Đón cách mạng công nghiệp lần thứ tư, DN Việt cần làm gì?

TS. LÊ ĐĂNG DOANH - Thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc| 14/09/2016 06:14

Hiện nay là thời của hệ thống sản xuất thực ảo, thiết bị kết nối điều khiển, tự động hóa một cách thông minh, có thể gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đón cách mạng công nghiệp lần thứ tư, DN Việt cần làm gì?

Cuộc cách mạng công nghiệp cơ khí chạy bằng hơi nước đầu tiên diễn ra vào năm 1784, rồi đến sản xuất hàng loạt thiết bị chạy bằng động cơ điện bắt đầu từ năm 1870 và cuộc cách mạng tự động hóa sản xuất ứng dụng công nghệ thông tin và điện tử xảy ra từ 1969. Hiện nay là thời của hệ thống sản xuất thực ảo, thiết bị kết nối điều khiển, tự động hóa một cách thông minh, có thể gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.  

Đọc E-paper

Đây là thời đại mà công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh và thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực đời sống - kinh tế - xã hội và thiết bị di động trở thành công cụ trung tâm; công nghệ mô phỏng sinh học (biomimicry), hóa học xanh (green chemistry), sinh thái học công nghiệp (industrial ecology), năng lượng tái sinh, công nghệ nano xanh (green nano technology) sẽ phát triển mạnh và thay đổi đời sống loài người.

Nhiều dự báo sản phẩm hoàn toàn mới lạ sẽ xuất hiện trong 10 năm tới. Chẳng hạn như 10% dân số mặc quần áo kết nối với internet, 90% dân số có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí, một nghìn tỷ cảm biến kết nối internet, dược sĩ robot, 10% mắt kính kết nối internet, 80% người dân hiện diện số trên internet, ô tô được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D, thay thế điều tra dân số bằng các nguồn dữ liệu lớn (big data), điện thoại di động cấy ghép vào người được thương mại hóa, 90% dân số sử dụng smartphone và kết nối internet thường xuyên, 10% xe chạy trên đường (ở Mỹ) là xe không người lái, cấy ghép gan làm bằng công nghệ in 3D, 30% việc kiểm toán ở công ty được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo.

Đơn cử, nếu như trước đây ở Việt Nam, để đầu tư cho một dây chuyền sản xuất hàng may mặc (đo, cắt, may, đơm khuy, vắt sổ...) mất 18 tháng, nhưng nếu áp dụng công nghệ 3D sẽ cho những bộ quần áo, đôi giày vừa khít cho từng người, phối màu thời trang cho từng người ngay tức thì; bác sĩ dựa vào những phim từ công nghệ in 3D có thể xác định chi tiết những mạch máu bị tổn thương, chẩn đoán tim mạch, ung thư, thu thập và kiểm soát dữ liệu big data để có những hướng điều trị chính xác và hiệu quả nhất; thu thập dữ liệu và phân tích big data để có những dự báo thời tiết chính xác.

Tại Tọa đàm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức ngày 10/9/2016, các DN đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện pháp chế, cải cách thủ tục hành chính thật minh bạch, thông thoáng và hỗ trợ kinh phí hay khuyến khích DN đầu tư vào nghiên cứu phát triển, nếu không rất có thể sẽ có nhiều doanh nhân Việt Nam thành lập DN tại Singapore, Thái Lan..., vì rất thuận lợi khi đã có Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Dự kiến, Nhật Bản sẽ đón các đoàn khách dự Olympic 2020 bằng xe không người lái sử dụng năng lượng sạch, năng lượng mặt trời.

Bên cạnh đó, thời gian tới, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, niềm tin của nhà đầu tư giảm sút, giá vàng tăng nhanh, rủi ro tài chính, khủng bố nhiều nơi trên thế giới ảnh hưởng mạnh đến du lịch, hàng không, giá dầu thô, đồng USD mạnh hơn.

Phán quyết của Tòa án PCA về đường 9 đoạn ở Biển Đông bất lợi cho Trung Quốc. Ngay lập tức, Trung Quốc sử dụng công cụ thương mại gây sức ép với Philippines và Việt Nam, như ngừng nhập heo, thủy sản, trái cây từ Việt Nam, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam giảm 20%, tấn công mạng vào 2 sân bay Việt Nam. Cộng đồng ASEAN đã đi vào hoạt động từ 31/12/2015, tuy nhiên 8 tháng đầu năm, lượng nhập siêu của Việt Nam từ các nước ASEAN và Trung Quốc là rất lớn.

Những diễn biến ấy chắc chắn ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Đa số DN Việt Nam đang sử dụng công nghệ của những năm 1980, trong đó 52% DN đang sử dụng thiết bị lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình, chỉ 10% là thiết bị hiện đại.

Ngành dệt may, da giày, khai khoáng vẫn tự bằng lòng với cách phát triển dựa vào nhân công giá rẻ và tài nguyên, hệ quả là kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị mang lại thì rất thấp.

DN kinh doanh chủ yếu dựa trên "quan hệ" với quan chức, khai thác chênh lệch giá đất, khai thác tài nguyên thiên nhiên, tìm kiếm ưu đãi và chưa có chiến lược dài hạn. Trong tổng số 346.777 DN đang hoạt động, chỉ có 220 DN khoa học - công nghệ (bằng 0,06% tổng số DN). Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của DN chỉ chưa đầy 0,3% doanh thu (tại Ấn Độ tỷ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%).

Do đó, DN Việt Nam cần khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm nông nghiệp phải đảm an toàn và có nhãn mác, xuất xứ. Bên cạnh đó, cần liên kết theo chuỗi giá trị với DN trong nước và nước ngoài.

Doanh nhân phải am hiểu xu hướng khoa học - công nghệ để vận dụng vào sản xuất - kinh doanh, không chỉ trông chờ vào Nhà nước với những chính sách bảo hộ. Hội nhập quốc tế đòi hỏi DN cạnh tranh ngay trên "sân nhà" với đối thủ mạnh. DN cần liên kết các trường, viện để tạo chuỗi giá trị để phát triển khoa học - công nghệ.

HỒNG VINH ghi

>Ứng dụng công nghệ vào dừa: Thị trường tỷ USD

>Tư vấn ứng dụng công nghệ trong quản lý doanh nghiệp

>Khi nông nghiệp "ngại" công nghệ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đón cách mạng công nghiệp lần thứ tư, DN Việt cần làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO