Cửa hàng tiện ích: Đông, vui và lo

THẢO VY/DNSGCT| 20/04/2015 04:57

Trong khi tiểu thương đang dần quen với điệp khúc chợ ế thì các siêu thị trong nước bắt đầu tâm trạng “ngồi trên đống lửa” trước sự xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng tiện ích đến từ nước ngoài.

Cửa hàng tiện ích: Đông, vui và lo

Trong khi tiểu thương đang dần quen với điệp khúc chợ ế thì các siêu thị trong nước bắt đầu tâm trạng “ngồi trên đống lửa” trước sự xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng tiện ích đến từ nước ngoài.

Đọc E-paper

Năm 1995, sự xuất hiện của siêu thị đầu tiên ở TP.HCM đã khiến nhiều người tiêu dùng vui mừng vì được trải nghiệm kênh mua sắm hiện đại. Dần dần, các thương hiệu như Maximark, Co.opmart, Big C, Citimart… phát triển thành hệ thống siêu thị khiến các chợ bị chia bớt thị phần.

Nhằm bành trướng độ phủ, các siêu thị đã cho ra đời chuỗi cửa hàng tiện ích như Co.opmart có Co.opfoods, Big C có C Express… Bên cạnh đó, các công ty sản xuất thực phẩm, công ty phân phối cũng nhảy vào thị trường này như chuỗi cửa hàng của Vissan, Cầu Tre, Satrafoods…

Song song đó là sự xuất hiện của các cửa hàng tiện ích đến từ nước ngoài như Shop&Go, Circle K, FamilyMart, B’s Mart… Trong khi cả nước có khoảng 9.000 chợ lớn, nhỏ thì các cửa hàng tiện ích đã thực hiện chiến thuật “một kèm một” ở bên cạnh mỗi chợ. Cụ thể, bên cạnh chợ Bình Thới (Q.11) là hai cửa hàng C Express và Satrafoods, còn gần chợ Thiếc cũng ở quận 11 là cửa hàng Satrafoods…

Các cửa hàng này thực sự mang đến những tiện ích cho người tiêu dùng như gần nơi cư ngụ vì có độ phủ dày, mua bán nhanh gọn, cung cấp các sản phẩm thiết yếu, sạch sẽ tiện nghi… Với các siêu thị có chuỗi cửa hàng tiện ích thì sự ra đời của cửa hàng tiện ích giúp tăng doanh số bán hàng, tiếp cận người tiêu dùng nhiều hơn, đồng thời giảm tải lượng khách tại siêu thị. Tuy nhiên, đối thủ đáng gờm của các siêu thị lại chính là các cửa hàng tiện ích không thuộc siêu thị, đa số là của nước ngoài.

Một số cửa hàng tiện ích còn cung cấp các dịch vụ và sản phẩm riêng mà siêu thị không có. Chẳng hạn, chuỗi cửa hàng Circle K (Mỹ), chủ yếu bán bánh kẹo, nước giải khát, snack, thực phẩm khô nhưng mở cửa suốt 24 giờ, giao hàng tận nơi, có dịch vụ giặt ủi, khuyến mãi quanh năm… và bán cả bao cao su. Còn trong 34 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) thì có các sản phẩm, thực phẩm riêng, theo mùa… đến từ Nhật Bản.

Lúc này đây lại là một cuộc chiến giữa các cửa hàng tiện ích nội – ngoại với nhau. Và, cuộc chiến sẽ nghiêng về bên nào có lợi thế hơn về nguồn vốn, kinh nghiệm, huấn luyện nhân sự…

Hồi tháng 2, về phía doanh nghiệp Việt Nam, Vingroup đã cho ra đời chuỗi siêu thị Vinmart và 10 cửa hàng tiện ích với nguồn hàng đa dạng, các tiện ích và dịch vụ gần hơn với người tiêu dùng… và giá cả cạnh tranh đến nổi các thương hiệu nước ngoài cũng đau đầu. Vingroup cho biết sẽ tiếp tục Nam tiến trong năm nay. Nhưng vẫn còn phải coi đường dài mới biết ngựa hay.

Khi thị trường bán lẻ trở nên đông đúc thì người tiêu dùng vui mừng vì có nhiều lựa chọn mua sắm, tận hưởng các dịch vụ và tiện ích. Nhưng cũng là lúc các doanh nghiệp bán lẻ, hệ thống siêu thị Việt Nam và cả những tiểu thương ở các chợ truyền thống đang lo hơn lúc nào hết.

Theo nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) về năm chuỗi cửa hàng có độ phủ mạnh tại TP.HCM là Circle K, FamilyMart, Shop&Go, B’s Mart và MiniStop cho thấy, họ có tiêu chí rõ ràng dựa theo mong muốn của người tiêu dùng gồm: thời gian mua sắm nhanh, đầy đủ các loại sản phẩm cơ bản, đa dạng chủng loại, dịch vụ khách hàng tốt, cơ sở vật chất tiện nghi.

Điểm chung các chuỗi cửa hàng này luôn chú trọng vị trí như luôn ở mặt tiền đường, gần giao lộ, khu dân cư, trường học… diện tích cửa hàng lớn, có chỗ để xe… Những đặc điểm riêng thì Circle K là cửa hàng duy nhất bán thẻ/SIM điện thoại di động tại 80% cửa hàng và có độ đa dạng trong cùng nhóm sản phẩm cao ngang với Shop&Go; FamilyMart: Có diện tích trung bình lớn nhất trong năm chuỗi được khảo sát với 135m2.

Khách hàng có thể tìm mua báo và tạp chí bên cạnh các mặt hàng cơ bản. Có không gian cho người tiêu dùng thưởng thức đồ ăn sẵn, có dịch vụ thanh toán thẻ, tăng tiện nghi cho khách hàng, có thể sử dụng wifi miễn phí. Shop&Go: Khách hàng có thể mua thẻ/SIM điện thoại và báo, tạp chí tại Shop&Go, điều mà các chuỗi khác còn chưa quan tâm.

B’s Mart: Người tiêu dùng có thể tìm thấy các loại thuốc tây cơ bản như thuốc giảm đau, thuốc nhỏ mắt tại B’s Mart. Có khu vực dành cho khách hàng ngồi lại sử dụng sản phẩm, máy pha cà phê chuyên dụng và nhiều cỡ ly khác nhau khi mua nước ngọt tươi. Chính vì vậy, B’s Mart đứng đầu bảng xếp hạng về chất lượng cơ sở vật chất.

MiniStop: Có dịch vụ trả hóa đơn điện nước cho khách hàng và có bán thực phẩm đông lạnh. Thực phẩm ăn liền phong phú hơn các cửa hàng khác, có tính tiền dịch vụ gửi xe.

>Cửa hàng tiện lợi: Tiện nhiều, lợi còn khiêm tốn
>Kinh doanh cửa hàng tiện lợi: Lối nào cho doanh nghiệp nội
>
Cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini khởi sắc
>Cửa hàng tiện lợi: Cuộc chiến 1 chọi 300

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cửa hàng tiện ích: Đông, vui và lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO