Chuyên gia: Việt Nam mất nhiều động cơ tăng trưởng

11/09/2013 06:03

Trong bốn động cơ tăng trưởng, hiện tại ở Việt Nam chỉ còn một động cơ đang hiệu quả là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi đó, ba động cơ còn lại tỏ ra kém đi.

Chuyên gia: Việt Nam mất nhiều động cơ tăng trưởng

Trong bốn động cơ tăng trưởng, hiện tại ở Việt Nam chỉ còn một động cơ đang hiệu quả là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi đó, ba động cơ còn lại tỏ ra kém đi.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chính sách công, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại hội thảo “kinh tế vĩ mô Việt Nam và thách thức đối với doanh nghiệp” do Viện Quản trị kinh doanh, Đại học FPT tổ chức ngày 10/9.

Theo ông Thành, ba động cơ tăng trưởng còn lại là khu vực kinh tế nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước, nông nghiệp hộ gia đình, cá thể đã không còn hiệu quả.

Thời kỳ khu vực tư nhân trong nước, ngành nông nghiệp hoạt động mạnh là vào những năm 2001 và 2006. Còn với doanh nghiệp nhà nước, sự kém hiệu quả đã bắt đầu lộ rõ trong thời gian đó nhưng không lớn như hiện tại.

Đến nay, cả ba khu vực trên đều trục trặc, trong khi chỉ có khu vực FDI tiếp tục có kết quả tốt bởi các doanh nghiệp FDI thuộc nhóm ngành thâm dụng lao động và không bị tác động nhiều bởi những khó khăn kinh tế nội địa và yếu kém của thể chế và chính sách kinh tế Việt Nam.

Ông Thành cho rằng các doanh nghiệp FDI dựa chủ yếu vào thể chế ở bên ngoài để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Hệ thống luật pháp chi phối các quan hệ hợp đồng được sử dụng từ bên ngoài.

Bộ máy quản trị doanh nghiệp là của nước ngoài. Đa phần các doanh nghiệp liên kết sản xuất là với các tổ chức bên ngoài. Tín dụng cũng được cung cấp phần nhiều từ các định chế tài chính nước ngoài hay định chế tài chính nước ngoài ở Việt Nam. Chính đây là những lợi điểm giúp cho khu vực doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục ổn định.

Theo số liệu mà ông Thành cung cấp, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI trong 8 tháng đầu năm (không kể dầu thô vào khoảng 26%), cao hơn nhiều so với mức 3,1% của doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ trong nước từ khu vực FDI tăng đến 37,5%, trong khi khu vực nhà nước giảm 6,7% và khu vực tư nhân trong nước tăng ở mức 14,2%.

Trong năm 2014, 2015, ông Thành cho rằng tăng trưởng kinh tế vẫn chậm như năm ngoái và năm nay, vì vậy thách thức của doanh nghiệp Việt Nam rất lớn. Chính sách vĩ mô vẫn sẽ được điều hành theo hướng không mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để bung tín dụng, thúc đẩy đầu tư, mà ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời trong khả năng cho phép, Chính phủ sẽ có các gói chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kích cầu theo ngành/lĩnh vực cụ thể. Việc tái cơ cấu tiếp tục tiến hành nhưng không dùng nguồn lực thực của nhà nước là tiền thật. Nhà nước kỳ vọng vào các tổ chức tài chính và doanh nghiệp phi tài chính có thể dùng lợi nhuận của mình nhiều năm trong tương lai để trả nợ dần thay vì phải tái cơ cấu ngay lập tức.

Doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn đó nên giữ thanh khoản, kiểm soát tốt dòng tiền, giữ khách hàng và kiểm soát chi phí để tiếp tục tồn tại trước khi muốn tăng trưởng trở lại.

Theo ông Thành, trong khi doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều lợi thế, doanh nghiệp Việt Nam lại bị co hẹp bởi nhiều thể chế trong nước.

Có mặt tại hội thảo, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT cho rằng, trong giai đoạn này việc chú trọng giữ gìn nguồn nhân lực và đào tạo họ để trở thành nhân lực lõi của doanh nghiệp là rất cần thiết. Có vậy, doanh nghiệp mới vực dậy và phát triển trong các năm sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyên gia: Việt Nam mất nhiều động cơ tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO