Doanh nghiệp Việt ứng phó với cuộc chiến tiền tệ

HOÀNG HẢI/DNSGCT| 31/08/2015 06:50

Động thái phá giá tiền tệ của Trung Quốc đã gây chấn động cho các thị trường tài chính thế giới trong tuần qua khi đồng Nhân dân tệ được điều chỉnh tỷ giá tham chiếu ba lần.

Doanh nghiệp Việt ứng phó với cuộc chiến tiền tệ

Động thái phá giá tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mới đây đã gây chấn động cho các thị trường tài chính thế giới trong tuần qua khi đồng Nhân dân tệ (CNY) được điều chỉnh tỷ giá tham chiếu ba lần, giảm đến 4,64%.

Đọc E-paper

Nhiều hãng tin tài chính lớn như Financial Times, Bloomberg, cho rằng hành động của Bắc Kinh đang châm ngòi cho một “cuộc chiến tiền tệ” trong khu vực, khi hàng loạt các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, bất ngờ phải đối mặt với áp lực phá giá tiền tệ để giữ tính cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu.

Phản ứng trước sự kiện trên, sáng 12/8 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra thông báo điều chỉnh nâng biên độ tỷ giá USD/VND lên gấp đôi, từ 1% lên 2%.

Điều này đồng nghĩa với việc giá mua bán USD của các ngân hàng có thể biến động trong phạm vi từ 21.240 đồng đến 22.106 đồng.

Biện pháp này nhằm đảm bảo tính linh hoạt cho tỷ giá trước các tác động của thị trường quốc tế và đảm bảo cho khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Hàng chục năm qua, Việt Nam vẫn chưa giải quyết được vấn đề nhập siêu với Trung Quốc và nếu đồng CNY tiếp tục yếu đi thì áp lực nhập siêu sẽ nghiêm trọng hơn nữa.

>>PBOC: Dòng vốn ra, vào Trung Quốc vẫn ổn định

Mười hai năm trước, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 15 của Trung Quốc, tính đến quý I năm nay thì Việt Nam đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ bảy của nước này.

Trước đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo trong năm 2015 sẽ không điều chỉnh tỷ giá VND nhiều hơn 2%. Tuy nhiên, cơ quan này đã không tiên liệu được sự biến động tỷ giá từ Trung Quốc trong năm nay.

Sự tăng giá của đồng USD khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dùng hết 2% trong nửa năm đầu. Trong điều kiện tỷ giá biến động quá mạnh, nếu tiếp tục bảo vệ tỷ giá tiền đồng thì cái giá phải trả rất lớn và cụ thể là dự trữ ngoại hối sẽ bị tiêu hao.

Xuất khẩu càng khó khăn

Trung Quốc cùng với Mỹ và EU là ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nay Trung Quốc phá giá đồng CNY tất nhiên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp và kinh tế của chúng ta.

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nhận định đồng CNY yếu đi gây tổn hại đến hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trung Quốc đang là thị trường chính tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản Việt với 85% sắn xuất khẩu vào Trung Quốc, gạo xuất khẩu vào thị trường này là 35% và cao su là 40%…

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe cho rằng việc Trung Quốc phá giá đồng CNY sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp chúng ta, khi các nước xuất khẩu thủy sản khác cũng sẽ giảm giá đồng tiền để cạnh tranh.

>>Xuất khẩu thủy sản: Tôm vui để buồn cho cá

Tình hình tương tự với các mặt hàng gạo, cà phê và cao su của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Gạo xuất khẩu sang Trung Quốc thời gian tới có thể giảm mạnh vì đồng CNY yếu, đồng thời gạo Việt Nam càng trở nên kém cạnh tranh so với các nước khác như Thái Lan, Indonesia… là những thị trường cạnh tranh trực tiếp.

Hiện nay tình hình xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đang sút giảm so với năm ngoái. Cụ thể, mặc dù Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2015 với 38,1% thị phần, nhưng có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014 (giảm 9,04% về khối lượng và giảm 13,25% về giá trị).

Các mặt hàng cà phê hòa tan, cà phê rang xay xuất khẩu sang thị trường này sẽ trở nên đắt đỏ hơn, và doanh nghiệp nhập khẩu có thể sẽ giảm giá mua, là áp lực lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp ngành may đã ký hợp đồng mua nguyên liệu, bán hàng hóa với các đối tác Trung Quốc đến hết năm. Các hợp đồng này đều có giá trị tính bằng USD nên việc điều chỉnh tỷ giá CNY, trước mắt chưa gây ra hệ lụy, nhưng sẽ trở nên khó khăn vào năm sau, khi các đơn hàng mới được ký.

Mặt khác, các đối tác mua hàng vẫn chỉ định nguồn nhập nguyên phụ liệu nay thấy hàng Trung Quốc giảm giá, họ có thể sẽ ép giá hàng từ Việt Nam.

Đó là chưa kể sản phẩm may của Việt Nam vào châu Âu, Nhật Bản ngày càng khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Dù thời gian tới đây hàng dệt may có được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại Tự do với EU nên thuế xuất khẩu sẽ giảm từ 9% về 0% trong bảy năm, nhưng khi Trung Quốc phá giá 3% thì những ưu đãi này có thể không mang lại thuận lợi nào cho Việt Nam nữa.

>>Ngành dệt may: Đầu tư ODM là chưa đủ

Động thái tăng biên độ tỷ giá VND lên 2% để tháo gỡ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng hàng hóa Việt Nam vẫn đắt hơn hàng Trung Quốc vì mức thay đổi của họ lên tới 4,6%.

Hàng hóa Trung Quốc lại rất phong phú nên có thể nhà nhập khẩu sẽ có sự lựa chọn bất lợi cho chúng ta.

Ngành thủy sản cũng đang đứng trước nỗi lo về sự giảm sút doanh thu. Một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản giả định khi doanh nghiệp xuất một lô hàng trị giá 3 triệu CNY, với tỷ giá NDT/USD trước đây là 6,2298 thì lô hàng ấy quy đổi ra được 482.000 USD.

Nay mỗi USD quy đổi bằng 6,3306 CNY thì lô hàng trên chỉ còn khoảng 474.000 USD, mất gần 8.000 USD. Nếu tình hình CNY còn giảm thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại mục tiêu doanh thu.

Một báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng đồng NDT mất giá sẽ tác động tiêu cực đến cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc.

Trong sáu tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận mức thâm hụt 16,5 tỷ USD với Trung Quốc, trong đó nhập khẩu tăng 23% còn xuất khẩu chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, trong cán cân thương mại chung, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ chiếm 10% tỷ trọng, nhưng ở chiều nhập khẩu là 30%.

Với tình hình trên, nếu cơ quan điều hành không có những biện pháp đối phó thích đáng thì nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh, vì NDT mất giá thì hàng hóa của Trung Quốc vào Việt Nam sẽ rất rẻ, gây khó khăn cho sự cạnh tranh của các sản phẩm trong nước.

>>Việt Nam nhập siêu hơn 19 tỷ USD từ Trung Quốc

Đối phó phù hợp

Trong cuộc họp chiều 14/8 của Chính phủ về tác động của phá giá CNY, Thủ tướng yêu cầu các bộ sẽ phải tăng cường phối hợp để có đối sách ứng phó phù hợp, phát huy cao tác động tích cực và giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực.

Thủ tướng đã chỉ đạo việc điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam.

Thế nhưng hiện vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc phá giá đồng tiền Việt Nam ở mức nào.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng không có phương pháp nào khả thi và tốt hơn là việc thay đổi tỷ giá đồng Việt Nam cho phù hợp. Việc phá giá đồng tiền cần được thực thi sớm và phải ở mức sâu hơn mức phá giá đồng CNY.

Phương thức tốt nhất cho việc điều hành tỷ giá là phải theo cách mà thị trường có thể dự đoán được, không để doanh nghiệp bị sốc.

Tỷ giá nên có lộ trình trong dài hạn mở rộng biên độ. Khi nào cần can thiệp thì ngân hàng dùng dự trữ ngoại hối chứ không nên công bố việc biên độ tỷ giá là bao nhiêu.

>>Tăng biên độ tỷ giá 2%: DN xuất khẩu được lợi ngay lập tức

Bàn về biện pháp đối phó, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá 2%, bây giờ thì nới biên độ ra và tùy theo các ngân hàng thương mại muốn áp dụng thế nào cho phù hợp với điều kiện của họ, không phải là hình thức phá giá mà là một biện pháp mở rộng biên độ trao đổi tiền tệ và cho phép các ngân hàng thương mại có thể phản ứng một cách linh hoạt hơn.

Đồng thời, về nhập khẩu phải tăng cường chống buôn lậu mới có thể đối phó với làn sóng hàng hóa rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt Nam.

Ông Alan Phạm - Chuyên gia kinh tế trưởng của công ty quản lý quỹ VinaCapital Group, cho rằng việc nới biên độ là một lựa chọn hiệu quả thay cho điều chỉnh tỷ giá tham chiếu: “Ngân hàng Nhà nước muốn giữ lời hứa không giảm giá tiền đồng quá 2% trong năm nay thì nới biên độ là một cách làm thay thế”.

Theo chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục nới biên độ lên mức +/-3% thay vì nâng tỷ giá tham chiếu USD/VND đồng nghĩa với giảm giá tiền đồng.

Một biện pháp khác không kém quan trọng là chúng ta cần phải nỗ lực ứng phó việc Trung Quốc phá giá CNY bằng cách kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, thay đổi chính sách đầu tư, nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước để thu hẹp khoảng cách xuất khẩu và nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc.

Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 của Chính phủ để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng là một biện pháp rất cần thiết vào lúc này. Các cơ quan nhà nước phải giảm những thủ tục phiền hà, giảm chi phí về thời gian và tiền bạc, để cho các doanh nghiệp có thể giảm chi phí nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đây là một cuộc chiến sống còn và đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cơ quan nhà nước, của mỗi một viên chức cũng như là của tất cả các doanh nghiệp.

>>Nghị quyết 19 và nhiệm vụ "mở đường" đến kinh tế thị trường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Việt ứng phó với cuộc chiến tiền tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO