Để vận tải biển nội địa thông thoáng

LA QUANG TRÍ - Giám đốc ShipOffer Corp.| 17/10/2016 06:30

Để vận tải nội địa được thông thoáng, nhiều quy định bất hợp lý phải được tháo gỡ.

Để vận tải biển nội địa thông thoáng

Gặp khó khăn ở thị trường nước ngoài - nơi mà giao thương hàng hoá ngày càng ít đi, cạnh tranh gay gắt hơn, nhiều tàu vận tải biển của Việt Nam đã quay về vận chuyển hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, để vận tải nội địa được thông thoáng, nhiều quy định bất hợp lý phải được tháo gỡ...

Đọc E-paper

Căn cứ một số văn bản như Nghị định 162/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam và Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT BTC-BCT-BCA-BQP của Liên Bộ Tài chính, Công Thương, Công an, Quốc phòng quy định chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường, gần đây, Cảnh sát Biển và Bộ đội Biên phòng lên các tàu chở hàng nội địa kiểm tra hợp đồng mua bán hàng hóa và hóa đơn (bản chính) từ người bán gốc cho đến người mua cuối.

Đây là quy định mà doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được đầy đủ. Thực tế đã có một số tàu bị tạm giữ, gây nhiều thiệt hại cho cả doanh nghiệp thương mại và doanh nghiệp vận tải biển.

Đối với các hợp đồng mua bán nội địa thường được giao kết thanh toán 50% khi xếp hàng lên tàu, thanh toán tiếp 50% sau khi dỡ xong hàng. Như vậy, khi chưa dỡ hàng, thường DN sẽ ít khi ra hóa đơn ngay mà sẽ chờ kết toán chuyến mới, tránh phải ra hoá đơn nhiều lần. Do vậy, trên tàu ít khi kịp có hóa đơn gốc của người bán giao cho người mua. Cũng có khi hóa đơn đang là tài liệu trình lên ngân hàng để đảm bảo giá trị thanh toán đối với những lô hàng lớn.

Có trường hợp hàng hóa trên tàu của một người bán bán cho nhiều người mua, hoặc nhiều người bán bán cho một người mua, cũng có khi nhiều người bán bán cho nhiều người mua, nên việc yêu cầu hóa đơn gốc và hợp đồng mua bán bản gốc (hoặc công chứng) có trên tàu sẽ gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp vận tải.

Hơn nữa, khi mua bán hàng hóa, không đơn giản là người bán ký hợp đồng trực tiếp với phía người mua hàng mà nhiều khi phải qua trung gian, có khi lên đến 3 - 4 trung gian và mỗi trung gian ở một nơi khác nhau.

Ví dụ có một người bán ở Đà Nẵng và 3 công ty trung gian mua bán ở TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, sau đó mới đến người mua cuối ở Kiên Giang, thì việc cung cấp ngay cả 3 hóa đơn bản chính của cả ba công ty trung gian và của chủ hàng gốc là khó khả thi.

Hóa đơn không phải là giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc chứng nhận nên không công chứng được, do vậy cũng không thể cung cấp được hóa đơn bản sao công chứng khi cơ quan chức năng kiểm tra yêu cầu.

>>Logistics cản bước thương mại điện tử Việt

Có một thực tế là doanh nghiệp sản xuất thường giao cho một đơn vị trung gian làm logistics đa phương thức và doanh nghiệp logistics ấy chịu trách nhiệm thuê xe tải, thuê cảng, thuê công nhân làm hàng, thuê tàu để chở hàng, song khi bị kiểm tra thì biên phòng, cảnh sát biển bắt buộc phải trình hợp đồng, hay lệnh điều động của chủ hàng là công ty sản xuất chứ không phải là công ty logistics kia. Như vậy đã vô hiệu hóa vai trò của doanh nghiệp logistics trong mối quan hệ vận chuyển này.

Điều này sẽ khiến cho doanh nghiệp logistics mất việc khi chủ tàu có đầy đủ thông tin của doanh nghiệp sản xuất và sẽ làm việc trực tiếp mà không thông qua công ty logistics nữa.

Đối với tàu biển, mỗi ngày nằm chờ đợi tiêu tốn hàng chục triệu đồng nên thường chủ tàu sẽ cho tàu chạy ngay khi xếp hàng xong chứ không thể chờ đầy đủ các hợp đồng và hóa đơn bản chính.

Quy định hồ sơ hợp lệ phải là bản chính là thừa, bởi muốn rời cảng phải có giấy phép của cảng vụ. Trên giấy phép rời cảng luôn ghi số lượng hàng hóa và hàng hóa loại gì đang chở trên tàu. Trên tàu cũng có đầy đủ các biên bản nhận hàng giữa phía tàu và người gửi hàng. Do đó, việc hậu kiểm cần thiết hơn việc tìm ra các giấy tờ bản chính ngay trên tàu.

Mục đích của nghị định và thông tư trên là để hạn chế việc doanh nghiệp cố tình làm sai hoặc để chống gian lận thương mại, buôn lậu, như một số vụ buôn lậu than, dầu đã được phát hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, chỉ vì một vài người vi phạm pháp luật mà bắt tất cả doanh nghiệp thương mại, chủ tàu và doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải biển nội địa phải gánh chịu hậu quả thì cần phải xem lại.

Hơn nữa, những quy định ấy sẽ tạo nên tiền lệ xấu là doanh nghiệp đối phó, thậm chí làm giả giấy tờ hay hối lộ để khỏi bị giữ tàu và làm phát sinh nhũng nhiễu, tham nhũng.

>>Để có đội ngũ thuyền viên chuyên nghiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để vận tải biển nội địa thông thoáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO