Động lực từ cải cách thể chế và chống tham nhũng

HẢI ÂU| 13/01/2018 08:00

Năm 2017 được xem là mốc đánh dấu việc cải cách thể chế (CCTC) của Chính phủ. Cùng với đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc quyết liệt phòng chống tham nhũng đã khơi dậy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch.

Động lực từ cải cách thể chế và chống tham nhũng

* Tiến trình cải cách thủ tục hành chính (TTHC) năm 2017, đáng chú ý là việc Bộ Công Thương cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh không phù hợp, theo ông có tác động thế nào đến cộng đồng DN?

- Không chỉ Bộ Công Thương mà các bộ, ngành phải thực hiện chỉ đạo của Chính phủ cắt giảm từ 30 đến 50% điều kiện kinh doanh và TTHC không phù hợp. Chính phủ đã thông qua phương châm hoạt động năm 2018, tóm tắt trong 10 chữ: kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả.

Đối với cộng đồng DN, vấn đề cải cách, cụ thể là cải cách TTHC luôn quy về hai con số là làm sao giảm 30 đến 50% các điều kiện, thủ tục không phù hợp, gây cản trở sản xuất, kinh doanh. Nếu có thể giảm được theo con số này thì DN có thể giảm được ngần ấy chi phí (kể cả chi phí cơ hội), giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời có thể tận dụng tốt hơn các cơ hội kinh doanh.

[Caption]

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Từ khi có Chính phủ mới đến nay, những nỗ lực cải cách TTHC đã được gia tăng, đặc biệt với thông điệp Chính phủ kiến tạo phát triển tạo nên động lực mới cho DN lẫn năng lực cạnh tranh của Việt Nam, và nhờ vậy, Việt Nam đã tăng bậc trên bảng xếp hạng của các tổ chức uy tín như Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Năm 2017 có gần 127.000 DN thành lập, nếu tính bình quân mỗi DN có 10 lao động thì đã có hơn 1,2 triệu lao động có việc làm, là đóng góp lớn cho nền kinh tế và ngân sách nhà nước, mặt khác cũng thể hiện mức độ hài lòng của DN đối với các chính sách của Chính phủ. Nhưng bên cạnh quyết tâm cải cách mạnh mẽ TTHC từ người đứng đầu Chính phủ, vẫn có tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", xuống đến các bộ ngành, địa phương thì sức nóng cải cách có phần giảm, một bộ phận nhỏ không chuyển động theo yêu cầu.

* Cải cách TTHC vừa qua đã đáp ứng được mong đợi của DN chưa, thưa ông?

- Khó có thể nói hết mong đợi của cộng đồng DN. Nhưng hãy lấy mục tiêu mà Chính phủ đề ra về cải cách TTHC, khi DN kiến nghị thì Chính phủ đã đưa vào chương trình hành động, cắt giảm tối thiểu 30 đến 50% các điều kiện kinh doanh. Đó mới là bước đầu. Còn mục tiêu dài hạn là nước ta phải trở thành một trong ba nền kinh tế có năng lực cạnh tranh về thể chế hàng đầu ASEAN, đồng thời tiến tới những chuẩn mực về môi trường, thể chế theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Không chỉ thúc đẩy CCTC và Chính phủ kiến tạo phát triển, năm 2017 có điểm vô cùng đặc biệt, đó là việc quyết liệt chống tham những. Chính vì thế đã lấy lại niềm tin của DN, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Chống tham nhũng và CCTC là hai việc có mối quan hệ mật thiết. Khi mà thể chế công bằng, minh bạch, thuận lợi thì tham nhũng sẽ giảm. Ngược lại, chống tham nhũng góp phần thúc đẩy CCTC, giúp khu vực tư nhân có được niềm tin vào môi trường kinh doanh bình đẳng, không bị thao túng bởi các nhóm lợi ích và đó cũng là niềm tin cho kế hoạch kinh doanh dài hạn.

Song song với thúc đẩy CCTC và chống tham nhũng, Việt Nam đang thúc đẩy quá trình hội nhập, nỗ lực trong việc thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Năm qua, Việt Nam tổ chức thành công APEC 25, đây cũng là động lực mới cho sự phát triển, tạo thêm điều kiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều cơ hội rất lớn mở ra trong năm 2018, song điều quan trọng nhất là DN mong đợi Chính phủ thực hiện đầy đủ các chương trình hành động và các bộ trưởng, chính quyền cấp tỉnh phải thực hiện đúng cam kết về việc cắt giảm TTHC.

* Song song với quá trình cải cách TTHC, ông nhận thấy "sức khỏe" của DN ra sao?

- Các DN FDI tránh được ràng buộc về thể chế, lại sử dụng nguồn vốn giá rẻ, chi phí thấp nên vẫn phát triển, nhưng điểm yếu của DN FDI là chưa cắm rể được vào nền kinh tế Việt Nam, không liên kết được với DN vừa và nhỏ trong nước để tạo ra giá trị gia tăng. Còn khối DN nhà nước đang khó khăn, có nhiều lỗ hổng về quản trị. Hơn nữa, trong quá trình sắp xếp, DN nhà nước sẽ hoạt động chựng lại, việc cổ phần hóa cũng cần có thời gian.

Khu vực DN tư nhân có thể chia thành hai nhóm, nhóm dựa vào "quan hệ” thì sẽ bước vào giai đoạn khó khăn vì môi trường kinh doanh hướng đến minh bạch và đẩy nhanh công cuộc phòng chống tham nhũng. DN vừa và nhỏ cũng có hai khối, nếu dựa trên sự sáng tạo, đổi mới, làm ăn bài bản thì sẽ tiếp tục phát triển, còn hoạt động theo cách tận dụng cơ hội ngắn hạn thì phải tái cấu trúc.

Năm APEC 2017 nhấn mạnh vai trò của DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Chính loại hình DN này mới là nền tảng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Song, DN muốn trở thành động lực của nền kinh tế thì phải có chuẩn mực về quản trị, kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Động lực từ cải cách thể chế và chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO