“Doanh nghiệp phải biết sống với các cú sốc”

HẢI VÂN (thực hiện)| 20/03/2012 00:13

TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nói: “Nhà nước không phải thiên tài, nên có thể có những sai lầm chính sách, có những giật cục chính sách, do đó, bản thân doanh nghiệp (DN) cũng phải biết sống với cú sốc”.

“Doanh nghiệp phải biết sống với các cú sốc”

TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nói: “Nhà nước không phải thiên tài, nên có thể có những sai lầm chính sách, có những giật cục chính sách, do đó, bản thân doanh nghiệp (DN) cũng phải biết sống với cú sốc”.

* Ông nhận định thế nào về cách các DN Việt Nam vươn lên sau khủng hoảng?

- Có thể dùng ba từ: rụt rè, sợ hãi và vươn lên để nói về cách các DN trong nước vượt qua khủng hoảng. Hiện nay, xu hướng vươn lên của các DN đã bắt đầu hình thành một cách rõ rệt nhưng tỷ lệ vươn lên chưa cao. Vì vậy, họ vẫn phải vừa loay hoay, vừa vươn lên.

* Vướng mắc về vốn ảnh hưởng thế nào đến phần vươn lên đó?

- Thế giới rất nhiều tiền, tài sản tài chính lớn hơn một chục lần so với sản xuất thực. Riêng với Việt Nam, tài sản tài chính nếu cộng với trái phiếu, cổ phiếu, tiền và vàng thì phải trên 2 lần GDP. Đó là chưa kể các luồng vốn trung chuyển từ bên ngoài vào. Như vậy có thể nói, tiền/vốn rất nhiều nhưng cũng rất thiếu.

* Ông nói chúng ta nhiều tiền, vậy tại sao vốn vẫn thiếu?

- Thiếu vốn bởi ba lý do. Một là, hiện nay bong bóng tài chính toàn cầu đang thủng lỗ chỗ nên phải vá, cái đầu tiên phải vá chưa phải là đầu tư, mà là thanh khoản. Hai là, ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ đẩy ra của tài sản tài chính và tiền đang cao bị chậm lại do chính sách tiền tệ thắt chặt. Rõ ràng, cả về cảm nhận và thực tế, dòng tiền đang ít đi. Ba là, trong bất ổn, người dân có xu hướng tìm tài sản trú ẩn. Với DN, do khó khăn, do dòng vốn chững lại nên có xu hướng giữ lại đồng tiền, ít nhất là để tự cứu mình.

Trước đây, đồng tiền dễ, DN đẩy một đồng đi, nhiều khả năng lấy lại được đồng mốt. Còn bây giờ DN đẩy được một đồng đi thì không biết bao giờ lấy lại được. Như vậy, xu hướng “thủ thế” cũng ngày càng nhiều hơn. Ba yếu tố ấy làm cho trung chuyển vốn, trung chuyển đồng tiền chậm đi rất nhiều, gây cảm giác chung là thiếu tiền.

* Bối cảnh khó khăn, theo ông, DN nên tìm vốn ở đâu?

- Tìm vốn, trước hết DN phải trả lời được ba câu hỏi. Một là, tiền đang nằm ở đâu? Năm nay có ngân hàng được tăng tín dụng 17%, có ngân hàng 8%, rõ ràng đứng về mặt khả năng, ngân hàng 17% có thể cho vay tốt hơn. Hai là, từ chính sách và thực tiễn, DN phải xác định được dòng vốn đang chảy vào đâu và lĩnh vực nào đang dẫn dắt tăng trưởng, phát triển của Việt Nam cả về góc độ chính sách và hoạt động kinh tế nói chung. Ba là, khi đã xác định được dòng vốn chảy vào đâu, DN phải hiểu được sự uyển chuyển trong các trò chơi về vốn. Muốn có vốn, DN phải chứng minh là mình “biết chơi và biết chơi đẹp”, phải có dự án tốt, sổ sách minh bạch...

Bây giờ, cách thức cho vay không đơn thuần là ngân hàng cho DN vay, đến hạn thì lấy lãi, mà trong đó có thể kết hợp rất nhiều trò chơi khác. Cái đẹp, cái khéo, cái uyển chuyển của DN trong đàm phán, trong mặc cả, đi tìm nguồn vốn lại phụ thuộc vào chính DN.

* Nhưng phải làm gì để điều hòa nguồn vốn trong nền kinh tế, thưa ông?

- Thiếu vốn không phải chỉ với Việt Nam, một nền kinh tế mở, mà các nước trên thế giới cũng vậy. Quan trọng là phải xử lý hệ thống tài chính, hệ thống giám sát trung chuyển vốn trên thế giới. Nhưng hiện vẫn còn nhiều tranh cãi và chưa có một chuẩn mực nào được thừa nhận, chứ chưa nói đến việc thực thi đầy đủ.

Một vấn đề nữa, phải ổn định lại lòng tin với thị trường, lòng tin vào khả năng sản xuất, kinh doanh sẽ thuận lợi trở lại. Ngoài những điều kiện về cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh minh bạch..., ổn định kinh tế vĩ mô là đặc biệt quan trọng.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Doanh nghiệp phải biết sống với các cú sốc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO