DN FDI bỏ trốn: Phòng bệnh hơn chữa bệnh

23/08/2013 05:30

Theo báo cáo bước đầu của Bộ KH&ĐT, hiện đã có trên 500 DN FDI "bỏ trốn", rải rộng trên nhiều tỉnh, TP trong cả nước.

DN FDI bỏ trốn: Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam hiện nay đang nổi lên vấn đề các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà chủ sở hữu hoặc đại hiện hợp pháp của chủ sở hữu DN đã bỏ trốn hoặc vắng mặt lâu ngày, không điều hành DN khiến DN phải ngừng hoạt động (tạm gọi chung các trường hợp này là DN FDI bỏ trốn).

Giá trị tài sản của các DN này lâu ngày đã xuống cấp, người lao động (LĐ) làm việc tại các DN bị nợ lương, rồi không được trả lương, không có bảo hiểm xã hội...

Đến nay, theo báo cáo bước đầu của Bộ KH&ĐT, con số này đã lên tới trên 500 DN, lại ở một diện rộng trên nhiều tỉnh, TP trong cả nước.

Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 500 DN FDI đã bỏ trốn

Gánh nặng giải quyết tình trạng này đè nặng lên các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn. Các cơ quan quản lý nhà nước nói chung còn lúng túng trong cách xử lý và chưa xử lý dứt điểm được hiện tượng này do chưa có các quy định pháp lý hướng dẫn cụ thể việc thực hiện. 

Còn nhiều lỗ hổng

Đã có một số giải pháp được đề xuất từ các nhà quản lý và nghiên cứu về FDI ở Trung ương và địa phương nhằm hạn chế những hậu quả của việc DN FDI bỏ trốn, như: Bổ sung quy định chủ đầu tư các dự án được Nhà nước giải phóng mặt bằng, các dự án sử dụng nhiều đất hoặc kinh doanh trong các lĩnh vực tác động lớn đến đời sống xã hội,… sẽ phải ký quỹ, đặt cọc; Bổ sung quy định cho phép cơ quan nhà nước, trực tiếp là các UBND các tỉnh, TP được xử lý giá trị còn lại của dự án theo hình thức đấu giá. 

Số tiền có được sẽ được gửi vào tài khoản phong tỏa để xử lý theo quy định về tài sản vắng chủ. Chủ sở hữu DN FDI bỏ trốn (nhà đầu tư nước ngoài) nếu quay lại sẽ được nhận lại giá trị này sau khi đã trừ đi các chi phí và nghĩa vụ tài chính mà nhà đầu tư nước ngoài phải trả; Chỉnh sửa lại quy định pháp luật về tố tụng dân sự để tòa án được cho giải thể, phá sản DN theo yêu cầu của chủ nợ, người LĐ nếu không liên lạc được với chủ sở hữu DN... 

Các đề xuất về các giải pháp nêu trên là thiết thực, nhưng cần được tính toán kỹ để có thể giải quyết được hết các tình huống xảy ra đối với tất cả các trường hợp DN FDI bỏ trốn. Các giải pháp - quy định pháp lý mới về quản lý FDI cần được nghiên cứu kỹ để phù hợp với thông lệ đầu tư - kinh doanh quốc tế.

Các quy định pháp lý mới cần bao quát hết các tình tiết, các vụ việc DN FDI bỏ trốn, như: chủ sở hữu DN bỏ trốn để lại hàng đống nợ không trả nổi…; và cả từ các trường hợp nợ do các vi phạm hợp đồng thương mại giữa các DN FDI (hay giữa đại diện các công ty nước ngoài thông qua các văn phòng đại diện đặt tại Việt Nam) với các DN trong nước… 

Đặc biệt cần rà soát lại sự thiếu hụt, không thống nhất giữa các quy định pháp lý hiện hành liên quan đến việc phá sản, giải thể DN FDI trong tất cả các văn bản pháp luật, như: luật, nghị định hướng dẫn thi hành luật, trước hết giữa các luật về đầu tư, DN, pháp luật về tố tụng dân sự… để xây dựng các quy định mới hoặc bổ sung, sửa đổi các quy định hiện có.

Tuy vậy, cũng dễ nhận ra các giải pháp nêu trên nếu được áp dụng cũng là để giải quyết các tình huống khi vụ việc đã xảy ra, để "chữa bệnh" chứ chưa phải để "phòng bệnh". Có lẽ, việc cần làm và có thể làm được ngay trong tình hình hiện nay là ngăn chặn, phát hiện "bệnh" DN FDI bỏ trốn, để không mắc "bệnh", và tìm "thuốc trị bệnh" (như các giải pháp nêu trên, đối với những DN đã mắc "bệnh" bỏ trốn). 

Định kỳ kiểm tra "sức khỏe"

Có thể nhận ra lỗ hổng nằm trong khâu quản lý sau cấp phép, đó là khâu hậu kiểm, gồm các nội dung: hỗ trợ, kiểm tra và giám sát DN. Lỗ hổng được tạo ra từ sự thiếu phối hợp trong quản lý các DN FDI giữa các sở, ban, ngành tại các địa phương. 

Các sở, ban, ngành tại các tỉnh, TP, theo chức năng nhiệm vụ của mình đều có trách nhiệm quản lý hoạt động của các DN FDI trên địa bàn theo nhiệm vụ được phân công: Sở KH&ĐT quản lý về tiến độ triển khai dự án, về góp vốn…; Sở Tài chính về thuế…; Sở Công Thương về tiêu thụ sản phẩm và thị trường…; Sở LĐ-TB&XH về việc LĐ, tiền lương và việc làm…

Nhìn phân công trên thấy rất chặt, nhưng trong thực tế còn khá lỏng, nhất là khi các DN FDI đã đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh (SX - KD). 

Từ thực tế có thể nhận ra rằng có lẽ chưa có một cơ quan quản lý nhà nước nào trên địa bàn thường xuyên cập nhật để tổng hợp và nắm chắc được tình hình cũng như các biến động trong hoạt động SX - KD của từng DN FDI trên địa bàn, bởi ngay cả Sở KH&ĐT thường vẫn được coi là cơ quan đầu mối quản lý, nhưng cũng không có đủ, kịp thời các thông tin về tình hình nộp thuế, xuất nhập khẩu, số lượng người LĐ và chế độ tiền lương, tình hình thực hiện hợp đồng LĐ giữa người LĐ với chủ DN… tại các DN FDI, nhất là các DN đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. 

Bên cạnh đó, quản lý của các sở, ban, ngành tại các địa phương hiện nay do các điều kiện khách quan như không đủ người, phương tiện quản lý, thông tin, báo cáo thống kê còn thiếu…, nên việc quản lý chủ yếu dựa vào các báo cáo của các DN, dựa vào sự chủ động và ý thức tự giác của các DN trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật khi đã đi vào hoạt động SX - KD, nhưng thực tế cho thấy số lượng các DN tuân thủ các quy định, trước hết là các quy định về chế độ báo cáo thống kê… còn không đầy đủ, nhiều DN không báo cáo nhưng cũng thiếu các quy định, chế tài xử lý. 

Nói tóm lại, nhiều DN FDI nhờ có các lỗ hổng trong quản lý nhà nước sau cấp phép như vậy đã nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước, nên chủ đầu tư đã dễ dàng bỏ trốn khỏi Việt Nam, để lại các hậu quả nặng nề đối với địa phương nơi họ đầu tư. "Phòng bệnh" là cần kiểm tra "sức khỏe", ít nhất là định kỳ, để sớm phát hiện "mầm mống bệnh". Quản lý các DN FDI sau cấp phép, nói nôm na, có lẽ cũng tương tự như vậy: phải nắm được tình hình, phải kiểm tra ít nhất là định kỳ. 

Để tập trung vào việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng DN FDI có ý định bỏ trốn, trước hết cần xây dựng và ban hành quy chế phối hợp quản lý DN FDI giữa các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, TP.

Trong đó quy định rõ quy trình cung cấp thông tin về DN FDI về một đầu mối là Sở KH&ĐT. Sở KH&ĐT có trách nhiệm cập nhật tình hình hoạt động SX - KD của các DN FDI trên địa bàn hàng tháng, báo cáo và xin ý kiến của UBND tỉnh, TP xử lý các hiện tượng mới phát sinh và phối hợp với Sở Công an chịu trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn ý đồ bỏ trốn khỏi Việt Nam của các chủ DN FDI khi các DN này đã bắt đầu rơi vào tình trạng xấu, như: nợ lương, nợ thanh toán các khoản chi khác, nợ ngân hàng…

Các sở, ban, ngành khác chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, TP về lĩnh vực mình phụ trách, phát hiện các hiện tượng xấu ngay từ khi mới phát sinh: chậm nộp thuế, nợ lương người LĐ… 

Trong quy chế này cũng nên quy định rõ về chế độ giao ban hàng quý (nghĩa là 1 năm chỉ có 4 lần) về tình hình các DN FDI trên địa bàn do lãnh đạo UBND tỉnh, TP chủ trì nhằm rà soát và cập nhật việc phân loại các DN: hoạt động tốt, đang hoạt động bình thường, hoạt động đang có các khó khăn… để có các giải pháp xử lý tương ứng. Quy chế cũng quy định chế độ kiểm tra định kỳ đối với các DN FDI. 

Thứ hai là, đối với việc quản lý hoạt động FDI trên toàn quốc, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm xử lý thông tin về FDI và kết nối trung tâm này với các trung tâm tại các địa phương.

Trọng tâm hoạt động của các trung tâm tại các địa phương (do các địa phương tự thành lập bằng nguồn ngân sách của mình hoặc có một phần từ ngân sách Trung ương) cần tập trung vào việc phân tích tình hình tài chính của các DN FDI trên địa bàn. 

Thứ ba là, quyết liệt trong việc đòi hỏi các DN FDI phải tuân thủ thực hiện đúng chế độ báo cáo thống kê. Bổ sung các chế tài đủ mạnh để xử phạt các DN vi phạm chế độ báo cáo thống kê. 

Chỉ đạt được mục tiêu quản lý hiệu quả việc các DN FDI bỏ trốn khi các DN FDI luôn nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DN FDI bỏ trốn: Phòng bệnh hơn chữa bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO