Đô thị sáng tạo là nền tảng của kinh tế tương tác

HOÀNG MY| 16/11/2018 04:04

Đô thị sáng tạo cần giải quyết sự cân bằng giữa phát triển bất động sản và hạ tầng công nghệ, lấy dữ liệu làm tài sản để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đô thị sáng tạo là nền tảng của kinh tế tương tác

Theo Tổ chức Nghiên cứu tiêu chuẩn công nghệ viễn thông (ITU-T), đô thị thông minh hướng đến sự phát triển bền vững là một đô thị đổi mới sáng tạo trên nền công nghệ số kết hợp với các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cải thiện chất lượng dịch vụ và tính cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu hiện tại và độ mở về kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa. Điều này đòi hỏi chiến lược phát triển tổng thể bằng công nghệ và giải pháp thông minh hướng đến công dân, từ sử dụng năng lượng đến y tế, giáo dục, theo đó đòi hỏi chính quyền điều hành thông minh.

Theo báo cáo khảo sát của Công ty Nghiên cứu phân tích thị trường Frost & Sullivain, giá trị thị trường thành phố thông minh toàn cầu vượt 1.500 tỷ USD vào cuối năm 2020, tạo ra tiềm năng lớn cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia kiến tạo các đô thị.Đô thị thông minh tại Việt Nam được đề cập từ cuối những năm 1990 với sự khởi xướng của Tập đoàn IBM, những công trình thí điểm đầu tiên như Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao TP.HCM đến nay đã lan tỏa đến Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Quốc (Kiên Giang)...

Nếu như trước đây khái niệm đô thị thông minh gắn liền với các tập đoàn đa quốc gia như IBM, Ciso, Intel, Panasonic thì hiện nay là cơ hội rộng mở cho tất cả các nhà cung cấp giải pháp, cho các công ty khởi nghiệp, các tổ chức sáng tạo. Theo TS. Nguyễn Tường Văn - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Việt Nam, đô thị hóa là xu thế phát triển tất yếu của các quốc gia.

Để đảm bảo chất lượng sống trong bối cảnh phát triển đa dạng, đa chiều của xã hội hiện đại, các đô thị ngày càng ứng dụng khoa học - công nghệ thông tin để cải thiện cách quản lý và cung cấp dịch vụ, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Mặc dù có không ít ứng dụng đô thị thông minh trên thế giới giúp giảm phát khí thải, quản lý cấp nước, giảm chi phí vận hành trong các tòa nhà, tạo nhiều việc làm mới..., tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một hình mẫu chung về đô thị thông minh.

Theo TS. Nguyễn Tường Văn, còn nhiều thách thức trong phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, như hệ thống cơ sở dữ liệu phân tán, thiếu tính nhất quán, gây khó khăn cho việc dự báo, định hướng và điều hành. Hệ thống cơ sở pháp lý, quy phạm pháp luật và các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan phát triển đô thị thông minh chưa hoàn thiện, tính rủi ro trong ứng dụng công nghệ như đảm bảo an ninh mạng...

"Quá trình phát triển đã hình thành nhiều mô hình đô thị có bản chất gần với khái niệm "đô thị thông minh" như đô thị số, đô thị tri thức, đô thị thông tin, đô thị kết nối. Đô thị thông minh không đơn thuần chỉ là ứng dụng hạ tầng công nghệ mà bản chất phải có sự liên kết, chia sẻ và tích hợp thông tin, đồng bộ cơ sở dữ liệu của nhiều chuyên ngành, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ, con người và các quy định thể chế” - TS. Nguyễn Tường Văn chia sẻ.

Tại Diễn đàn Kinh tế số Việt Nam 2018 mới đây, ông Hồ Tú Bảo - giáo sư khoa học máy tính của Viện Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, cho rằng việc chuyển đổi sang nền kinh tế số cần hạ tầng hỗ trợ mà trong đó dữ liệu là nền tảng quan trọng. Hướng tới dữ liệu mở là động lực để doanh nghiệp nhỏ và startups tham gia vào nền kinh tế số.

Nhưng vì đây là loại tài sản quan trọng nên cần phải có luật, cần có cách tạo ra, quản lý, chia sẻ và sử dụng hiệu quả, theo đó phải hoàn thiện hệ thống pháp lý và thực thi pháp luật trong không gian số, đảm bảo sự vận hành theo luật pháp, sáng tạo và hiệu quả.

TP.HCM đang hướng đến mô hình đô thị thông minh với việc chọn Khu Đông để xây dựng đô thị đổi mới sáng tạo, kỳ vọng làm nền tảng lan tỏa cho cả vùng, dựa vào các trụ cột quan trọng hiện nay như Đại học Quốc gia, khu công nghệ cao và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Khu vực này tập hợp các trung tâm và hạ tầng cho đổi mới sáng tạo, như viện trường, phòng thí nghiệm, các trung tâm mô phỏng công nghiệp 4.0, trung tâm khởi nghiệp được xác định là đô thị hiện đại phù hợp với xu thế phát triển chứ không phải dồn nén khai thác quỹ đất.

Đề cập đến tầm nhìn về đô thị thông minh đến 2025, PGS-TS. Dương Anh Đức - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM, thành viên Ban điều hành Đô thị thông minh TP.HCM cho biết, TP.HCM hướng đến phát triển bền vững trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, lấy người dân là trung tâm của đô thị.

Việc quy hoạch, quản lý đô thị và kết cấu hạ tầng TP.HCM hiện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - văn hóa, cải thiện dân sinh và bảo vệ môi trường. Dù có thế mạnh là trung tâm kinh tế - tài chính - thương mại và khoa học - công nghệ của cả nước nhưng TP.HCM vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách so với các thành phố lớn trong khu vực do áp lực về dân số tăng, kinh tế tăng trưởng nhưng chưa bền vững, việc quản trị đô thị còn nhiều bất cập.

Ông Dương Anh Đức cho biết, việc triển khai xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh là chủ trương có tính chiến lược. Từ 2018 - 2019 sẽ xây dựng kiến trúc tổng thể, kêu gọi đầu tư, lập nghiên cứu khả thi, triển khai các trung tâm quản lý chuyên ngành, đào tạo nhân lực, xây dựng quy trình và quy chế vận hành.

Giai đoạn đến 2025 sẽ triển khai thí điểm và tiếp tục hoàn thiện trung tâm quản lý các lĩnh vực, trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) và giải pháp kết nối - tích hợp thông tin các lĩnh vực. IOC ra đời sẽ vận hành song song với trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin phục vụ công tác ra quyết định của lãnh đạo thành phố.

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2018 (Hochiminh City Economic Forum - HEF 2018) với chủ đề "Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác - Vai trò động lực của doanh nghiệp" do Hiệp hội Doanh nghiệp và Sở Ngoại vụ TP.HCM đồng chủ trì với sự chỉ đạo của UBND TP.HCM. HEF 2018 sẽ diễn ra ngày 23/11/2018 tại Trung tâm hội nghị White Palace, 194 Hoàng Văn Thụ, Q. Phú Nhuận, TP.HCM.

Dự kiến hơn 600 đại biểu là chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức và định chế tài chính cùng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự HEF 2018 để thảo luận về các mô hình tăng trưởng và xu thế phát triển đô thị sáng tạo, các giải pháp nâng cao năng lực DN trong hệ sinh thái sáng tạo, đề xuất cơ chế gắn kết giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu và chính quyền trong quá trình xây dựng đô thị sáng tạo.

Diễn đàn có sự góp mặt của khoảng 30 diễn giả các nước tham gia chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đến từ các viện trường và tổ chức nghiên cứu Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Phần Lan, Singapore… cùng với sự hiện diện của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, như Amcham, Eurocham, Kotra, Jetro…, các tổ chức tài chính quốc tế như World Bank, IMF, IFC…, các cơ quan ngoại giao, văn phòng lãnh sự, cơ quan xúc tiến thương mại - đầu tư các nước. Thông qua HEF 2018, TP.HCM kỳ vọng đưa ra những thông điệp thúc đẩy các thành phần động lực tham gia phát triển kinh tế, đầu tư và hợp tác quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đô thị sáng tạo là nền tảng của kinh tế tương tác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO