FDI: Sao phải giữ bằng mọi giá?

01/07/2012 05:26

Đang có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Việt Nam sang những nước khác, do một số lợi thế cạnh tranh NHƯ nhân công rẻ, các ưu đãi về thuế, đất đai đang dần hết tác dụng.

FDI: Sao phải giữ bằng mọi giá?

Đang có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Việt Nam sang những nước khác, do một số lợi thế cạnh tranh NHƯ nhân công rẻ, các ưu đãi về thuế, đất đai đang dần hết tác dụng.

FDI là khu vực đóng góp khá lớn cho nền kinh tế Việt Nam và vì thế, theo một số ý kiến, sự ra đi của dòng vốn này rất đáng báo động.

Thế nhưng, nhìn lại những gì Việt Nam có được sau 25 năm thu hút FDI, Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng nên chấp nhận sự ra đi của một số nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí là tạo điều kiện để họ ra đi. Dưới đây là phần trao đổi của TS. Thanh về vấn đề này:

* Việt Nam đã được những gì sau 25 năm thu hút FDI?

Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam

- Từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1987) đến nay, Việt Nam đã thu hút trên 200 tỉ USD vốn đăng ký, hơn 90 tỉ USD vốn thực hiện. Dòng vốn này đã đóng góp 56% cho xuất khẩu, trên 1/4 tổng sản phẩm quốc nội và tạo ra hơn 2 triệu việc làm.

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy có tới 67% doanh nghiệp FDI đầu tư vào những ngành có giá trị gia tăng thấp. Phần lớn họ đều có trình độ công nghệ thấp, tập trung khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, sử dụng lao động giá rẻ, ít kỹ năng.

Đó là chưa kể đến việc không ít doanh nghiệp FDI trốn thuế hoặc chuyển giá và đặc biệt là từ 30-50% doanh nghiệp FDI báo lỗ. Liệu có tình trạng lỗ giả, lãi thật hay không thì còn phải xem xét thêm. Nhưng đã thấy có chuyện họ khai thác tài nguyên bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường như vụ việc của Vedan, Miwon hay TungKuang.

Trong khi đó, chỉ khoảng 5% doanh nghiệp FDI là hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Foxconn; 5% số dự án khác thuộc ngành dịch vụ, khoa học công nghệ; 3,5% thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm.

Nhìn chung, sau 25 năm, chúng ta vẫn chưa có một chiến lược thu hút FDI tạo sự lan tỏa cho nền kinh tế.

* Đây có phải là nguyên nhân khiến dòng vốn FDI đang chảy sang những nước khác trong khu vực?

- Lý do các chuyên gia kinh tế đưa ra là cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm sụt giảm đầu tư FDI trên bình diện toàn cầu. Vì thế, dòng vốn vào Việt Nam cũng bị sụt giảm. Tuy nhiên, số liệu thống kê cuối năm 2011 cho thấy FDI trên toàn cầu đã phục hồi trở lại ở mức trước khủng hoảng là 1.500 tỉ USD. Trong khi đó, vốn vào Việt Nam lại giảm khá nhanh và liên tục từ năm 2011 đến nay.

Một thực tế là chúng ta chưa tận dụng tốt dòng vốn FDI để có công nghệ hiện đại và quản lý tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều đó cho thấy chính sách thu hút FDI của Việt Nam tương đối dễ dãi và đặc biệt là thiếu chọn lọc. Nghịch lý ở chỗ, đó chính là nguyên nhân giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài ở lại Việt Nam nhằm tiếp tục khai thác tài nguyên, đất đai giá rẻ, lao động rẻ. Vì thế, chúng ta cũng không nên quá lo ngại về việc dòng vốn FDI có trình độ công nghệ và quản lý thấp chuyển sang những nước khác.

Vấn đề là ở chỗ chúng ta có tạo được lợi thế cạnh tranh mới, nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia để thu hút dòng vốn FDI có công nghệ cao hơn, trình độ quản lý tiên tiến hơn hay không. Việc thay máu FDI sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu và thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển dịch lên mắt xích cao hơn trong chuỗi giá trị gia tăng khu vực và toàn cầu.

* Có vẻ một số nước như Myanmar, Campuchia, Bangladesh đã rút được kinh nghiệm từ Việt Nam và đang cải cách mạnh mẽ để tranh thủ dòng FDI?

- Chuyện dịch chuyển chắc chắn sẽ xảy ra khi lợi thế cạnh tranh giảm đi và Campuchia, Myanmar, Bangladesh chắc chắn sẽ tận dụng cơ hội khi chúng xuất hiện. Hiện nay, khi Việt Nam tụt hạng về môi trường kinh doanh nói chung và về thị trường tài chính, thị trường bán lẻ nói riêng, đặc biệt là khi kinh tế vĩ mô vẫn chưa phục hồi thì các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn có lý do để cân nhắc chuyển vốn sang nước khác.

* Nghĩa là chúng ta chấp nhận sự dịch chuyển này?

- Giống như một cuộc đua thuyền buồm, người đi sau sẽ rút kinh nghiệm để không phạm sai lầm của người đi trước. Trong trường hợp này, các nước nói trên có thể rút kinh nghiệm từ Việt Nam để rút ngắn quá trình thu hút vốn đầu tư nhằm phục vụ công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa nước họ.

Như đã nói, không nên và cũng không thể kìm hãm sự dịch chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài. Và chúng ta không thể mãi cạnh tranh bằng giá nhân công rẻ, bằng ưu đãi đất đai, tài nguyên môi trường. Vì thế, cần phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện sự dịch chuyển đó.

* Vậy chúng ta phải làm gì để có thể thu hút dòng vốn FDI mới?

- Trong cuộc đua này, có thể những nước đi trước cũng bị mất đi lợi thế một cách nhanh chóng. Do đó, về dài hạn, chúng ta phải tạo ra những ưu thế cạnh tranh cao hơn, vượt trội hơn, thông qua việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp nguồn nhân lực. Còn trong ngắn hạn thì cần ổn định tình hình vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công. Đặc biệt cụ thể hơn là cải cách đất đai, tiền lương, cải cách hành chính và an sinh xã hội.

Một điều nữa là cần tránh cấp phép FDI một cách thiếu chọn lọc, tràn lan, hạ thấp chuẩn mực mà Việt Nam cần phải có trong tương lai để nâng cao tầm vóc của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
FDI: Sao phải giữ bằng mọi giá?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO