sang một xã hội không dùng tiền mặt đang diễn ra nhanh chóng ở Ấn Độ sau lệnh thu hồi và đổi tiền tháng 11/2016. Tài khoản ngân hàng mới đang được mở với tốc độ tăng vọt so với trước, các dịch vụ thanh toán điện tử được đẩy mạnh, hình thức giao hàng và trả tiền trong thương mại trực tuyến đã hầu như chấm dứt và những ngành nghề kinh doanh dựa trên thanh toán điện tử như mua tạp hóa online đã bắt đầu lan rộng.

Báo chí đưa tin thậm chí ngay cả người bán rau trên vỉa hè cũng lắp đặt các thiết bị đọc mã vạch và thanh toán trực tuyến. Các cửa hàng bán lẻ khác thì cũng đã chấp nhận ví điện tử...

Có nhiều điểm tương đồng về một xã hội bị chi phối bởi tiền mặt giữa Việt Nam và Ấn Độ, như trình độ phát triển ở mức thấp với đa phần dân chúng sống ở nông thôn, tỷ trọng tiền mặt trong thanh toán ở mức cao, số dân có tài khoản ngân hàng ở mức thấp, cơ sở vật chất phục vụ thanh toán điện tử, đặc biệt là ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa thiếu thốn...

Từ trường hợp Ấn Độ, có thể thấy nếu Việt Nam quyết tâm cao và có những biện pháp buộc các chủ thể liên đới tự giác và nghiêm túc thực hiện các bước đi cần thiết chuyển sang một xã hội không dùng tiền mặt thì Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 hoàn toàn có khả năng sẽ được hiện thực hóa.

>>6 ví điện tử nổi tiếng thế giới

Muốn thế, trước tiên, phải thiết lập được một cơ sở hạ tầng kỹ thuật rộng khắp, hỗ trợ thanh toán điện tử để thanh toán điện tử được phổ cập. Đồng thời, phí sử dụng thanh toán điện tử cho cả người mua lẫn người bán phải ở mức thấp, khuyến khích mọi người chuyển sang sử dụng thanh toán điện tử vì sự tiện lợi, an toàn của nó.

Nhưng phát triển cơ sở hạ tầng rộng khắp và mức phí thấp chỉ có thể thực hiện được khi hệ thống ngân hàng có đủ động lực và có điều kiện để làm những việc này. Đó là khi họ có thêm nhiều tài khoản thanh toán mới được mở ra để có thêm một nguồn tiền gửi thanh toán lớn hầu như không tốn phí, và một cơ sở khách hàng lớn tạo điều kiện cho ngân hàng hạ thấp các mức phí dịch vụ liên quan đến thanh toán nhưng vẫn làm tăng tổng thu nhập từ dịch vụ thanh toán cho các ngân hàng.

Để giải quyết tình trạng "con gà hay quả trứng" nói trên, những động thái chính sách mang tính cưỡng bức gần đây của Chính phủ như bắt buộc các giao dịch mua bán bất động sản và xe máy, ô tô phải thực hiện không dùng tiền mặt là những tiền đề và động thái đúng đắn và cần nhanh chóng nhân rộng mang tính cưỡng bức ra các lĩnh vực và ngành nghề khác.

Một trong những lĩnh vực kế tiếp là mua bán trực tuyến nhưng không được phép thực hiện thông qua hình thức giao hàng - trả tiền mặt. Tương tự như vậy là các dịch vụ chia sẻ trực tuyến như Uber, Grab Taxi và Easy Taxi... Những động thái chính sách này của Chính phủ, sẽ bắt buộc thêm nhiều người chuyển sang mở tài khoản tại ngân hàng và chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Về phía các đơn vị cung cấp hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ ở nông thôn và vùng sâu vùng xa, việc trang bị các máy đọc thẻ và thiết bị thanh toán đầu cuối, cũng như nối mạng để thực hiện thanh toán điện tử không phải là điều dễ dàng và ít tốn kém, nên sự hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật và tài chính của Chính phủ cũng là điều cần thiết.

>>Vì sao thanh toán trực tuyến chưa "cất cánh"?

Chính phủ cũng cần thiết phải tăng cường tuyên truyền sâu rộng cho người dân và doanh nghiệp về lợi ích sử dụng thanh toán điện tử, ví dụ bằng những bài toán cụ thể cho thấy tính an toàn và hiệu quả hoàn toàn có thể bù đắp được những tốn phí trong sử dụng thanh toán điện tử để khuyến khích mọi người tích cực chuyển sang các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời, Chính phủ cần thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật để phủ sóng nối mạng internet toàn quốc, hỗ trợ nhân rộng thanh toán không dùng tiền mặt trên cả nước.

Song song đó, ở phía các ngân hàng thương mại, Chính phủ cũng cần có những động thái chính sách mang tính cưỡng bức và khuyến khích để họ tiến hành mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng và hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt (ví dụ như đặt điều kiện về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cho việc mở và duy trì các chi nhánh và điểm giao dịch), cũng như hạ thấp các loại phí dịch vụ (ví dụ, quy định mức trần về phí giao dịch, thanh toán điện tử).

Do trước mắt, việc trang bị và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật là rất tốn kém với các ngân hàng nên cần các chính sách hỗ trợ cần thiết của Chính phủ như miễn giảm thuế và các nghĩa vụ giao nộp, hay cho vay hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải pháp hiện thực hóa thanh toán không dùng tiền mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO