Đồ gỗ chưa dễ vào thị trường Á - Âu

HẢI VÂN thực hiện| 12/10/2016 06:27

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) đã có hiệu lực từ ngày 5/10/2016, nhưng doanh nghiệp gỗ Việt Nam gần như mới chỉ làm ăn với thị trường Nga.

Đồ gỗ chưa dễ vào thị trường Á - Âu

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) đã có hiệu lực từ ngày 5/10/2016, nhưng theo ông Ngô Sỹ Hoài - Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, doanh nghiệp gỗ Việt Nam gần như mới chỉ làm ăn với thị trường Nga. 

Đọc E-paper

* Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA) có hiệu lực có ý nghĩa thế nào đối với việc xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vào thị trường Á - Âu, thưa ông?

- Hiệp định này có hiệu lực, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam được hưởng lợi bởi thuế nhập khẩu đều về 0%. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) gỗ Việt Nam hầu như mới chỉ làm ăn với thị trường Nga, các thị trường khác trong khối Á - Âu đều rất nhỏ.

Đồ mộc có đặc điểm là muốn sản xuất phải có thị trường đủ lớn, nếu thị trường nhỏ quá, làm không bõ bởi chi phí vận tải, tổ chức sản xuất đều cao.

* Việt Nam ký VN - EAEU FTA là với nhiều quốc gia thành viên EAEU, nhưng tại sao chỉ tập trung vào thị trường Nga?

- Việt Nam ký VN - EAEU FTA với các nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan, nhưng trước hết tập trung vào Nga - nền kinh tế lớn nhất trong số các nước đó và còn dư địa cho đồ mộc Việt Nam. Hơn nữa, thị trường Nga đang có xu hướng đa dạng hóa sản phẩm.

Nga vẫn là thị trường truyền thống của nhiều mặt hàng của Việt Nam, dù bị cách quãng mấy năm nay. Xuất khẩu đồ mộc vào Nga trước đây rất khó, bởi mức thuế lên tới 4 - 5 USD/kg. Cách đánh thuế của Nga là tính trên kilôgam sản phẩm, rất lạ.

VN - EAEU FTA có hiệu lực, DN gỗ của Việt Nam sẽ có những lợi thế nhất định trong việc xuất khẩu sản phẩm vào thị trường này, trong đó có thị trường Nga.

* Nhưng thực tế vẫn có quá nhiều cái khó để đưa đồ gỗ Việt Nam vào thị trường Nga?

- Đúng vậy. Đơn cử về vận tải, nước Nga ở xa nên muốn đưa đồ gỗ đi Mátxcơva thì phải bằng tàu biển đến Viễn Đông, sau đó mới tìm phương tiện khác để chở tiếp. Mátxcơva và một số thành phố phía tây nước Nga đông dân cư và là thị trường tiêu thụ đồ gỗ Việt Nam nhiều nhất. Các vùng khác, đặc biệt là vùng Viễn Đông, có dân cư thưa thớt, sức mua kém.

Đại sứ các nước Nga, Kazakhstan, Belarus, Armenia tại Việt Nam cùng đại diện Bộ Công Thương vừa họp báo công bố VN - EAEU FTA có hiệu lực từ ngày 5/10/2016. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương lên tới 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020, tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường 182,7 triệu dân và chiếm 3,2% GDP toàn cầu.

Nga là nền kinh tế đang chuyển đổi cho nên còn khó khăn về thủ tục hành chính, thủ tục xuất nhập khẩu, nhưng cái khó lớn nhất hiện nay vẫn là đồng rup mất giá.

* Có phi thực tế không nếu bán sản phẩm với giá phải chăng trong khi giá đầu vào vẫn tăng?

- Nâng cao chất lượng, giảm giá thành là con đường mà bất cứ DN nào muốn làm ăn lâu dài cũng phải đi, không có cách nào khác. Công nghiệp gỗ có thuận lợi là giá nguyên liệu về cơ bản không tăng, thậm chí giá một số loại gỗ còn giảm do nguồn cung hiện nay khá dồi dào.

Nước ta nhập khẩu gỗ từ Mỹ, Canada, Nhật Bản, một số nước châu Phi. Tất nhiên cũng có thời điểm, chi phí vận tải tăng lên đã tác động đến giá thành sản phẩm.

* Trong bối cảnh VN - EAEU FTA có hiệu lực, một kế hoạch kinh doanh hiệu quả cho DN xuất khẩu gỗ sang Nga, theo ông, nên là gì?

- Với việc VN - EAEU FTA có hiệu lực, DN Việt Nam không còn lo chuyện thuế vào Nga. Tuy nhiên, đặc điểm của đồ gỗ là cồng kềnh, nếu đưa sang các nước không thuận tiện về vận chuyển thì chi phí rất cao.

Diện tích rừng của Nga chiếm tới 1/4 tổng diện tích rừng của thế giới. Gỗ nhiều, nhưng người Nga chế biến không nhiều. Do đó, về lâu dài, chúng tôi phải tính tới việc sản xuất tại Nga để giảm chi phí và tận dụng được nguồn gỗ nguyên liệu tại chỗ. Chẳng hạn, bước đầu đưa một số đồ gỗ sang Nga bán thử, nếu bán được thì mạnh dạn liên kết với các chủ rừng của Nga mở DN liên doanh. Họ có nguyên liệu, đất đai, còn DN Việt Nam có công nghệ, nhân công, mẫu mã.

Tiếp đến, có thể xây dựng những DN 100% vốn Việt Nam chuyên sản xuất đồ gỗ trên đất Nga, sử dụng nguyên liệu của Nga để bán cho người Nga.

* Như ông nói, "thử phản ứng" thị trường Nga là kế hoạch mà các DN đồ gỗ Việt Nam sẽ thực hiện. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Một số DN đã đưa một số mẫu mã sang Nga bán thử và đã bán được. Tuy nhiên, làm riêng lẻ thì chi phí cao, nên mấy DN ở Bình Dương và TP.HCM đã liên kết thành lập một công ty đầu mối có tư cách pháp nhân ở Việt Nam chuyên xuất khẩu đồ gỗ sang Nga.

Trung tâm Hà Nội ở Mátxcơva từ lâu đã trở thành địa chỉ mua sắm hàng hóa Việt Nam của người Nga. Chúng tôi đang có kế hoạch thuê mặt bằng tại đây để đưa đồ mộc chưa hoàn chỉnh sang đó lắp ráp, hợp tác với một số người Việt tại Nga phân phối tới tay người tiêu dùng Nga.

Để làm ăn lâu dài, chúng tôi đang nghiên cứu thành lập một tư cách pháp nhân ở Nga để lo thủ tục, thanh toán... cho các DN xuất khẩu đồ gỗ.

* Cám ơn ông!

>Ngành gỗ Việt Nam: Thuyền to vượt sóng lớn

>Brexit tác động thế nào đến tình hình xuất khẩu gỗ Việt Nam?

>Cơ hội ở thị trường Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đồ gỗ chưa dễ vào thị trường Á - Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO