Để có một nền kinh tế tri thức

GS-TS. NGUYỄN QUANG THÁI| 25/01/2017 06:39

Mô hình tăng trưởng mới đòi hỏi Việt Nam phải cơ cấu lại nền kinh tế. Kết quả cuối cùng phải là tạo ra năng suất lao động cao hơn về chất.

Để có một nền kinh tế tri thức

Tăng trưởng là một chỉ tiêu quan trọng của phát triển kinh tế. Trong điều kiện nền kinh tế thế giới khó khăn mấy năm nay, tốc độ tăng trưởng của hầu hết các nước đều chậm lại. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lúc lên, lúc xuống và lúc này không cao như mong muốn cũng là lẽ thường tình. Nhưng ở một góc nhìn khác, kinh tế tăng trưởng chậm lại liên tục một thời gian dài theo hướng đi xuống khá đều, mỗi thập niên giảm chừng 1%, cho thấy thể chế kinh tế không còn phù hợp.

Đọc E-paper

Trước đây, tăng trưởng nhờ vào "phá rào", vượt qua cái bất hợp lý khi "luật chơi" cũ không còn phù hợp. Đến nay, hệ thống pháp luật đã được cải cách cơ bản nhưng thể chế kinh tế chưa phù hợp với thời kỳ chuyển sang cơ chế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế sâu rộng. Do đó đòi hỏi phải thay đổi mang tính "kiến thiết", như giải quyết các vấn đề liên quan đến sở hữu, hạn điền, tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm.

Những lợi thế truyền thống của Việt Nam, như nhân công giá rẻ, dân số vàng đã không còn đóng vai trò chủ đạo cho tăng trưởng của đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - cách mạng số - đang diễn ra và có tác động đa chiều. Cuộc cách mạng này là cuộc cách mạng kỹ thuật, mang tính "tích hợp" cao, tạo ra những tiến bộ vượt bậc nhờ liên kết, đan xen nhiều lĩnh vực như cách mạng số, sinh học hiện đại, tự động hóa, vật liệu mới.

Nói rộng ra là vấn đề trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Bên cạnh nhân tố lao động, vốn, tài nguyên, yếu tố trí tuệ (tập trung ở chỉ tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (Total Factor Productivity - TFP) sẽ ngày càng quan trọng. Đó là con đường để nâng cao năng suất lao động một cách thông minh.

Sử dụng tri thức, sức sáng tạo của con người là chính sách mang tầm chiến lược. Nó cho phép quá trình phát triển vừa cả chiều rộng, vừa cả chiều sâu, nhưng xu hướng chung là ngày càng phải coi trọng về phát triển theo chiều sâu để nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các sáng kiến khởi nghiệp (startup) tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ đang được khích lệ phát triển.

Tri thức lúc này càng quan trọng hơn bao giờ hết, mặc dù trong tiến trình phát triển, phần lao động "cơ bắp" không thể không có. Nhưng các đóng góp của "cơ bắp" có những giới hạn về sinh học và không thể tăng quá nhanh. Còn tăng năng suất lao động nhờ phát triển theo chiều sâu lại không bị các giới hạn đó.

Đó là sự công bằng trong phát triển, tạo ra điều kiện không để ai bị "rớt lại" trong quá trình tiến lên, là triết lý của "phát triển bao trùm, hài hòa" (inclusive). Từ những khởi nghiệp của từng doanh nghiệp riêng lẻ (như đang có trong một số lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, dịch vụ) dựa trên sáng tạo, sẽ hòa vào "dòng thác" chung, góp vào sự phát triển chung để từng bước đi tới quốc gia khởi nghiệp, tạo ra sự phát triển liên tục của đất nước trong thời kỳ mới.

>>Khởi nghiệp: Đâu nhất thiết phải như Silicon Valley hay Israel

Mô hình tăng trưởng mới đòi hỏi Việt Nam phải cơ cấu lại nền kinh tế. Kết quả cuối cùng phải là tạo ra năng suất lao động cao hơn về chất, nâng cao được hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó 5 - 10 năm trước mắt là giai đoạn có ý nghĩa quyết đinh "đoạn tuyệt" với cách làm ăn cũ.

Trong quá trình này, chắc chắn không chỉ có những tin tốt lành. Khi chuyển sang mô hình tăng trưởng mới, phải chấp nhận có những năm tốc độ tăng trưởng không cao như mong muốn. Nhưng hướng tới năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh trong sáng tạo, công bằng và dân chủ, hy vọng đất nước sẽ tiến nhanh, tiến vượt lên cùng thời đại.

Hướng tới mô hình tăng trưởng kiểu mới, rất cần nỗ lực theo bước tiến chung. Chẳng hạn, phấn đấu theo 8 mục tiêu thiên niên kỷ MDG (2000-2015) đã là bước tiến lớn của Việt Nam, nhưng trong giai đoạn mới, cần thực hiện các cam kết về Chiến lược phát triển bền vững SDG 2016-2030 (Chương trình Phát triển bền vững 2030, được Hội nghị Phát triển bền vững Liên Hiệp Quốc thông qua năm 2015) với 17 mục tiêu, 169 tiêu chí cụ thể, bao gồm 5 nhân tố tích hợp "5P": People (con người), Peace (hòa bình), Partnership (quan hệ đối tác), Planet (hành tinh) và Prosperity (thịnh vượng). Và trên hết là vì con người.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Về phát triển kinh tế - xã hội 2017. Vấn đề không chỉ GDP đạt được 6,7% trong năm 2017, mà ngay từ lúc này luôn phải ghi nhớ về "chất lượng tăng trưởng". Như vậy, năm 2017 và một số năm tiếp theo sẽ phải chấp nhận "hy sinh" một số "thành tựu" quen được ngợi ca, dù không hiệu quả, như doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn lớn nhưng hiệu quả không cao.

Và doanh nghiệp nào bị rớt lại trong cuộc đua hiệu quả phải được xử lý, chuyển đổi. Các ngân hàng và tổ chức tín dụng yếu kém cũng vậy. Các ngành và vùng kinh tế làm ăn kém cũng phải chuyển đổi cho thích hợp với giai đoạn phát triển mới, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của hội nhập và cạnh tranh gay gắt cả trong nước và trên thế giới.

>>5 yếu tố thúc đẩy kinh tế Việt Nam năm 2017

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để có một nền kinh tế tri thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO