Giá điện không cần tần suất điều chỉnh ngắn mà cần ổn định

TRÌNH TIÊU thực hiện| 21/10/2015 01:56

Phương án nhiều bậc lũy tiến là thích hợp nhất với điều kiện của Việt Nam hiện nay.

Giá điện không cần tần suất điều chỉnh ngắn mà cần ổn định

Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa đề xuất 3 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, PGS. TS Nguyễn Minh Duệ, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nói: "Phương án nhiều bậc lũy tiến là thích hợp nhất với điều kiện của Việt Nam hiện nay".  

Đọc E-paper

* Giá điện thường không nhận được sự đồng thuận của khách hàng trong mỗi lần điều chỉnh. Ông nhận định như thế nào về điều này?

- Tôi cho rằng, giá bán điện ban hành qua các kỳ điều chỉnh chưa thuyết phục, thiếu cơ sở khoa học, chưa công khai minh bạch về giá thành, nên chưa nhận được sự đồng thuận của khách hàng sử dụng điện.

Giá điện từ năm 2009 đến nay đã điều chỉnh tăng 8 lần, năm nào cũng tăng ít nhất 1 lần, riêng năm 2011 và năm 2012 điều chỉnh tăng 2 lần, mức tăng mỗi lần là 5%, cá biệt ngày 1/3/2011 tăng 15,28% so với năm 2010.

Việc điều chỉnh giá bán điện như hiện nay mang tính ngắn hạn, không thích hợp với đặc điểm của sản phẩm điện năng. Giá điện không đòi hỏi tần suất điều chỉnh ngắn mà cần sự ổn định nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

* So với các nước, giá bán điện của Việt Nam hiện nay cao hay thấp, thưa ông?

- So với các nước có thu nhập cao trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp... hay các nước thiếu tài nguyên năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện như Nhật Bản, Hàn Quốc... để kết luận Việt Nam có giá điện thấp là khập khiễng.

Theo quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, giá điện bình quân tăng 7,5%, lên 1.622,05 đồng/kWh, nếu kể cả thuế VAT là 1.784,25 đồng/kWh, tương đương 8,3 US cent/kWh không phải là thấp. So sánh phải căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội, hoạt động của doanh nghiệp, thu nhập của người dân hiện tại và cấu trúc hệ thống điện, đặc biệt là nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện.

* Về cách xây dựng biểu giá điện hiện nay, ông nhận xét như thế nào?

- Biểu giá điện hiện nay chưa đủ độ tin cậy, chưa áp dụng phương pháp phổ biến và hiện đại theo chi phí biên dài hạn, chưa xây dựng biểu giá hai thành phần: công suất và điện năng. Điều chỉnh giá điện mới chỉ chú ý đến các yếu tố làm tăng chi phí, chưa quan tâm đến các yếu tố giảm chi phí như mùa nước, tăng công suất của các nhà máy thủy điện, hay việc giảm tổn thất và hạ giá thành của hệ thống.

Trong đề án, EVN lấy giá bình quân điện sinh hoạt là 1.747đ/kWh là chưa có cơ sở, cao hơn giá điện bình quân cho mọi đối tượng 1.662kWh. Lý do "nhiều bậc gây ảnh hưởng đến việc thanh toán và ghi chỉ số công tơ” để rút từ 6 bậc xuống 3 hoặc 4 bậc của EVN là không thuyết phục.

Việc thanh toán, ghi chỉ số công tơ, thông tin cho khách hàng trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin và kỹ thuật điện tử hiện nay sẽ không gặp khó khăn dù có nhiều bậc.

Giá bán điện hợp lý phải dựa trên cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn và cần những giải pháp thực hiện hiệu quả. Việc việc lập và điều chỉnh giá, cần thiết thực hiện đúng Điều 30 của Luật Điện lực năm 2013.

Điều chỉnh giá bán điện phải được thực hiện công khai, minh bạch phù hợp với quy định của định của pháp luật về giá. Bộ Công Thương với vai trò chủ trì nên lập Hội đồng Thẩm định giá điện có các nhà quản lý, nhà khoa học làm tư vấn thẩm định cho Chính phủ mỗi lần điều chỉnh giá điện.

* Trong 3 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt do EVN đề xuất (Phương án 1: giữ nguyên 6 bậc hiện hành; Phương án 2: quy định một mức giá (đồng giá); Phương án 3: rút từ 6 bậc xuống 3 hoặc 4 bậc), theo ông, phương án nào phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế và sức dân hiện nay?

- Trên cơ sở khoa học, pháp lý và thực tiễn, cũng như kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, cần loại trừ phương án đồng giá. Quy định một giá điện duy nhất cho mọi đối tượng sẽ không quan tâm đến tầng lớp người nghèo, người thu nhập thấp trước dịch vụ xã hội và không khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm điện.

Hiện nay, trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng phương án nhiều bậc lũy tiến bởi ưu điểm khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo công bằng xã hội. Phương án này đảm bảo tính ổn định liên tục, không bị "nhảy cóc" bậc của giá, khách hàng càng sử dụng nhiều điện, càng phải thanh toán giá cao và ngược loại.

Lần điều chỉnh này, EVN có thể vẫn giữ nguyên 6 bậc, nhưng phải tính toán kỹ số điện trong mỗi bậc thang, tương ứng với mức giá đặt ra. Đặc biệt, để áp giá các bậc thang một cách chính xác, EVN phải xác định đúng giá bình quân điện sinh hoạt hợp lý.

* Cảm ơn ông!

>Người Việt ưu tiên tiết kiệm điện, gas

>Nhật Bản phải ra đối sách tiết kiệm điện

>Doanh nghiệp mạnh tay tiết kiệm điện

>VNPT lại kêu khó về giá thuê cột điện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá điện không cần tần suất điều chỉnh ngắn mà cần ổn định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO