Đòi hỏi sự minh bạch hơn trong ngành điện

NGỌC ANH/DNSGCT| 09/08/2013 00:52

Theo thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), kể từ ngày 1/8/2013, giá bán điện bình quân sẽ là 1.508,85 đồng/kwh (chưa bao gồm thuế VAT), tăng 71,85 đồng/kwh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng là 1.437 đồng/kwh.

Đòi hỏi sự minh bạch hơn trong ngành điện

Theo thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), kể từ ngày 1/8/2013, giá bán điện bình quân sẽ là 1.508,85 đồng/kwh (chưa bao gồm thuế VAT), tăng 71,85 đồng/kwh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng là 1.437 đồng/kwh.

Vì sao tăng giá điện?
Ngành thép, xi măng phản đối tăng giá điện
Tăng giá điện có minh bạch?

Đọc E-paper

Doanh nghiệp độc quyền ngành điện nói rằng việc điều chỉnh giá bán điện lần này là để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than và tăng giá khí. Đó là một điệp khúc thường xuyên mỗi khi điện tăng giá.

Đây là lần tăng giá thứ năm của EVN kể từ năm 2011. Năm 2012 tổng doanh thu bán điện của tập đoàn này lên tới trên 143.000 tỉ đồng (tức khoảng 7 tỉ USD), lợi nhuận trên 5.000 tỉ đồng, nay với việc tăng giá điện lần này, theo các chuyên gia, EVN sẽ có thêm vài ngàn tỉ doanh thu nữa trong năm 2013.

Vậy mà năm nào ngành điện cũng than lỗ và xin Chính phủ cho điều chỉnh tăng giá. Tại sao vậy?

EVN cho biết việc điều chỉnh giá bán điện lần này để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do giá than đã tăng từ 37 đến 41% tùy loại than từ ngày 20-4-2013. Một quan chức EVN giải thích thêm việc tăng giá này chưa thể xử lý được khoản lỗ của những năm trước (đã được EVN công bố lên tới trên 20.000 tỉ đồng) và khoản tiền trên vẫn tiếp tục phải “treo ở đó, chờ xử lý dần”. 

Theo tính toán của EVN, với giá bán điện mới được áp dụng vào đầu tháng 8, các hộ nghèo và thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kwh/tháng sẽ không tăng chi, các hộ sử dụng điện sinh hoạt 100 kwh/tháng tăng chi 6.800 đồng/tháng, sử dụng 150 kwh/tháng tăng chi 10.650 đồng/tháng, sử dụng 200 kwh/tháng tăng chi 15.500 đồng/tháng, sử dụng 300 kwh/tháng tăng chi 26.000 đồng/tháng, sử dụng 400 kwh/tháng tăng chi 37.200 đồng/tháng.

Vấn đề đặt ra ở đây không chỉ là người tiêu dùng phải tăng chi gia đình mà còn liên quan đến nhiều điều khác. Trước tiên, việc tăng giá điện 5% chắc chắn sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2013 và CPI cả năm sẽ có ảnh hưởng.

Theo tiến sĩ Ngô Trí Long – nguyên viện phó Viện Khoa học thị trường giá cả – có thể cơ quan chức năng đã tính toán lạm phát bảy tháng chỉ trên 2% nên đã quyết định tăng giá điện. Tuy nhiên, vào thời điểm doanh nghiệp khó khăn và thu nhập của người lao động rất hạn chế như hiện nay, người dân hoàn toàn bị động trước các biện pháp tăng giá điện.

Trong bối cảnh EVN độc quyền, người dân có quyền hoài nghi về việc thẩm định giá thành của Bộ Tài chính vì giá điện rất phức tạp.

Việc chưa công khai giá thành sản xuất 1kw điện là bao nhiêu nên khó biết năm nay thủy điện đóng góp thế nào trong cơ cấu giá thành. Hay EVN đã tận dụng tốt thủy điện nhỏ để tăng nguồn điện giá rẻ chưa?

Căn cứ vào giá xăng dầu thế giới hằng ngày trên mạng, các loại thuế phí đều đã được quy định, nên chỉ cần cộng vào là rõ, thế nhưng đó chỉ là một nửa của sự minh bạch, bởi giá thành điện gồm những gì lại không được công khai toàn bộ. Vì thế người dân bình thường vẫn không thể hiểu nổi bản chất sự lỗ lãi của Tập đoàn EVN.

Mấy ai biết được các loại chi phí nhạy cảm đằng sau những khoản chi rất cụ thể, như chi cho bộ máy điều hành, chi tiếp khách, chi quỹ khen thưởng phúc lợi, chi đào tạo cán bộ trong và ngoài nước, chi hội nghị hội thảo…

Báo cáo kiểm toán được coi là văn bản có thể làm sáng tỏ các vấn đề trong doanh nghiệp thì hiện nay cũng chỉ công khai bản tóm tắt, còn bản chi tiết thể hiện từng vấn đề, từng khoản chi… chủ yếu là các cơ quan chức năng mới được tiếp cận.

Đó là chưa kể các chi phí người ngoài ngành không thể nắm bắt như mức sử dụng điện tự dùng của từng nhà máy, định mức hao hụt như thế nào, thất thoát trên lưới điện trong quá trình truyền tải đã hợp lý chưa…

Đã có nhiều ý kiến cho rằng trong khi nhiều bộ ngành có chế độ họp báo định kỳ thì EVN, với tư cách là tập đoàn đang có hàng chục triệu khách hàng, đáng lẽ thông tin phải được công khai hằng tháng thì lại không hề có cơ chế họp báo định kỳ mà chỉ có những bản thông báo với thông tin một chiều, như trường hợp thông báo tăng giá điện vừa qua.

Công khai phải đi đôi với sự minh bạch, có như vậy mới tăng cường sự giám sát xã hội, tạo cả áp lực giảm giá cho các tập đoàn độc quyền.

Sự thiếu minh bạch của ngành điện khiến kế hoạch phát triển nguồn năng lượng này, trong đó có việc kêu gọi các nhà đầu tư, thiếu tính thuyết phục.

Chẳng hạn ngành điện giải thích giá điện hiện nay quá thấp, không đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực này vì không có lãi.

Hay giá điện thấp khiến doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư vào công nghệ tiết kiệm điện, trong khi ngân sách không thể cứ đổ mãi tiền vào các dự án tăng sản lượng điện. Nhưng không minh bạch các thông tin thì làm sao có sự thuyết phục các nhà đầu tư.

Với doanh nghiệp và người dân, quyết định điều chỉnh giá điện ngày 1/8 là bất ngờ. Bất ngờ là bởi chỉ một ngày trước khi có thông tin tăng giá, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam còn nói thời điểm tăng giá cụ thể sẽ được cân nhắc, đồng thời nhắc nhở ngành điện thận trọng và phải có kế hoạch tuyên truyền để giải thích, lấy ý kiến của cộng đồng trước khi tăng giá điện.

Với Thông tư 19 được ban hành ngày 31-7, Bộ Công thương đã khiến dư luận ngỡ ngàng khi cho phép giá điện bình quân được tăng 5% chỉ sau đó vài giờ.

Có gì mà phải giữ bí mật đến như vậy, hay là trong vấn đề này các nơi có liên quan chưa tìm được sự thống nhất? Tại sao EVN lại không công khai lộ trình tăng giá cho người dân và doanh nghiệp biết để có kế hoạch sử dụng.

Dù tỏ thái độ bức xúc, các doanh nghiệp cũng như người dân đã không còn xa lạ với kiểu tăng giá liên tục của ngành điện.

Từ giữa năm 2011, Quyết định 24 của Chính phủ, có hiệu lực từ 1/6/2011, đã cho phép doanh nghiệp, dù vẫn phải báo cáo với Bộ Công thương, gần như có quyền chủ động trong việc điều chỉnh giá dưới ngưỡng 5%.

Kể từ đó, giá điện đã đều đặn tăng bốn lần, cùng với biên độ 5% (vào các ngày 20/12/2011, 1/7/2012, 22/12/2012 và 1/8/2013).

Trong một cuộc trả lời báo chí, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đinh Quang Trí cho biết từ nay đến cuối năm sẽ không điều chỉnh giá điện lần nào nữa.

Đến cuối tháng 12 năm nay sẽ tính toán giá thành thực hiện năm 2013 và lộ trình điều chỉnh giá điện năm 2014 để trình Bộ Công thương và Chính phủ phê duyệt.

Liệu điều này người dân có thể tin cậy được không, khi mà tính công khai và minh bạch của ngành điện chưa tạo được niềm tin trong xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đòi hỏi sự minh bạch hơn trong ngành điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO