Đừng quá "nuông chiều" doanh nghiệp nhà nước!

PHAN SÔNG THU| 07/10/2015 01:36

Chính vì được nuông chiều quá mức nên nhiều tập đoàn lớn có mặt trong danh sách "con nợ" của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng.

Đừng quá

Bài học về vụ án của cựu Chủ tịch HĐTV Vinalines Dương Chí Dũng dù sự việc xảy ra từ nhiều năm trước, nhưng món nợ khổng lồ Vinalines đến nay vẫn nóng hổi bởi hậu quả mà Vinalines để lại cho nền kinh tế đất nước là quá nặng nề.

Đọc E-paper

Mới đây, khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá, ba tập đoàn lớn của Việt Nam là Tập đoàn Điện lực, Công nghiệp Than - Khoáng sản, Dầu khí lập tức đồng loạt kêu lỗ hàng ngàn tỷ đồng do tỷ giá tăng và EVN đề nghị... tính khoản lỗ vào giá điện bán cho người tiêu dùng.

Theo một kết quả nghiên cứu mới nhất vừa được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố, tiến trình cổ phần hóa chậm trễ do đã "hết nạc", bắt đầu đụng đến những "khúc xương" là những doanh nghiệp (DN) lớn với nhiều khoản nợ thiếu rõ ràng, quản trị DN kém minh bạch...

Sở dĩ những năm qua, cổ phần hóa diễn ra nhanh vì đa phần là các DN nhỏ, tỷ lệ cổ phần nhà nước bán ra bên ngoài rất thấp. Nói cách khác, cổ phần hóa mới thành công về chiều rộng, chứ chưa đạt yêu cầu về chiều sâu. Sau cổ phần hóa, nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vẫn chưa thể chủ động thúc đẩy tái cấu trúc công ty để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cũng chính vì được "nuông chiều" quá mức nên nhiều tập đoàn lớn có mặt trong danh sách "con nợ" của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng. Một chuyên gia kinh tế ví von "các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như những đứa con được nuông chiều quá mức, luôn mang tính ỷ lại nên rất dễ hư!".

Cũng theo chuyên gia này, việc cấp tín dụng với khối lượng lớn cho nhóm DN này cho thấy ngân hàng kỳ vọng vào sự an toàn, hay nói thẳng ra là muốn Nhà nước bảo trợ trách nhiệm trả nợ đối với các khoản nợ khi DNNN gặp khó khăn hoặc rơi vào tình trạng có thể giải thể hoặc phá sản.

Một trong những ràng buộc rõ nhất ở Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là đề cập trực tiếp đến mua sắm chính phủ, DNNN. Vấn đề hội nhập trong TPP hay FTA là cơ hội mở cửa rất lớn cho chương trình tái cấu trúc kinh tế và DNNN. Tuy nhiên, sự sẵn sàng của DNNN tham gia quá trình này còn "quá thận trọng, chưa chịu mở cửa".

Ông John Ditty - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG nhận định, DNNN tại Việt Nam có hai loại. Một dạng quan tâm đến hiệu quả và mong muốn được đổi mới. Dạng còn lại là DN muốn giữ thế độc quyền. Vì vậy, thách thức hiện nay là phải đổi mới những DN độc quyền, bởi nếu không có áp lực của Chính phủ thì việc đổi mới những DN mang tính độc quyền là khó xảy ra.

Đừng quá nuông chiều DNNN nữa! Hãy chấm dứt ngay việc miễn, giảm, hoãn nộp thuế đối với DNNN hoặc giảm nợ, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển giao nợ cho các tổ chức khác. Chính phủ không nên đứng ra nhận nợ và trả nợ thay cho DNNN vì thực chất tiền trả nợ cũng lấy từ túi của người dân thông qua thu thuế mà ra.

Để trả lại công bằng trong đối xử với các thành phần kinh tế, phải xóa bỏ đặc quyền của DNNN trong việc tiếp cận nguồn vốn, xóa bỏ chức năng quản lý nhà nước của một số DNNN đối với tài nguyên thiên nhiên cũng như đặc quyền phân bổ, sử dụng tài nguyên có liên quan.

Việc thay đổi vai trò của kinh tế nhà nước là chưa thể, nhưng thay đổi vai trò của DNNN thì có thể. Đó là một bước tiến trong quá trình cải cách thể chế, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng.

>TP.Hồ Chí Minh: Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN

>Cổ phần hóa DNNN: Sẽ có biện pháp mạnh để về đích

>Khoảng cách còn lại trong cổ phần hóa

>DNNN: Cần đưa vào quỹ đạo bình đẳng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đừng quá "nuông chiều" doanh nghiệp nhà nước!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO