Đưa lãi suất về 9%: NHNN mới chỉ giải 1/2 bài toán

HẢI VÂN thực hiện| 21/06/2012 05:53

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nói: “Đưa lãi suất huy động về 9% chỉ là phép thử cho mục tiêu lớn nhất của nền kinh tế: Đầu ra cho sản phẩm”.

Đưa lãi suất về 9%: NHNN mới chỉ giải 1/2 bài toán

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nói: “Đưa lãi suất huy động về 9% chỉ là phép thử cho mục tiêu lớn nhất của nền kinh tế: Đầu ra cho sản phẩm”.

Đọc E-paper

* Ông nhận định thế nào về lần giảm lãi suất này của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)?

- Tốt, đây là sự chủ động tích cực từ phía NHNN. Tuyên bố mỗi quý giảm 1% lãi suất, nhưng NHNN đã không câu nệ, 4 lần kéo lãi suất xuống trong 3 tháng, dù về mặt tiêu cực bị đánh giá là “nói trước, quên sau”.

Con số 9% là phù hợp với tình hình hiện nay, khi lạm phát cuối kỳ là 8,34% và bình quân kỳ là 13,3%. Nhưng hạ lãi suất, NHNN mới chỉ giải được một nửa bài toán dựa trên biến số và kỳ vọng lạm phát, nửa còn lại là vấn đề tiếp cận, từ nay đến cuối năm NHNN phải xử lý.

* Vậy, điều gì đang diễn ra trên thị trường ?

- Các NH kẻ bảng lãi suất huy động: Lãi suất dưới 1 tháng là 2%, lãi suất 1 năm là 9%, chứng tỏ đường cong lãi suất chưa hình thành. Trần lãi suất đang gặp phản ứng của thị trường. Cả NH và người gửi tiền đều chần chừ: Lãi suất bao nhiêu là đủ đối với thời hạn trên 1 năm?

Việc các NH phản ứng như vậy cũng là bình thường, bởi không dự báo được biến động của lạm phát. Chính sách đưa ra đã lường trước được phản ứng thị trường nhưng bước tiếp theo NHNN cần điều chỉnh, để tạo được đường cong lãi suất.

* DN có thể “sống” với mức lãi suất hiện nay ?

- Sản xuất, kinh doanh đình trệ, không tiêu thụ được sản phẩm, khả năng thanh toán sụt giảm, trong đó có yếu tố do lãi suất cao. Tính đến 31/5/2012, có trên 21.000 DN làm thủ tục giải thể, ngừng hoạt động. Cái quan tâm hiện nay là “cứu” những DN có hàng hóa tốt không tiêu thụ được, ‘chết’bởi lãi suất cao.
Tuy nhiên, không phải cứ ban hành một chính sách cứu trợ là có thể loại trừ hoàn toàn việc đi chệch mục tiêu. Hiện nay, quan trọng nhất là cơ chế phải đi đúng mục tiêu, phải tìm đúng đối tượng được cứu trợ, nếu không sẽ bị lạm dụng, tránh lặp lại câu chuyện gói hỗ trợ 4% lãi suất năm 2009.

* Lạm phát có xu hướng giảm, theo ông, NHNN có tiếp tục hạ lãi suất ?

- Lãi suất xuống 9% mà tiền gửi vẫn vào, NH thừa tiền và không cho vay được, vẫn có thể kéo lãi suất huy động xuống để DN có thể tiếp cận. Nhưng kéo lãi suất xuống mức nào hoàn toàn do kỹ thuật điều hành tiền tệ và thăm dò thị trường chứ không ai dám “phán” tiền gửi sẽ tăng hay giảm.

Lạm phát đang xu thế đi xuống, thậm chí chuyện âm một vài tháng có thể xảy ra, nhưng nếu điều hành chính sách nhằm tiêu thụ sản phẩm không khéo, lạm phát có thể lại dâng lên. Đấy là cái khó nhất trong năm 2012.

Tuy nhiên, lãi suất không nằm trong câu chuyện phục hồi nền kinh tế. Về nguyên tắc, chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, nhưng ở Việt Nam còn có 2 mục tiêu: phát triển kinh tế và ổn định sức mua của đồng tiền (tỷ giá), nên các mục tiêu này thường mâu thuẫn với nhau. Tương quan với đó là vấn đề ngoại tệ, “đô la hóa” lớn, nên việc điều tiết lung tung, muốn phát triển kinh tế thì dìm lãi suất xuống, chống lạm phát thì tăng lãi suất lên; muốn tỷ giá đồng tiền Việt Nam “ngon” thì dâng lãi suất lên và giảm lãi suất để phá giá đồng tiền.

* Như ông nói, NHNN mới giải được nửa bài toán lãi suất, vậy cách nào giải nửa còn lại ?

- Nửa bài toán về tiếp cận tín dụng, thực ra, một mình NHNN không xử lý được. Thứ nhất, các DN có điều kiện vay thì họ không vay, bởi không biết vay vốn để làm gì, còn những DN muốn vay, bất chấp lãi suất thì lại không đủ điều kiện để vay. Thứ hai, bản thân hệ thống NH cũng “cóng” khi nợ xấu gia tăng.

Những DN đủ điều kiện tiếp cận vốn lại liên quan nhiều đến đầu ra, mà đầu ra thì ngân hàng chịu. Đấy là cái khó, khó ở cả phía người đi vay và phía ngân hàng. Đưa lãi suất về 9%, NHNN đã xử lý một phần của nửa bài toán tiếp cận vốn, còn lại là nhiệm vụ của cả nền kinh tế.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đưa lãi suất về 9%: NHNN mới chỉ giải 1/2 bài toán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO