Cổ phần hóa: Cần công khai và minh bạch

PHẠM THÀNH SƠN/DNSGCT| 19/04/2014 06:41

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ trương lớn nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Cổ phần hóa: Cần công khai và minh bạch

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ trương lớn nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Đọc E-paper

Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, một DNNN cổ phần hóa thành công.

Tiến trình này đã được thực hiện từ hơn 20 năm nay, qua nhiều lần đổi mới về cách làm, từ 12.000 DNNN của thời kỳ thí điểm đến nay con số này chỉ còn khoảng 1.000. Kể từ năm 2005, khi việc bán vốn nhà nước được đại chúng hóa mạnh mẽ bằng cách thực hiện bán cổ phần qua các sở giao dịch chứng khoán thay vì trước đây bán tại doanh nghiệp hoặc qua tổ chức tài chính trung gian như công ty chứng khoán, nhiều DNNN lớn đã cổ phần hóa thành công như Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, Nhiệt điện Phả Lại, Vietcombank, Bảo Việt, Vietinbank, Vinaconex, Petrolimex, PVI…

Sau cổ phần hóa (CPH), không ít doanh nghiệp đã niêm yết cổ phiếu, giúp thị trường chứng khoán có nguồn hàng dồi dào, chất lượng, thu hút sự quan tâm của công chúng đầu tư.

Mỗi ngày cổ phần hóa một doanh nghiệp

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2014-2015 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì vào giữa tháng 2/2014, ông Phạm Viết Muôn – Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp – cho rằng từ năm 2011 đến năm 2013, số lượng doanh nghiệp đã CPH đạt rất thấp, vẫn còn lại 432 đơn vị chưa tiến hành theo kế hoạch nên trong hai năm 2014-2015 phải CPH xong số doanh nghiệp nói trên.

> Dấu ấn cá nhân ở doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa

> Thay lãnh đạo doanh nghiệp không chịu cổ phần hóa

> Cổ phần hóa MobiFone: Thời cơ đã đến?

> Động lực ba phía cho cổ phần hóa

> Hoàn thiện pháp lý để đẩy nhanh cổ phần hóa

Thông điệp này lại tiếp tục được khẳng định thêm một lần nữa trong Hội nghị Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước khối doanh nghiệp trung ương năm 2015 vào ngày 2/4, mà theo tính toán thì mỗi ngày chúng ta phải hoàn tất CPH hơn một doanh nghiệp nhà nước.

Liệu điều này có thực hiện được không khi theo báo cáo của Bộ Tài chính tại buổi họp báo thường kỳ ngày 4-4 thì trong vòng ba tháng qua cả nước mới CPH được 15 doanh nghiệp, nghĩa là bình quân sáu ngày chúng ta chỉ CPH xong một doanh nghiệp. Tất nhiên đây là cách tính theo cơ học nhưng dù sao cũng nói lên nhiều băn khoăn.

Ông Dominic Meller – chuyên gia kinh tế của ADB – cho rằng mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2014-2015 là một mục tiêu đầy tham vọng, trong khi ba năm gần đây chỉ có 99 doanh nghiệp nhà nước được CPH.

Để đạt được mục tiêu mỗi ngày cổ phần hóa được hơn một doanh nghiệp nhà nước thì bình quân hai sở giao dịch chứng khoán phải đưa ra bán đấu giá một đơn vị/ngày.Nếu không sắp xếp hợp lý thì sẽ dẫn đến ùn tắc và hiện nay đã bắt đầu xuất hiện tình trạng này.

Trái ngược với nhận định của Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và các chuyên gia kinh tế, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính ngày 4/4, lãnh đạo Bộ Tài chính lạc quan cho rằng: hiện nay không có khó khăn, vướng mắc nào, tất cả mọi trở ngại trước đây đã được giải quyết.

Những khó khăn trước mắt

Việc đẩy mạnh CPH trong hai năm với khối lượng nhiều như vậy là một quyết tâm lớn của chính phủ, không chỉ là bước tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm tăng nội lực mà còn đáp ứng các yêu cầu hội nhập ngày càng sâu vào thị trường thế giới.

Thế nhưng quyết tâm chỉ mới là điều kiện “có”, cần phải đi kèm điều kiện “đủ” thì chủ trương này mới đạt được mục tiêu.

Trước hết các doanh nghiệp CPH trước khi phát hành cổ phiếu lần đầu tiên (IPO) phải minh bạch thực trạng kinh doanh bằng bảng cáo bạch và báo cáo tài chính được kiểm toán bởi kiểm toán độc lập và phải cho thấy hàng đang bán là hàng có chất lượng.

Thứ hai là Nhà nước phải tính toán một mức giá khởi điểm linh hoạt, vừa không thiệt thòi cho quyền lợi của mình vừa khuyến khích nhà đầu tư mạnh dạn tham gia.

Thứ ba, IPO không thể thiếu sự có mặt của nhiều tổ chức tư vấn, bảo lãnh phát hành chuyên nghiệp, cùng hợp tác với nhau, khảo sát nhu cầu thị trường, đánh giá sơ bộ khả năng phát hành ở từng mức giá khác nhau để thuyết phục nhà đầu tư.

Nhìn vấn đề dưới một góc cạnh khác, nhiều chuyên gia cho rằng các nhóm lợi ích có thể đang muốn thu tóm một số lĩnh vực nhất định trong nền kinh tế Việt Nam qua đợt CPH doanh nghiệp tới đây để thủ lợi.

Các lĩnh vực này có thể bao gồm khai thác tài nguyên, khoáng sản, hầm mỏ cho tới những cơ sở doanh nghiệp nhà nước được đầu tư, có lợi thế về cơ sở hạ tầng và mạng lưới hạ tầng lớn. Bày tỏ nỗi lo ngại ấy, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng cần thận trọng, không nên vội vàng tiến hành cổ phần hóa những doanh nghiệp và lĩnh vực kinh tế này.

Đây là hai loại hình doanh nghiệp không cần vội vã trong quá trình cổ phần hóa và nếu có cổ phần hóa, cần phải có một lộ trình đặc biệt, với những nguyên tắc minh bạch, rõ ràng và sự tham chiếu đặc biệt.

Theo Tiến sĩ Thành, cổ phần hóa có một mục tiêu là làm thu hẹp quy mô được cho là kém hiệu quả của khu vực nhà nước, mở rộng không gian kinh doanh cho các khu vực kinh tế khác, trong đó có kinh tế tư nhân phát triển và đóng góp.

Minh bạch là vô cùng quan trọng

Để quá trình CPH diễn ra tốt, Nhà nước phải đảm bảo toàn bộ quá trình được minh bạch càng nhiều càng tốt, để cho các tài sản của đất nước được chuyển đổi theo giá của thị trường đồng thời đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.

Trong điều kiện hiện nay, việc CPH ồạt cùng một lúc có thể làm giá của tài sản bị thấp vì nguồn cung lớn khiến gây nhiều thiệt hại không nhỏ cho Nhà nước.

Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm và đã trả giá khá cao qua nhiều đợt CPH trong thời kỳ đầu là do sự thiếu minh bạch và đánh giá tài sản quá thấp, đã tạo cơ hội cho một số nhóm lợi ích thu tóm tài sản nhà nước qua những quy định tưởng chừng rất chặt chẽ.

CPH là bán một phần tải sản của toàn dân, cho nên toàn dân phải có quyền được biết, điều này có nghĩa là CPH công ty nào thì thông tin về công ty đó, thông tin về những người mua và mua với giá bao nhiêu phải được công bố rộng rãi và quan trọng nhất là phải có một cơ chế giám sát để làm sao ngăn chặn được tệ nạn đi đêm hoặc thỏa hiệp.

Không loại trừ việc các nhóm lợi ích đang để mắt tới một số doanh nghiệp trong đợt CPH hiện nay, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, xây dựng cơ bản, hay năng lượng.

Vài chuyên gia cũng lo ngại một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới một số lĩnh vực, vị trí địa lý chiến lược sẽ tìm cách lách luật, núp bóng đằng sau những người tham gia mua doanh nghiệp.

Ý kiến của không ít chuyên gia là trước hết cần ưu tiên CPH những doanh nghiệp có khả năng chia nhỏ được tương đối dễ dàng, tính chất sản phẩm của nó gần với sản phẩm của đời sống dân sinh để nhiều bên có thể tham gia, với những chuyên môn không quá đặc thù. Đây là nhóm dễ kiểm soát hơn, dễ mở cửa, minh bạch hơn, dễ được mọi người tham gia hơn, vì mỗi người có thể tham gia một phần, như thế sẽ hạn chế rất nhiều với người mua, hạn chế tài sản của Nhà nước bị thao túng bởi một nhóm nhỏ.

Phải chăng đứng trước bao nhiêu ngổn ngang và lo ngại vừa nói mà Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã giao việc trực tiếp cho các lãnh đạo bộ ngành đang là thành viên kiêm nhiệm của Ban chỉ đạo.

Theo đó Bộ Tài chính trình Chính phủ quy chế quản lý tài chính của các tập đoàn (Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam), Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng trình Chính phủ ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT).

Phó thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo kiêm nhiệm là thứ trưởng các bộ. Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông sẽ theo dõi, đôn đốc bộ này trong quý II-2014 báo cáo Thủ tướng sơ kết việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu được giao theo dõi, đôn đốc Bộ Tài chính trong quý III-2014 trình Thủ tướng Đề án thí điểm chuyển một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành công ty cổ phần khi cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Bên cạnh đó, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xử lý khó khăn, vướng mắc trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đề xuất mô hình hạch toán để tách bạch hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ công ích của doanh nghiệp; xử lý tái cơ cấu tài chính đối với Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn được giao theo dõi, đôn đốc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải trình Chính phủ dự thảo sắp xếp đổi mới nông, lâm trường quốc doanh…

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân được giao trong quý II-2014 trình Chính phủ báo cáo kết quả rà soát quy định về cơ chế tiền lương đối với các chức danh quản lý, lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước để bảo đảm hợp lý, hiệu quả, theo cơ chế thị trường; chính sách với lao động dôi dư trong quá trình tái cơ cấu; nghiên cứu cơ chế quản lý tiền lương của các chức danh quản lý, lãnh đạo trong công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước.

Động thái chỉ đạo này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy cổ phần hóa, một công việc đang diễn ra khá chậm chạp lâu nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cổ phần hóa: Cần công khai và minh bạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO