Dòng tiền đang chuyển hướng về đâu?

HẠ XUYÊN| 22/06/2012 01:25

Trong một động thái mới nhất, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chỉ đạo có thể tiến hành kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động đối với những tổ chức tín dụng vi phạm quy định về trần lãi suất 9%. Thêm một lần nữa, ngoài vàng, cả tiền tiết kiệm lại có nguy cơ phải “ra đường”.

Dòng tiền đang chuyển hướng về đâu?

Trong một động thái mới nhất, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chỉ đạo có thể tiến hành kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động đối với những tổ chức tín dụng vi phạm quy định về trần lãi suất 9%. Thêm một lần nữa, ngoài vàng, cả tiền tiết kiệm lại có nguy cơ phải “ra đường”.

Ẩn ý của huy động vàng

Vàng đã không còn là một phương tiện kinh doanh mang lại nhiều lời lãi trong con mắt giới chủ ngân hàng

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà Ngân hàng ACB đã đi tiên phong trong việc giảm mạnh lãi suất huy động vàng. Vào tháng 6/2012, mức lãi suất mà ACB đưa ra đã chỉ còn khoảng 2%, thay cho mức cũ 4 - 4,5% trước đó không bao lâu.

Một loạt ngân hàng khác cũng theo chân ACB như Sacombank, Nam Á, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Điều đáng ngạc nhiên là hành động này lại xảy ra rất sớm so với thời điểm tháng 11/2012 khi các ngân hàng phải chấm dứt huy động vàng - theo một quy định “ân hạn” gần đây của Ngân hàng Nhà nước.

Động thái biến chuyển lãi suất huy động vàng có thể mở ra những gợi ý nào đối với các thị trường? Một chi tiết đáng lưu ý là chỉ mới vào hai tháng 4 và 5/2012, cũng chính các ngân hàng trên đã “tạo sóng” cho một thị trường vàng quá buồn ngủ, nhưng không phải là sóng tăng giá mà là sóng tăng lãi suất huy động.

Còn giờ đây, có vẻ như các ngân hàng đang “quay lưng” với vàng. Hiện tượng này cũng có nét gì đó khá tương đồng với thái độ chẳng mấy mặn mà trong hoạt động nhập vốn khách hàng của nhiều ngân hàng, sau quyết định kéo giảm trần lãi suất huy động về 9% vào tuần đầu tiên của tháng 6/2012.

Cần nhắc lại, khác hẳn với không khí săn đón khách hàng vào những lần hạ lãi suất trong hai tháng 3 và 4 năm nay, đợt giảm lãi suất gần nhất thậm chí còn chứng kiến sự thờ ơ của một số ngân hàng khi số này đóng cửa vào sáng thứ Bảy.

Cũng vào những ngày này, khoảng chênh biệt giữa giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế, tuy còn vượt rất xa so với “trên 400.000 đồng là có dấu hiệu đầu cơ” - như nhận định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vào cuối tháng 8/2011, nhưng cũng không đến nỗi quá chênh lệch khi khoảng cách đó vào khoảng 1,3 - 1,7 triệu đồng/lượng.

Cùng lúc, tình hình giao dịch tại các cửa hàng vàng vẫn triền miên bầu không khí im ắng. Có thể nói, nếu vào cuối năm 2011 thị trường này đã có tín hiệu báo động về thanh khoản sụt giảm, thì đến nay mọi việc đang trở nên sáng tỏ như ban ngày. Với chính sách “siết vàng” của các cơ quan điều hành thị trường, một viễn cảnh về thị trường “OTC vàng”, tức giao dịch vàng có thể bị suy kiệt, là hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai không xa nữa.

Cho đến lúc này, cũng đã khá rõ là vàng không còn là một phương tiện kinh doanh hoạt náo và mang lại nhiều lời lãi trong con mắt giới chủ ngân hàng. Kênh vàng đã “chết”, kể cả đối với những người tích trữ nhưng đã không còn kiên tâm xem vàng như một loại tài sản không thể thay thế.

Ngược lại là đằng khác, khi một số người giữ vàng có cảm giác thứ kim loại quý hiếm này đang bị các ngân hàng tìm cách “tống” ra ngoài. Mà nếu điều đó thực sự xảy ra, giá vàng sẽ chịu sức ép càng nặng nề hơn.

Không hoàn toàn khẳng định được nơi nương tựa của mình, giá vàng sẽ trồi sụt theo từng quyết định bán vàng gửi tiết kiệm hoặc bán vàng để kinh doanh của các nhà đầu tư.

Tiết kiệm bị “ép”!

Thị trường tín dụng đang có những biến động phức tạp và không ít ẩn ý

Sự thể cũng đang khác hẳn so với nửa năm trước đây. Gửi tiết kiệm - một loại hình vẫn được coi là khả dĩ nhất trong năm suy thoái 2011, lại đang bị không ít ngân hàng bày tỏ tinh thần chẳng quá nhiệt tình như đã từng trong quá khứ.

Cũng bởi thế, cả vàng lẫn tiền tiết kiệm đều có nguy cơ ngắn hạn phải “ra đường”.

Nguy cơ đó sẽ càng trở nên lớn hơn gấp bội nếu quả thực trong nửa cuối năm nay, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính sẽ bơm ra nền kinh tế đều đặn từ 21.000 đến 25.000 tỷ đồng cho mỗi tháng. Cung tiền tất yếu sẽ càng thúc đẩy giảm lãi suất huy động và do đó sẽ càng “ép” tiền tiết kiệm ra ngoài, chưa kể đến việc vàng sẽ trở nên “rẻ” hẳn đi trong mắt người tiêu dùng, và đặc biệt trong nhận thức của giới đầu cơ chuyên đánh lên đánh xuống.

Rõ là thị trường tín dụng cũng đang có những biến động phức tạp và không ít ẩn ý.

Khác với cơ chế áp trần lãi suất cho vay ban hành vào đầu tháng 5/2012, một tháng sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu “lộ trình” dần gỡ bỏ trần lãi suất huy động khi không tiến hành áp trần cho loại lãi suất này ở các kỳ hạn tiền gửi từ 12 tháng trở lên.

Kết quả của nét mới cơ chế này là ngay trong tuần đầu tiên áp dụng trần lãi suất huy động 9%, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã biến thiên theo hai chiều xuống và lên khá trái ngược. Cũng sau khi được hình thành như một “đường thẳng” tại nhiều kỳ hạn, sự phân hóa đang dần diễn ra với kỳ hạn dài có lãi suất huy động cao hơn khá nhiều so với kỳ gửi ngắn hạn. Tại Ngân hàng cổ phần Phương Tây, mức lãi suất huy động ở kỳ hạn trên 12 tháng đã trở nên “đương kim vô địch” với 14%, trước khi trở lại mức 12,5%.

Tuy thế, dường như khi ban hành “lệnh giới nghiêm” gần nhất về trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán đến khả năng cuộc đua huy động tiền tiết kiệm có thể một lần nữa bị xé rào.

Điều đáng nói ở đây là hiện tượng huy động lãi suất cao vẫn chỉ diễn ra tại một ít ngân hàng thương mại nhỏ, bao gồm cả số ngân hàng nằm trong danh sách cần được “tái cấu trúc”. Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng trong nhóm G14 vẫn khá ung dung với thực lực thanh khoản được xem là “dồi dào”.

Cũng bởi thế, trong thời gian tới sẽ khó xảy ra hiện tượng khách hàng tập trung gửi tiền ở những kỳ hạn trên 12 tháng. Theo “thông lệ” trước đây, đa số khách hàng, đặc biệt là khách có nhu cầu đầu tư và luôn có mối quan hệ giao dịch với các kênh đầu tư khác, chỉ gửi tiền tại ngân hàng với kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng.

Cùng với thông điệp “mặt bằng lãi suất sẽ giữ ổn định đến cuối năm 2012”, nhiều khả năng số khách hàng chiếm phần lớn lượng vốn gửi ngân hàng này sẽ vẫn tiếp tục duy trì tiền gửi ở các kỳ hạn ngắn, cho đến khi phát hiện ra những tín hiệu đầu tư khả quan hơn.

Dòng tiền tiết kiệm cũng vì thế sẽ khó có thế ổn định ở các kỳ hạn ngắn. Dòng tiền này, cộng với thế “nhấp nhổm” của dòng tiền từ thị trường vàng, sẽ làm nên một nguồn tài chính lớn mà có thể tuôn chảy vào các hoạt động sản xuất và kinh doanh, trong điều kiện nền kinh tế bắt đầu chuyển từ trạng thái trì trệ sang tăng trưởng.

Chuyển hướng?

Tín dụng cho bất động sản đang được nhiều ngân hàng chú ý

Vậy dòng tiền từ tiết kiệm và vàng có thể dịch chuyển đi đâu trong bối cảnh lãi suất huy động giảm mạnh và vẫn còn xu hướng có thể tiếp tục giảm, còn chính sách với thị trường vàng là “không khuyến khích”?

Trong mấy tháng qua, giới phân tích và đầu tư đã bàn tán khá nhiều về những “lối thoát” cho hai dòng tiền trên. Ngoài khu vực sản xuất, chỉ có hai kênh đầu tư được đặc biệt chú ý là chứng khoán và bất động sản. Trong đó, cái có thể được coi là “rẻ” nhất chính là thị trường cổ phiếu - với mặt bằng giá của nó hiện chỉ còn khoảng 10% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2007.

Nhưng cũng cần lưu ý một hiện tượng đặc biệt không kém là khác hẳn với thời gian đầu năm, trong mấy tháng qua đã xuất hiện hàng loạt ngân hàng mở ra gói tín dụng cho vay mua ở, sửa chữa và kinh doanh nhà. Nhưng BIDV, Vietcombank, Vietinbank, An Bình, ACB, Eximbank…, kể cả những ngân hàng nước ngoài như ANZ và HSBC, đã chỉ đề cập đến tín dụng bất động sản mà không nhắc gì đến câu chuyện margin cho thị trường cổ phiếu.

Cũng từ cuối tháng 5, đầu tháng 6/2012 đến nay, câu chuyện râm ran trong giới gửi tiền tiết kiệm ngân hàng chủ yếu vẫn xoay quanh chủ đề nhà đất giá rẻ. Đó cũng là lý do vì sao gần đây thị trường nhà chung cư đang trở nên sinh động hơn với những dự án có đơn giá bán 14 triệu đồng/m2 ở Hà Nội, còn tại TP.HCM là 9 triệu đồng/m2.

Sau nhiều tháng trời cố thủ trong ngân hàng và ở những dạng tích trữ khác, giờ đây dòng tiền đang có dấu hiệu chuyển hướng. Nhưng khác hẳn với thời gian cuối năm 2011, xu hướng dịch chuyển như thế lại chính là điều mà các ngân hàng cần đến.

Nếu như nửa cuối năm 2012 được xác thực bằng xu thế bơm tín dụng từ ngân hàng và từ ngân sách đầu tư công, không chỉ chứng khoán mà cả thị trường bất động sản sẽ có nhiều hy vọng được cải thiện về thanh khoản.

Bước sang nửa sau của tháng 6, không khí giao dịch tại quận 9 - TP.HCM dường như đang trở nên khởi sắc hơn. Nhưng điểm đáng chú ý nhất của sự khởi sắc này là một số dự án đất nền trung tâm của quận 9 như Gia Hòa, Nam Long… đang được gia cố về thanh khoản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dòng tiền đang chuyển hướng về đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO