Chuyển thông tư lên nghị định: Không thể vội vã

THANH HUYỀN thực hiện| 06/07/2016 06:16

Có thể chưa hoàn hảo nhưng các nghị định ban hành tới đây phải đảm bảo chất lượng, không ban hành theo kiểu "lấy lệ”.

Chuyển thông tư lên nghị định: Không thể vội vã

"Có thể chưa hoàn hảo nhưng các nghị định ban hành tới đây phải đảm bảo chất lượng, không ban hành theo kiểu "lấy lệ” - TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định khi các bộ, ngành đang "nước rút" để soạn thảo các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi).  

Đọc E-paper


* Theo Luật Đầu tư năm 2014, từ 1/7/2016, các quy định về điều kiện kinh doanh trong thông tư nếu không được nâng lên thành nghị định sẽ bị xóa bỏ. Đến nay, các bộ, địa phương đã trình Chính phủ 38 dự thảo nghị định. Ông nói gì về điều này?

- Về chủ trương là rất tốt, nhưng thực thi thì chưa thể nói trước điều gì. Chính phủ đang yêu cầu tiếp tục rà soát để bãi bỏ điều kiện kinh doanh gây khó cho doanh nghiệp. Thủ tướng mới đây cũng đã có chỉ thị "một luật sửa nhiều luật" nên sắp tới, bằng hình thức này, có thể sửa được nhiều nghị định không phù hợp.

Tuy nhiên, những người tham gia rà soát các điều kiện kinh doanh phải là những người bên ngoài các bộ, ngành, những người không bị ràng buộc bởi lợi ích. Bên cạnh đó, vai trò của các hiệp hội, các tổ chức có liên quan, các chuyên gia cần được đề cao hơn trong quá trình làm luật.

Trước đây, việc rà soát bãi bỏ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư, vai trò của Tổ công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp rất quan trọng. Tôi nghĩ, một mô hình tương tự như vậy cần được phát huy trong thời gian tới.

* Ông nhận xét thế nào về tính khả thi của các nghị định được sửa đổi lần này?

- Thủ tướng đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ "truy đến cùng" từng giấy phép "hành doanh nghiệp". Tuy nhiên, tính khả thi để sửa đổi thận trọng từng văn bản quy phạm pháp luật là không dễ.

* Theo ông, việc rút ngắn quy trình ban hành có tác động đến chất lượng các nghị định hay không?

- Theo kế hoạch, sẽ có 49 nghị định về điều kiện kinh doanh được ban hành. Đến nay đã trình Chính phủ 38 nghị định, nhưng các bộ, địa phương chỉ gửi 24/49 nghị định về VCCI để lấy ý kiến.

Theo tôi, việc chuyển thông tư lên nghị định không thể vội vã. Nếu không đánh giá đầy đủ, chính xác, tác động, tác hại sẽ không nhỏ. Điều đáng tiếc là quy định chuyển thông tư lên nghị định đã được quy định từ khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, tuy nhiên phải đến tháng 4/2016, khi thông điệp rõ ràng của người đứng đầu Chính phủ là "không bàn lùi", quá trình soạn thảo của các bộ mới diễn ra.

Các nghị định được ban hành theo quy trình rút gọn, có nghĩa là bỏ qua nhiều giai đoạn quan trọng của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, như không đánh giá tác động của các văn bản quy định điều kiện kinh doanh, không đăng dự thảo lên mạng, không gửi lấy ý kiến doanh nghiệp, không tổ chức hội thảo, không tổng kết thi hành, không kiểm soát thủ tục hành chính, không bản thuyết minh, không bản giải trình, tiếp thu ý kiến.

Vì vậy, trong nhiều dự thảo nghị định vẫn có tình trạng "cài cắm" thêm điều kiện mới, như điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm là một ví dụ.

Vấn đề quan ngại là thời gian chuẩn bị gấp, công việc quá tải sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của các nghị định, tác động rất lớn đến kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí cản trở sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp và làm doanh nghiệp phải giải thể, phá sản. Cho nên, rất mong các cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Chính phủ rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh này một cách thận trọng.

* Cám ơn ông!

>6 điều kiện kinh doanh hoạt động mua bán nợ

>Điều kiện kinh doanh nhà hàng đối với nhà đầu tư nước ngoài

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyển thông tư lên nghị định: Không thể vội vã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO