Doanh nghiệp ưu tiên vẫn chưa được ưu tiên

01/10/2014 08:38

Chiếc áo của chính sách doanh nghiệp ưu tiên hiện vẫn còn chật. Doanh nghiệp trong cuộc thấy gì, và nói gì?

Doanh nghiệp ưu tiên vẫn chưa được ưu tiên

Chiếc áo của chính sách doanh nghiệp ưu tiên hiện vẫn còn chật. Doanh nghiệp trong cuộc thấy gì, và nói gì?

Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta đã chính thức có quyết định trở thành doanh nghiệp ưu tiên 36 tháng

Sau thời gian dài đánh giá và xem xét từ Tổng cục Hải quan, giữa tháng 9, Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta và một số doanh nghiệp khác đã chính thức có quyết định trở thành doanh nghiệp ưu tiên 36 tháng. Đây là một niềm vui với Sao Ta vì sắp tới, các thủ tục Hải quan và nhiều thủ tục khác sẽ được rút ngắn hơn nhiều.

Tập trung vào xuất khẩu, mang về ngoại tệ là chính sách mà Nhà nước luôn quan tâm, chính vì thế mô hình Doanh nghiệp ưu tiên đang được nhà nước đẩy mạnh. Chính sách Doanh nghiệp Ưu tiên hướng đến đối tượng là các công ty xuất khẩu, trong đó, các thủ tục giấy tờ tại hải quan được rút ngắn một cách tối đa cho các doanh nghiệp được công nhận là “doanh nghiệp ưu tiên”.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chính sách này có thể giảm thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, “danh hiệu” doanh nghiệp ưu tiên sẽ giúp doanh nghiệp có sức nặng đáng kể trong việc nâng tầm thương hiệu và uy tín, từ đó củng cố năng lực cạnh tranh.

Hiện có 3 loại hình ưu tiên cơ bản: doanh nghiệp được ưu tiên xuất nhập khẩu tất cả các loại mặt hàng, doanh nghiệp được ưu tiên xuất khẩu các hàng hóa thô về nông thủy sản hoặc dầu mỏ chưa qua chế xuất và cuối cùng là doanh nghiệp xuất khẩu các loại hàng hóa công nghệ cao được Nhà nước khuyến khích đầu từ theo mô hình và chính sách tiêu chuẩn.

Để đạt được công nhận “ưu tiên”, doanh nghiệp cũng cần phải đáp ứng một vài tiêu chí, ví dụ là kim ngạch xuất khẩu phải đạt tối thiểu 50 triệu USD/năm trở lên. Bà Lê Thu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết mức tối thiểu này có thể xem xét giảm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu nông thủy sản có xuất xứ thuần túy Việt Nam, hoặc chủ yếu được sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước.

Ngoài ra, cũng có một vài trường hợp ưu tiên đặc biệt tùy vào chính sách thỏa thuận giữa Việt Nam và nước có liên quan. Chẳng hạn trường hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Canon Việt Nam, khi được Tổng cục Hải quan công nhận là doanh nghiệp ưu tiên, Công ty Canon Inc Headquarter tại Nhật Bản cũng được miễn kiểm 100% các lô hàng nhập khẩu từ Canon Việt Nam. Ông Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải Quan, không phải doanh nghiệp nào cũng được để hưởng chính sách như Canon Việt Nam, còn tùy vào chính sách thương mại giữa hai nước.

Cho đến thời điểm này, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã công nhận 24 doanh nghiệp ưu tiên (trong tổng số 50.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu), chiếm 23% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Cũng trong đợt này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Việt Nam được gia hạn là doanh nghiệp ưu tiên đến ngày 20/7/2016.

Tuy nhiên, chính sách doanh nghiệp ưu tiên vẫn còn vướng phải nhiều hạn chế ở nhiều khâu. Đầu tiên, để được chứng nhận doanh nghiệp ưu tiên, một vài doanh nghiệp đã phải làm thủ tục mất mấy năm.

Ngoài ra, chia sẻ của đại diện một doanh nghiệp điện tử lớn cho biết, khi được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên sẽ có một vài ưu đãi, chẳng hạn như chính sách giao nhận hàng tại cảng ngay lễ, ngày nghỉ. Tuy nhiên, cán bộ hải quan lại nghỉ lễ, không có người trực thì ưu tiên cũng giống như không ưu tiên, đại diện này chia sẻ thêm.

Vấn đề về thuế cũng chưa được giải quyết triệt để khi những doanh nghiệp ưu tiên vẫn rơi vào tình trạng “treo thuế” và không được ân hạn thuế, dù đây là một doanh nghiệp lớn nhất nhì về quy mô xuất khẩu trên thị trường.

Một điểm đáng lưu ý nữa, mặc dù theo chính sách thì thủ tục hải quan sẽ được giải quyết nhanh hơn cho các doanh nghiệp ưu tiên, nhưng cái mác “ưu tiên” đôi lúc lại đem đến sự trễ nải. Sử dụng mẫu khai luồn xanh riêng dành cho doanh nghiệp ưu tiên, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết, khi khai sai trên mẫu thì phải chờ xin công văn gửi lại, thậm chí có trường hợp còn mất nhiều thời gian hơn cả kê khai không ưu tiên.

>Doanh nghiệp ưu tiên được vay với lãi suất 9-10%/năm
>Sẽ có cơ chế riêng cho doanh nghiệp ưu tiên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp ưu tiên vẫn chưa được ưu tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO