Đổi mới ngành du lịch từ những việc nhỏ

THIÊN TOÀN/DNSGCT| 31/05/2016 06:34

Hiện nay, dù lượng khách quốc tế đến nước ta vẫn tăng hằng năm, tuy nhiên, tỷ lệ tăng thấp và lượt du khách trở lại không cao đã cho thấy những rủi ro trong cách vận hành và quản lý.

Đổi mới ngành du lịch từ những việc nhỏ

Sau 30 năm hội nhập, du lịch Việt vẫn ì ạch theo sau Thái Lan, Singapore, thậm chí sắp bị Lào và Campuchia vượt mặt.

Đọc E-paper

Hiện nay, dù lượng khách quốc tế đến nước ta vẫn tăng hằng năm, tuy nhiên, tỷ lệ tăng thấp và lượt du khách trở lại không cao đã cho thấy những rủi ro trong cách vận hành và quản lý. Tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường cũng đặt những người làm du lịch vào bài toán làm thế nào để phát triển bền vững chứ không thể mãi dựa vào ưu đãi từ thiên nhiên. Đổi mới từ tư duy và chiến lược để phát triển ngành du lịch là điều tất yếu trong thời điểm hiện nay.

Vì sao lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng giảm?

Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2015 đạt gần 8 triệu lượt người, chỉ tăng gần 0,9% so với năm 2014. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Cụ thể, năm 2010 tăng 35%, 2011 tăng 19%, 2012 tăng 14%, 2013 tăng 11% và 2014 tăng 4%. Điều đáng nói là nhiều thị trường khách quốc tế quan trọng của du lịch Việt như khách Nga, Trung Quốc, Campuchia giảm mạnh. Chỉ có một số thị trường tăng tương đối khả quan như Hàn Quốc, Singapore, châu Phi.

Nói về con số khách du lịch giảm, nhiều người đổ lỗi cho nền kinh tế đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong khi du lịch Việt ảm đạm thì các nước ASEAN vẫn tăng trưởng tốt. Năm ngoái, Campuchia đạt 5 triệu lượt khách, tăng 11%; Lào gần 4,3 triệu, tăng 5%. Đặc biệt, Thái Lan dù trải qua vụ khủng bố gây chấn động nhưng vẫn tăng đến hơn 20% với khoảng 30 triệu lượt khách. Vậy đâu là lý do khiến khách nước ngoài vào Việt Nam gần như giậm chân tại chỗ?

Các quan chức ngành du lịch cho rằng do kinh tế khó khăn, giá dầu sụt giảm. Có người nói cản trở lớn nhất của ngành du lịch hiện nay là thủ tục visa quá khắt khe. Tuy nhiên, visa chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân cản trở khách nước ngoài vào Việt Nam.

Trên các diễn đàn du lịch quốc tế, dễ dàng tìm thấy những lời phàn nàn của du khách (bằng tiếng Anh) sau khi đã đến nước ta. Không chỉ du khách nước ngoài, nhiều du khách trong nước khi đi du lịch tại chính nước mình cũng giữ tâm thế cẩn trọng để không bị “chặt chém” hay bị cướp giật, móc túi.

Có 3 lý do chính khiến cả du khách nước ngoài và nội địa ngán ngẩm khi du lịch Việt Nam. Thứ nhất là an ninh xã hội chưa tốt, tiếp theo là vệ sinh môi trường và vệ sinh thực phẩm, thứ ba là giao thông hỗn loạn, kẹt xe, ách tắc, trạm thu phí dày đặc khiến du khách mất quá nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch nghèo nàn, dịch vụ được định giá tùy tiện, thái độ phục vụ du khách chưa chuyên nghiệp cũng là yếu tố quan trọng khiến du khách một đi không trở lại.

Cần phát triển du lịch theo xu hướng bền vững, lấy du khách làm trọng tâm

Không giống như các loại hình kinh tế khác, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, gồm giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, thương mại, đầu tư, môi trường, văn hóa… Vì thế, để có những sản phẩm du lịch khiến du khách hài lòng, chỉ nỗ lực của ngành du lịch là chưa đủ. Đây sẽ là một phản ứng dây chuyền từ tất cả những dịch vụ, con người mà du khách trải nghiệm, từ cô tiếp viên trên máy bay đến anh nhân viên an ninh làm thủ tục nhập cảnh, từ bác tài xế đưa đón du khách đến cô bán hàng rong trên đường, từ trung tâm hỗ trợ du khách đến anh công an khu vực, từ giá cả dịch vụ đến cung cách phục vụ…

Để phát triển tất cả các yếu tố, điều quan trọng phải bắt đầu từ nhận thức của lãnh đạo các ngành và cả những con người tham gia vào từng mắc xích của ngành du lịch, sau đó mới đến sự liên kết và phối hợp đồng bộ giữa các ngành và toàn xã hội.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), với những ảnh hưởng của du lịch trong việc cải thiện kinh tế địa phương và kết nối các ngành kinh tế, việc xây dựng du lịch theo hướng phát triển bền vững, tôn trọng tất cả đối tượng (dân địa phương và khách du lịch, di sản văn hóa và môi trường) là xu hướng tất yếu hiện nay.

Tại Việt Nam, mặc dù được nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ thực thi việc phát triển du lịch theo hướng bền vững, kết quả đạt được tại Việt Nam vẫn chưa mấy khả quan.

>>Hướng đi mới cho ngành du lịch sinh thái, miệt vườn

Từ năm 2011, Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ đã được triển khai tại Việt Nam. Đến nay, dự án này đã có rất nhiều hoạt động đào tạo, hỗ trợ tăng năng lực quản lý điểm đến cho 18 tỉnh tại khu vực Tây Bắc, duyên hải miền Trung, Bắc miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của dự án, trong các vùng được hỗ trợ thì chỉ có 3 tỉnh Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam tiến bộ nhanh chóng nhờ có các yếu tố về cơ sở hạ tầng, giao thông… cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ, quyết tâm thực hiện của lãnh đạo địa phương, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng. Trong khi đó, 15 tỉnh khác đã không có sự tiến bộ đáng kể.

Trong khi chờ các yếu tố vĩ mô thay đổi, theo ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt Tours, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành du lịch cũng có thể tạo sự thay đổi từ những dự án nhỏ. Hiện nay, mạng lưới homestay do nhóm CBT (Community Based Tourism – Du lịch phát triển cộng đồng), trong đó ông Nguyễn Văn Mỹ là một trong những người khởi xướng. 18 điểm hoạt động tại các vùng cao, vùng sâu của dân tộc thiểu số ở Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam đã phát huy hiệu quả và góp phần hình thành một chuẩn mực mới cho loại hình này.

Theo ông Mỹ, sự thành công của dự án này là việc lấy du khách làm trọng tâm. Trong khi làm homestay kiểu truyền thống là khách ăn ở chung với dân, chỗ ăn cũng là chỗ ngủ, ông Mỹ và CBT đã hình thành một khái niệm mới. Sự mộc mạc chân quê phải đi đôi với lịch lãm, vệ sinh để mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Đó cũng là lý do mà homestay kiểu CBT không chỉ chăm chút từ chỗ nghỉ đến nhà vệ sinh cho du khách mà còn chú ý các vấn đề thực phẩm và an toàn cho du khách. Hiện nay, hệ thống này đã có 456 chỗ ngủ, phục vụ hơn 50 ngàn lượt khách quốc tế/năm.

Sắp tới, CBT đang cùng chính quyền và người dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng một lễ hội hoa hướng đến trải nghiệm của du khách, theo đó sẽ lược bỏ diễn văn, sân khấu hóa để du khách được tận hưởng cuộc sống sông nước miền Tây, trải nghiệm dịch vụ chèo xuồng giữa đồng hoa và văn hóa ẩm thực địa phương… do chính người dân cung cấp.

Ông Mỹ tin rằng, những việc tuy nhỏ như thế nhưng sẽ chạm đến trái tim du khách và giúp chương trình này trở thành một thương hiệu thu hút khách đến, vừa lòng khách đi.

>>Du lịch chữa bệnh: còn bỏ ngỏ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đổi mới ngành du lịch từ những việc nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO