Đưa giáo dục Việt Nam trở lại quỹ đạo chung

TRẦN ĐỨC CẢNH/DNSGCT| 30/12/2013 09:05

Một sự kiện lớn của ngành giáo dục Việt Nam năm 2013 là trong tháng 10, Đề án đổi mới căn bản & toàn diện Giáo dục và Đào tạo đã được Hội nghị Trung ương lần thứ 8 thông qua.

Đưa giáo dục Việt Nam trở lại quỹ đạo chung

Một sự kiện lớn của ngành giáo dục Việt Nam năm 2013 là trong tháng 10, Đề án đổi mới căn bản & toàn diện Giáo dục và Đào tạo đã được Hội nghị Trung ương lần thứ 8 thông qua.

Đọc E-paper

Theo lời GS Hoàng Tụy thì đề án lần này chẳng qua là đưa giáo dục Việt Nam trở lại quỹ đạo chung của thế giới. Được thông qua, đề án đã có sự thuận lợi lớn ban đầu, còn việc đi vào thực hiện như thế nào mới là quan trọng nhất.

Sinh viên Trường Yersin, một đại học ngoài công lập ở Đà Lạt đang chuẩn bị hội trại

Việc đào tạo lại đội ngũ nhà giáo phải toàn diện

Vấn đề nhân sự của ngành giáo dục hiện nay mang tính cấu trúc, phần lớn đội ngũ nhà giáo được đào tạo theo một khuôn mẫu nhất định trong một quá trình dài, sự linh động và tính sáng tạo trong giảng dạy đã bị mất đi nhiều, đặc biệt là ngành khoa Xã hội và Nhân văn. T

ính thụ động của người dạy và người học đã trở thành cái nếp qua nhiều thế hệ nên sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể thay đổi được. Mỗi khi có sự thay đổi, đặc biệt là với quy mô lớn như Đề án đổi mới căn bản & toàn diện Giáo dục và Đào tạo thì việc đào tạo lại đội ngũ nhà giáo hiện nay là chuyện đương nhiên.

Đây là một quá trình đào tạo, tái đào tạo liên tục và lâu dài theo kế hoạch đổi mới. Những người thực hiện kế hoạch này phải thật linh động và kiên trì vì đây là khâu khó khăn nhất.

Dù phần lớn các nhà giáo đều bức xúc về thực trạng giáo dục nhưng những người thực hiện đề án cũng cần lường trước “sức ì” của hệ thống và khả năng lợi ích nhóm. Thêm vào đó, chất lượng đầu vào của ngành sư phạm, điều kiện, việc chuyển đổi tư duy giáo dục, chương trình và môi trường đào tạo các nhà giáo tương lai cũng cần đánh giá lại và thay đổi cho phù hợp với tinh thần của đề án.

Chất lượng đầu vào là: Học lực, năng khiếu cho ngành sư phạm và động cơ nghề nghiệp phải đủ hấp dẫn thì mới thu hút được tài năng vào ngành giáo dục.

Bên cạnh việc đào tạo lại đội ngũ nhà giáo, mô hình đào tạo ngành sư phạm nên chỉ tập trung vào các vấn đề giáo dục từ bậc mẫu giáo đến trung học phổ thông. Đổi mới giáo dục đại học nên chia thành một đề án riêng, vì vấn đề của giáo dục đại học nặng phần cấu trúc hơn là tính sư phạm.

Ngoài ra, cần phải đầu tư thêm phần cứng và thay đổi phần mềm (tư duy giáo dục) trong quá trình chuyển đổi. Mặt khác, giáo viên tiểu và trung học không nhất thiết phải được đào tạo thuần túy qua ngành sư phạm.

Họ có thể học khóa đào tạo sư phạm để lấy chứng chỉ hành nghề. Một số tiêu chí quan trọng trong đào tạo và tuyển chọn giáo viên tương lai là khả năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển tải thông tin, tài liệu giảng dạy, sử dụng các học cụ vào việc giảng dạy.

Cần giảm mạnh số sinh viên cao đẳng – đại học công

Nằm trong top 25% các quốc gia đầu tư lớn cho giáo dục nhưng chất lượng giáo dục đào tạo tại Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực chứ chưa nói đến thế giới. Một phần của vấn đề nằm ở sự đánh đồng, chia đều ngân sách giáo dục và chi tiêu không đúng tinh thần, mục tiêu gây lãng phí. Đã đến lúc chúng ta phải đặt ưu tiên ngân sách cho mục tiêu và mạnh dạn loại bỏ những chương trình, dự án không cần thiết.

Với các trường công, hằng năm, Nhà nước vẫn phải chi ngân sách để phục vụ mục đích công. Vấn đề là chi bao nhiêu và chi như thế nào để các trường có điều kiện phát triển. Các trường ngoài công lập (tùy theo mô hình) nên được hưởng một sốưu đãi như: Được cấp đất miễn phí, không trả thuế thu nhập, được tham gia một cách bình đẳng vào các chương trình và hợp đồng với chính quyền một số đề án như các trường công.

Nếu xây dựng được mục tiêu rõ ràng và động cơ hướng tới thì việc giảm số sinh viên cao đẳng, đại học ở các trường công từ 87% xuống còn 50%, hay thấp hơn nữa trong thời gian 20-30 năm, sẽ giúp tăng chất lượng đào tạo (hiện nay 75% trường đại học/cao đẳng của Nhật Bản và 86% của Hàn Quốc là trường ngoài công lập).

Mặt khác, nguồn vốn vay dành cho sinh viên hiện ở mức 9.000 tỉ đồng/năm cần được tăng thêm. Điều này sẽ gián tiếp góp phần giúp các trường tăng nguồn thu và tăng chất lượng lâu dài. Cơ chế thị trường sẽ dần đào thải các trường tư kém chất lượng.

Một số đề nghị cụ thể trong đổi mới giáo dục

Thứ nhất, ngành nên xem xét và chấn chỉnh lại hệ thống và chương trình giáo dục từ mẫu giáo đến lớp 12. Hiện nay chúng ta quan tâm nhiều về đổi mới giáo dục đại học, cao đẳng, nhưng giáo dục ở bậc tiểu học, trung học là cơ bản.

Nếu tập trung đổi mới giáo dục bậc đại học thì khác nào chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Cần thiết kế tốt một hệ thống giáo dục từ thấp đến cao, bắt đầu từ giáo dục một công dân có ý thức và trách nhiệm xã hội, có phẩm chất đạo đức, thể lực và coi trọng việc học cách học thay vì chỉ cắm cúi học kiến thức.

Thứ hai, là nên tổ chức lại bậc trung học phổ thông. Học sinh từ lớp 10 có thể phân làm hai nhánh là phổ thông và kỹ thuật. Với hệ kỹ thuật, sau ba năm học văn hóa và kỹ thuật (sửa máy vi tính, kế toán, xe hơi, điện, nấu ăn, trồng trọt…), học sinh có tay nghề tương đối vững và có thể đi làm ngay. Ai muốn thì vẫn có thể tiếp tục học lên cao đẳng, hay đại học.

Như vậy, trung học kỹ thuật đã giải quyết nhu cầu đào tạo căn bản cho những ngành nghề cơ bản mà xã hội đang cần. Với hệ trung học phổ thông, chương trình nên tập trung nhiều hơn về văn hóa để hướng vào đại học, cao đẳng. Nên đa dạng hóa môn học và cho phép học sinh tự chọn để hướng tới sở thích, năng khiếu nhằm phát triển tiềm năng lâu dài.

Quan trọng là không có sự phân biệt giữa hai nhánh, các học sinh chọn nhánh trung học kỹ thuật là do điều kiện, sở thích và năng khiếu… chứ không nhất thiết là trình độ học lực kém hơn. Một số học sinh tốt nghiệp hay không tốt nghiệp trung học phổ thông có thể vào các trường đào tạo nghề ngắn và dài hạn (ba tháng đến hai năm).

Có ý kiến cho rằng nhánh trung học kỹ thuật (nghề) hiện nay không thu hút được học viên, phần lớn do bế tắc đầu ra. Điều đó có thể đúng trong giai đoạn hiện nay, nhưng lâu dài, đây phải là khâu đột phá quan trọng, nếu không thì nền kinh tế không thể nào thoát ra cảnh “lắm thầy, ít thợ” như bây giờ.

Thứ ba, việc tuyển sinh đại học, cao đẳng nên sớm theo mô hình xét tuyển thay vì thi tuyển. Các trường đại học, cao đẳng được phép lập phương án tuyển sinh riêng cho mình, điều kiện tối thiểu là phải tốt nghiệp trung học. Tiêu chí tuyển sinh của mỗi trường phải được công bố rõ ràng, có cơ sở để đánh giá các tiêu chí tuyển sinh của từng trường hằng năm một cách trung thực và khách quan, để xã hội đánh giá.

Hiện nay Bộ GD-ĐT đang lên kế hoạch chuyển đổi từ việc thi tuyển vào đại học/cao đẳng sang các trường tự lập kế hoạch tuyển sinh. Các trường đại học, cao đẳng có thể dùng hạng/thang điểm của kỳ thi tốt nghiệp trung học cho việc xét tuyển.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng nên cho phép tổ chức kỳ thi khảo sát tổng quát và chuyên ngành đại học nhiều lần trong năm như các nước tiên tiến. Ví dụ, tổ chức năm lần thi (từ tháng 1 đến tháng 5) mỗi năm tại các trung tâm thi đã chỉ định, bài thi bằng giấy hay bằng vi tính.

Bài thi chỉ tập trung vào trình độ cơ bản bậc trung học đến hết học kỳ đầu của lớp 12. Thời gian thi khảo sát tổng quát chỉ cần 3-4 giờ, bao gồm ba phần chính: Toán và phân tích, Đọc và Viết. Thi chuyên môn thì thí sinh có thể chọn hai môn, như Toán, Lý, Sử, Văn… thời gian thi mỗi môn là một giờ.

Có thể một bài thi theo khối và một môn liên quan đến ngành học. Ngày thi nên tổ chức vào cuối tuần để tránh ảnh hưởng đến việc học. Học sinh được phép thi lần hai nếu cảm thấy điểm thi lần trước không tương xứng. Lối tổ chức thi này rất phổ biến trên thế giới và có cách kiểm soát tiêu cực ở các trung tâm thi. Với khả năng kỹ thuật hiện nay, việc thi trên vi tính hoàn toàn có thể làm được. Các trường đại học có thể dùng điểm thi này là một phần của việc tuyển sinh.

Thứ tư, ngành giáo dục cần thiết kế hệ thống liên thông toàn bộ giữa các đại học, cao đẳng và cao đẳng với đại học. Hiện nay chúng ta còn đang lúng túng ở khâu này, sinh viên được phép chuyển trường, còn nhận hay không là do tiêu chí yêu cầu mỗi trường.

Cuối cùng, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực qua giáo dục và đào tạo phải gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội theo nghĩa rộng. Một khi mục tiêu và hướng phát triển kinh tế – xã hội còn mang tính chủ quan và thiếu cơ sở phân tích thì việc thiết kế nguồn nhân lực còn nhiều bất cập. Giải quyết đầu ra cho nguồn nhân lực một cách hiệu quả là tự nó sẽ khai thông các phần còn lại, nếu không thì nền giáo dục chỉ mãi loay hoay trong vòng xoay đổi mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đưa giáo dục Việt Nam trở lại quỹ đạo chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO