Đề xuất với Thủ tướng về chính sách tiền tệ

TS. BÙI KIẾN THÀNH| 29/03/2012 09:58

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm 14/3, đến cuối năm 2011, cả nước có hơn 620.000 doanh nghiệp (DN) có giấy phép nhưng chỉ có khoảng 290.000 DN còn hoạt động, hơn 79.000 DN đã giải thể.

Đề xuất với Thủ tướng về chính sách tiền tệ

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm 14/3, đến cuối năm 2011, cả nước có hơn 620.000 doanh nghiệp (DN) có giấy phép nhưng chỉ có khoảng 290.000 DN còn hoạt động, hơn 79.000 DN đã giải thể. Cũng trong một báo cáo khác của VCCI, phần lớn cộng đồng DN đang đứng trước tình trạng đình đốn và nguy cơ phá sản, mà tác nhân chính của tình trạng này, theo ý kiến chung, là lãi suất ngân hàng quá cao.

Có một thực tế, với độ mở của nền kinh tế hiện nay, DN Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với DN các quốc gia khác, mà ở đó, chính sách tiền tệ không như ở nước ta. Với lãi suất 16-27%, DN Việt Nam sẽ cạnh tranh thế nào với DN các nước có lãi suất 4-5%/năm?

Theo nhận định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong buổi họp báo ngày 12/3, với quyết định hạ trần lãi suất huy động xuống mức 13%, tình hình lạm phát đang có xu hướng giảm, vì vậy đã đến lúc cần giải quyết việc hạ lãi suất ngân hàng (NH).

Tuy nhiên, NHNN cho rằng chưa thể làm quyết liệt vì chưa giải quyết được vấn đề thanh khoản của hệ thống NH.

Tôi đã nhiều lần kiến nghị, việc giải quyết thanh khoản cho hệ thống NH, cung ứng đầy đủ lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững là nhiệm vụ và quyền hạn của NH trung ương (NHTW). Vì NHTW có nguồn tín dụng không phải trả lãi suất cho ai, nên có thể cho NH thương mại (NHTM) vay với lãi suất thấp, để NHTM có thể cho DN vay với lãi suất hợp lý.

Việc này, tất cả các NHTW trên thế giới đều làm khi diễn ra tình trạng thiếu thanh khoản trong hệ thống NH. Nếu NHTM không huy động được vốn với lãi suất thấp để cho DN vay với lãi suất hợp lý, thì lúc đó NHTW có nhiệm vụ phải giải quyết chứ không thể để cho DN “chết”.

Ví dụ, hôm nay ngay giữa Hà Nội, trên phố Tràng Tiền cháy 5-7 căn nhà mà Cục Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Hà Nội không chịu bơm nước chữa lửa thì tình hình sẽ như thế nào?

Hiện nay, trên cả nước, hàng ngàn DN đang “cháy” vì thiếu nguồn tín dụng; các hiệp hội và VCCI đã nhiều lần báo động, kêu cứu, mà Nhà nước vẫn chưa “mở vòi bơm nước”. Hàng vạn DN phải ngừng hoạt động, hàng triệu người lao động có nguy cơ mất việc. Trách nhiệm thuộc về ai?

Không thể để tình hình tồi tệ hơn nữa, NHNN nên sớm thực hiện vai trò NHTW để cung ứng nguồn tín dụng cho DN ổn định sản xuất - kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, đặc biệt là giải pháp thứ 3 “Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu...”.

Phương án là vận dụng Điều 10 và Điều 11 của Luật NHNN. Theo Điều 10: “Thống đốc NHNN quyết định việc sử dụng công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bao gồm tái cấp vốn, lãi suất...” và Điều 11, Mục 2: “NHNN quy định và thực hiện việc tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng theo các hình thức: Một là, cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá. Hai là, chiết khấu giấy tờ có giá. Ba là, các hình thức tái cấp vốn khác”.

Căn cứ vào các điều khoản trên đây, NHNN có thể cho NHTM vay theo lãi suất do Thống đốc NHNN quyết định, có thể là 3-4-5%/năm để NHTM cho DN vay với lãi suất dưới 10%/năm.

Không phải chờ NHTM hạ lãi suất huy động và giải quyết thanh khoản từ nguồn vốn trong nhân dân thanh khoản là do từ nguồn tín dụng của NHNN.

NHNN có thể chọn một trong ba hình thức quy định ở Mục 2, Điều 11, đặc biệt là điểm (c) là “các hình thức khác” do NHNN tự thiết lập. Căn cứ vào điểm (c) này, NHNN có thể thiết lập một “Chương trình tái cấp vốn đặc biệt”, ưu tiên cho “Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu...”.

Chương trình tái cấp vốn đặc biệt này sẽ được thực hiện theo các quy tắc đảm bảo nguồn tiền đi đúng hướng, đúng mục đích:

Thứ nhất, chỉ tài trợ cho các dự án sản xuất - kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, không cho vay các lĩnh vực khác.

Thứ hai, chỉ cho vay theo dự án cụ thể và giải ngân theo tiến độ, để đảm bảo dòng tiền không rò rỉ qua các mục đích khác.

Thứ ba, chỉ những NHTM nào đăng ký và được Thống đốc NHNN chấp thuận mới được tham gia chương trình này.

Thứ tư, NHTM tham gia phải cam kết nghiêm túc chấp hành những quy định của chương trình.

Thứ năm, hợp đồng cho vay có thể được cầm cố với NHNN.

Thứ sáu, NHTM nào có động thái tiêu cực, chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc sẽ liên đới chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.

Thứ bảy, NHTM nào vi phạm các quy định của chương trình sẽ bị xóa tên trong danh sách NHTM tham gia, và bị truy cứu trách nhiệm dân sự, hình sự, hay cả hai, tùy theo điều khoản vi phạm và độ nghiêm trọng vi phạm.

Ngày 25/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp với các chuyên gia kinh tế để nghe đánh giá kinh tế vĩ mô và điều hành chính sách tài chính tiền tệ quý I, kiến nghị các chính sách cần làm từ nay đến hết năm 2012. Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, đại diện NHNN Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,... và các chuyên gia kinh tế như TS. Bùi Kiến Thành, TS. Trần Đình Thiên, TS. Lê Đăng Doanh, TS. Cao Sỹ Kiêm...

Nếu NHNN cho rằng Điều 10 và Điều 11 của Luật NHNN chưa cho NHNN đủ quyền hạn thì NHNN có thể đề nghị với Chính phủ trình Quốc hội bổ sung.

Chương trình sẽ không gây ra lạm phát vì chỉ được triển khai trong giới hạn tăng trưởng tín dụng đã được Nghị quyết 11 quy định. Tác động gián tiếp sẽ là kéo lãi suất huy động xuống, vì NHTM sẽ bớt bị áp lực trong nhu cầu huy động vốn.

Tình trạng hỗn loạn trên thị trường vốn và lãi suất sẽ được khắc phục. Hoạt động kinh tế dần dần sẽ trở lại ổn định, và các số vốn vay từ chương trình tín dụng đặc biệt này sẽ được hoàn trả cho NHNN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề xuất với Thủ tướng về chính sách tiền tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO