Du lịch Việt Nam: Giàu tiềm năng, nghèo kinh phí

NGUYÊN BẢO| 14/07/2016 06:19

Năm qua, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines đã chi khá lớn cho quảng bá du lịch, lần lượt là 130 triệu USD, 100 triệu USD, 86 triệu USD và 53 triệu USD, trong khi Việt Nam chỉ chi 1,5 triệu USD.

Du lịch Việt Nam: Giàu tiềm năng, nghèo kinh phí

Dù đến tháng 3 vừa rồi bộ phim "bom tấn" Kong: Skull Island (King Kong 2) mới bắt đầu bấm máy ở Việt Nam nhưng từ tháng 10 năm ngoái, khi đoàn làm phim khởi quay ở Hawaii (Mỹ), giới truyền thông đã có tin bài dự đoán tỉnh nào ở Việt Nam sẽ là nơi được chọn để quay một số phân đoạn. Sau đó đạo diễn Jordan Vogt-Robert đã chọn 5 danh thắng: Trường An, đầm Vân Long, Tam Cốc (Ninh Bình), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Phong Nha (Quảng Bình) làm bối cảnh cho Kong: Skull Island.

Đọc E-paper

Theo ông Kenneth Atkinson - Giám đốc Điều hành Grant Thorton Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, sự hỗ trợ của ngành công nghiệp điện ảnh trong việc thúc đẩy ngành du lịch là rất lớn, đặc biệt là quảng bá các điểm đến với du khách nước ngoài.

Điều đó đã được minh chứng qua sự thành công của bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn đã tác động tích cực đến việc thu hút khách du lịch đến New Zealand - đảo quốc nằm ở tây nam Thái Bình Dương.

Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Á, từ những năm 1970, đảo Khao Phing Kan của Thái Lan (ngoài khơi Phukhet) đã trở nên nổi tiếng trên thế giới bởi sự xuất hiện của chàng điệp viên tài hoa James Bond, khi đoàn làm phim chọn nơi đây quay tập phim Người đàn ông có khẩu súng bằng vàng (The man with golden gun). Cũng từ đó, hòn đảo Khao Phing Kan đã mang một cái tên mới: đảo James Bond.

Kenneth Atkinson cũng cho rằng, việc phát triển ngành du lịch của một quốc gia còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng vẫn là chính sách của Chính phủ tạo điều kiện cho du lịch phát triển đến đâu.

Tại buổi sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hồi cuối tuần rồi, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhìn nhận, 6 tháng qua, bên cạnh "gam màu sáng" là lượng khách nước ngoài đến Việt Nam đã tăng 21,3% so với cùng kỳ 2015, đạt hơn 4,7 triệu lượt (6 tháng đầu năm 2015 đạt 3,8 triệu lượt) và có sự gia tăng về cơ sở vật chất phục vụ cho ngành du lịch, song cũng đã có vài vụ tai nạn xảy ra, chủ yếu là tai nạn giao thông đã tác động không nhỏ đến tâm lý của du khách. Thêm vào đó là cá chết ở biển một số tỉnh miền Trung do Formosa gây ra đã góp phần vào "gam màu tối" của ngành du lịch.

Không ai phủ nhận, nếu so với các quốc gia trong khu vực ASEAN, du lịch Việt Nam chẳng kém cạnh về mặt tiềm năng (danh thắng, di tích, lịch sử...) nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành khá chậm.

Báo cáo Khảo sát ngành dịch vụ khách sạn 2016 của Grant Thornton Việt Nam cho thấy, năm ngoái, tốc độ tăng trưởng của du khách đến Việt Nam thấp hơn các nước cùng khu vực, cụ thể là tăng 0,9% (mục tiêu tăng trưởng đặt ra là 7,6%/năm), xấp xỉ Singapore và chỉ cao hơn Malaysia.

>>Đổi mới ngành du lịch từ những việc nhỏ

Nếu xét về lượng khách nước ngoài, Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với Singapore, chỉ đạt 7,9 triệu lượt. Singapore nằm trong ba quốc gia đón lượng khách nước ngoài lớn nhất khu vực năm 2015, chỉ xếp sau Thái Lan (29,9 triệu lượt) và Malaysia (25,7 triệu lượt).

Song, đáng chú ý nhất trong năm vừa qua lại là Philippines khi lần đầu tiên ngành du lịch nước này cán mức 5 triệu lượt khách nước ngoài. Sự tiến bộ này là do mức độ nhận biết thương hiệu du lịch Philippines tăng đáng kể nhờ vào quảng bá quy mô lớn.

Năm qua, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines đã chi khá lớn cho quảng bá du lịch, lần lượt là 130 triệu USD, 100 triệu USD, 86 triệu USD và 53 triệu USD, trong khi Việt Nam chỉ chi 1,5 triệu USD. "Con số này rõ ràng không đủ để cạnh tranh với các nước láng giềng", ông Kenneth Atkinson nhấn mạnh.

Ông Puripan Bunnag, Giám đốc Bộ phận MICE nội địa Cục Triển lãm và Hội nghị Thái Lan (TCEB) chia sẻ, kinh phí chi cho quảng bá du lịch được chia thành nhiều gói, trong đó có gói để phát triển các điểm du lịch và làm tiếp thị, quảng bá thị trường. "Năm 2016 chưa có con số cụ thể nhưng chúng tôi đang xem xét cho năm 2017 là 300 triệu USD.

Số tiền này một phần được chi nâng cấp cơ sở hạ tầng, như mở rộng, kết nối đường sá. Đường bộ ở Thái Lan hiện khá hoàn thiện, khách từ Myanmar, Campuchia có thể di chuyển dễ dàng sang Thái Lan. Chúng tôi cũng phát triển đường hàng không, chẳng hạn, vừa qua có các đường bay đến những thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng", ông Puripan Bunnag nói.

Với thực tế trên, để hoàn thành mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời có khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực, ngành du lịch phải có hành động cụ thể.

Theo Kenneth Atkinson, các nhóm tư vấn đã ủng hộ và kiến nghị việc tăng thêm kinh phí dành cho xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam, nhưng đến nay điều này vẫn chưa được bộ chủ quản quyết định, dù đã thảo luận rất nhiều lần.

>>Quảng bá du lịch: Một ngàn hay một tỷ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch Việt Nam: Giàu tiềm năng, nghèo kinh phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO