Định giá: Quyền lực trong tay ngân hàng

ĐẶNG XUÂN MINH - Chủ tịch Công ty Thẩm định giá BTCvalue| 05/09/2013 08:30

Tại Việt Nam, việc định giá mới phổ biến trong khoảng 10 năm trở lại đây, đóng vai trò nhất định trong các hoạt động kinh tế.

Định giá: Quyền lực trong tay ngân hàng

Tại Việt Nam, việc định giá mới phổ biến trong khoảng 10 năm trở lại đây, đóng vai trò nhất định trong các hoạt động kinh tế.

Đọc E-paper

Trong 10 năm qua, định giá tài sản hữu hình (bất động sản, máy móc, thiết bị) diễn ra tương đối phổ biến, đáp ứng phần nào các yêu cầu của thị trường. Duy chỉ có các tài sản vô hình là còn chưa được thực hiện nhiều do các yếu tố về tiêu chuẩn định giá hoặc do sự phát triển của nền kinh tế và doanh nghiệp.

Về cơ bản, việc định giá tại Việt Nam đã tuân theo các quy định và thông lệ thẩm định giá. Nguyên tắc của thẩm định giá là độc lập, giống như một vị trọng tài trong đánh giá giá trị. Tuy nhiên, việc thỏa thuận giữa chuyên gia và nhà đầu tư vẫn còn tồn tại, dù chỉ là một số ít hiện tượng, không phải là phổ biến.

Định giá đúng giá trị tài sản, giúp doanh nghiệp có những quyết sách, chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra không ít trường hợp định giá sai lệch.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến định giá sai lệch, cả chủ quan và khách quan. Về chủ quan, một số công ty, tổ chức muốn định giá cao hơn hoặc thấp hơn. Và nhiều khi công ty thẩm định giá không "đủ cứng" để bảo vệ kết quả, hoặc vì lý do nào đó thống nhất với yêu cầu về kết quả của khách hàng.

Về khách quan, tại Việt Nam có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả định giá, mà trước hết là khó tiếp cận thông tin để định giá. Nhiều tài sản và bất động sản không dễ tìm được thông tin và dữ liệu để so sánh. Mặt khác, Việt Nam còn tồn tại sự không thống nhất về giá bất động sản, giá đất nhà nước quy định và giá giao dịch thực tế của thị trường.

Nhiều trường hợp doanh nghiệp vay vốn ngân hàng phải thế chấp bất động sản, nhưng những tài sản này thường được định giá thấp hơn thực tế để phòng rủi ro hoặc với những doanh nghiệp "ruột", tài sản lại được định giá hơn 30-50 lần giá trị thực. Những tình huống như vậy khá phổ biến tại Việt Nam.

Đối với ngân hàng, việc định giá thấp hơn để đảm bảo an toàn là điều dễ hiểu, nhiều trường hợp, ngân hàng chỉ chấp nhận mức giá bằng 50% so với giao dịch thực tế và ở chiều hướng ngược lại, một số hiện tượng định giá cao.

Những hiện tượng này chủ yếu do định giá nội bộ hoặc có vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong các lĩnh vực liên quan. Vấn đề ở đây là các ngân hàng tự định giá mà không có tổ chức định giá độc lập.

Các ngân hàng thường thành lập trung tâm định giá hoặc công ty định giá trực thuộc ngân hàng. Tuy nhiên, điều này mâu thuẫn với nguyên tắc độc lập của thẩm định giá.

Các quy định pháp luật về thẩm định giá và hình thành ngành thẩm định giá chuyên nghiệp tại Việt Nam ban hành đã 10 năm. Trong 10 năm đó, Việt Nam cũng đã xây dựng nhiều quy định pháp luật, các hướng dẫn và đưa ra 12 tiêu chuẩn về thẩm định giá.

Tuy nhiên,một số tiêu chuẩn thẩm định giá khác vẫn cần được ban hành trong thời gian tới như tiêu chuẩn thẩm định giá tài sản vô hình, tiêu chuẩn định giá mỏ khoáng sản.

Nhiều trường hợp doanh nghiệp vay vốn ngân hàng phải thế chấp bất động sản, nhưng những tài sản này thường được định giá thấp hơn thực tế để phòng rủi ro hoặc với những doanh nghiệp "ruột", tài sản lại được định giá hơn 30-50 lần giá trị thực. Nhiều trường hợp, ngân hàng chỉ chấp nhận mức giá bằng 50% so với giao dịch thực tế và ở chiều hướng ngược lại, một số hiện tượng định giá cao.

Một yếu tố nữa, Luật Sở hữu Trí tuệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006 nhưng chưa có quy định về định giá tài sản trí tuệ. Việt Nam hiện nay chưa có những văn bản pháp luật quy định riêng cho định giá tài sản trí tuệ. Đối với hệ thống tiêu chuẩn định giá cũng vậy, Nhà nước cũng chỉ mới ban hành những tiêu chuẩn định giá tài sản hữu hình.

Điều này khó khăn cho việc định giá các tài sản vô hình như thương hiệu, nhãn hiệu... trong khi nhu cầu hiện đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Theo quan sát của Công ty CP Thẩm định giá (BTCValue), trong vòng 5 năm trở lại đây, nhu cầu định giá tài sản vô hình phục vụ việc góp vốn, đầu tư và M&A tăng với tốc độ 35% /năm.

Để thẩm định giá có thể đem lại giá trị đích thực cho tài sản, cần có sự thay đổi và nâng cao chất lượng từ phía quản lý nhà nước, khách hàng và từ bản thân các công ty thẩm định giá. Nhà nước cần ban hành đầy đủ các quy định về định giá theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, cần nâng cao tiêu chuẩn đối với tổ chức định giá chuyên nghiệp tại Việt Nam. Các quy định rõ ràng về tính độc lập, chẳng hạn như trung tâm hoặc công ty thuộc ngân hàng không được tự định giá, cũng cần được ban hành.

Phía doanh nghiệp và các tổ chức sử dụng dịch vụ thẩm định giá, cần đặt ra yêu cầu khắt khe hơn đối với các tổ chức định giá. Chính người sử dụng dịch vụ sẽ đặt ra các tiêu chuẩn về mặt thị trường để nâng cao chất lượng thẩm định giá.

Còn các công ty định giá, cần nâng cao chất lượng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp để đảm bảo các yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Định giá: Quyền lực trong tay ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO