Đã đến lúc thay đổi cơ bản ngành nông nghiệp

PHẠM CHI LAN - Chuyên gia kinh tế| 08/12/2016 06:32

Nước ta đến lúc phải thay đổi ngành nông nghiệp một cách cơ bản. Cho nên, tái cơ cấu nông nghiệp phải làm ngay, làm trước, để từ đó đóng góp vào thay đổi chung của nền kinh tế.

Đã đến lúc thay đổi cơ bản ngành nông nghiệp

Tình hình kinh tế quý II/2016 có triển vọng hơn so với quý I. Trong đó, tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 7,61%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có sự chuyển biến, giá trị tăng 0,06% trong quý II nhưng do quý I giảm 1,23% nên 6 tháng đầu năm khu vực này giảm 0,18%.  

Đọc E-paper

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay. Nhưng thực ra, công nghiệp và xây dựng vẫn tăng trưởng "xám", chưa có bất cứ chuyển động nào theo xu hướng "xanh".

Dù sau vụ Formosa hủy hoại biển suốt 4 tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố dứt khoát không chấp nhận những dự án gây ảnh hưởng, tác hại đến môi trường, nhưng nhìn vào những dự án về đầu tư vẫn là thép. Sau Formosa, Hoa Sen Group, Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát đều có ý định xây dựng những khu liên hợp thép.

Hai đề án thép của Hoa Sen và Hòa Phát đều gần như dựa vào những gì Formosa được ưu đãi để làm, thời hạn 70 năm và đòi hỏi một loạt điều kiện về hỗ trợ của Nhà nước. Bộ Công Thương đã rất "nhanh nhẹn" trong việc đưa ngay dự án thép của Hoa Sen vào quy hoạch.

Cho đến giờ này, Thủ tướng đang chờ ý kiến các bộ nên chưa có quyết định cuối cùng. Mong rằng quyết định của Thủ tướng sẽ dựa trên cam kết với xã hội là không chấp nhận những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Chính phủ sẽ không chiều theo "sự đồng tình" của các bộ để quyết định.

Nhìn sang lĩnh vực năng lượng, một loạt dự án điện than được đưa vào Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp thách thức về môi trường nhưng vẫn có tới 14 dự án nhiệt điện than.

Vấn đề của vùng đồng bằng này hiện nay không chỉ là đất mà còn là nước. Nước được ưu tiên cho các nhà máy nhiệt điện than thì có thể thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp. Chưa tính đến việc phải nhập khẩu than giá cao, môi trường vùng Tây Nam bộ dần bị hủy hoại khi cả 14 nhà máy nhiệt điện than cùng vận hành.

>>Tái cơ cấu nông nghiệp: Tiền, thị trường và tư duy

Trong khi đó, một chỗ dựa của nền kinh tế là nông nghiệp lại đang bị dồn vào chân tường và không thể hiện được vai trò "chỗ dựa" của nó nữa. Biến đổi khí hậu, hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đe dọa trực tiếp đến ngành trồng lúa.

Nông sản lâu nay xuất khẩu được nhiều nhưng chủ yếu là xuất thô với giá thấp, độ an toàn không cao. Nhưng thị trường bây giờ, kể cả thị trường trong nước cũng không chấp nhận những sản phẩm không an toàn nữa, buộc phải thay đổi cách sản xuất. Sản phẩm phải ra được thị trường bằng chất lượng, bằng độ an toàn nên không thể theo cách sản xuất cũ.

Thêm vào đó là sức ép hội nhập. Nhiều mặt hàng của Trung Quốc tới đây sẽ vào Việt Nam với thuế suất 0% qua kênh ASEAN +1, sẽ tạo sức ép cực mạnh lên ngành nông nghiệp của nước ta. Nông nghiệp luôn có chi phí đầu vào cao, giờ chi phí đầu vào tiếp tục tăng nên không còn đường cạnh tranh bằng giá thấp.

Mở cửa tạo thêm cạnh tranh và sức ép mới cho phát triển nông nghiệp. Và để có thể biến thách thức thành cơ hội phải thay đổi. Không có cách nào khác, nếu không thay đổi, ngành nông nghiệp không thể phát triển được. Nông dân nếu vẫn sản xuất theo cách cũ, sản phẩm sẽ không được thị trường trong nước chấp nhận, chưa nói đến các nhân tố cạnh tranh từ bên ngoài.

Một điểm nữa, doanh nghiệp nông nghiệp đang đói vốn. Vướng mắc trong phát triển lớn nhất là tín dụng, không nằm ở không có khả năng hấp thu sản phẩm. Vấn đề là quan hệ giữa ngân hàng và nông nghiệp còn có khoảng cách làm cho hai bên chưa gắn được với nhau, chưa đi được với nhau. Ở đây có lẽ lợi ích của khu vực ngân hàng chưa đi được cùng lợi ích của khu vực nông nghiệp do vẫn chạy theo lợi ích của bất động sản, của các dự án lớn hay sự an toàn của trái phiếu chính phủ.

Tất cả những điều trên cho thấy nước ta đến lúc phải thay đổi ngành nông nghiệp một cách cơ bản. Cho nên, tái cơ cấu nông nghiệp phải làm ngay, làm trước, để từ đó đóng góp vào thay đổi chung của nền kinh tế.

HẢI VÂN ghi

>>Nông nghiệp Việt Nam "khát" nhân lực

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đã đến lúc thay đổi cơ bản ngành nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO