Chung tay tạo “bệ phóng” cho DN

13/01/2014 07:33

Quyết tâm chung sức cùng toàn tỉnh cải thiện chỉ số PCI, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho DN, các sở ngành của Đồng Nai đã và đang nỗ lực tạo ra những điều kiện tốt nhất làm “bệ phóng” cho các DN vững vàng vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.

Chung tay tạo “bệ phóng” cho DN

Quyết tâm chung sức cùng toàn tỉnh cải thiện chỉ số PCI, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho DN, các sở ngành của Đồng Nai đã và đang nỗ lực tạo ra những điều kiện tốt nhất làm “bệ phóng” cho các DN vững vàng vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.

Trong đó, các chỉ số như cải cách hành chính, đào đạo lao động, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, dịch vụ hỗ trợ DN… đang được thực hiện quyết liệt, tạo sự yên tâm và tin tưởng để các DN mạnh dạn đầu tư.

Chiến lược dài hạn đào tạo lao động

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với dân số khoảng 2,7 triệu người, trong đó hơn 60% trong độ tuổi lao động. Hiện nay, tổng số lao động làm việc tại 13.500 DN trên địa bàn tỉnh khoảng 760.432 người. Tuy nhiên, theo Sở Lao động thương binh và xã hội, thị trường lao động ở Đồng Nai đang có những hạn chế như tỷ lệ bình quân lao động chưa qua đào tạo của các loại hình DN khá cao (khoảng là 40%), không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng lao động của các DN, đặc biệt là lao động có tay nghề cao…

Chính vì vậy, Đồng Nai đã có chiến lược dài hạn đào tạo lao động có tay nghề theo yêu cầu của DN với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn; phát triển thị trường lao động chất lượng cao, hiệu quả khi nguồn lao động được phân bổ đúng, phù hợp hướng tới cơ cấu hợp lý, hiện đại có nhiều việc làm bền vững.

Cụ thể sở LĐTBXH hỗ trợ các trường, cơ sở, trung tâm đào tạo thực hiện các giải pháp đào tạo nguồn lao động với mục tiêu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo 65% (năm 2015) và 77% (năm 2020). Riêng DN có vốn đầu tư nước ngoài tỷ lệ qua đào tạo là 69% (năm 2015) và 79% (năm 2020)... Các giải pháp đồng bộ để đạt được mục tiêu trên gồm: Trước hết là sự phối hợp nhịp nhàng giữa DN và các cơ sở dạy nghê, theo đó, DN cung cấp thông tin về nhu cầu việc làm, chế độ cho người lao động cho các cơ sở dạy nghề; đồng thời thường xuyên có thông tin phản hồi cho cơ sở dạy nghề mức độ hài lòng đối với "sản phẩm" đào tạo.

Thứ hai, các DN cần trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo nghề. Phía các cơ sở dạy nghề, căn cứ trên số liệu về nhu cầu lao động của các DN để lập kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch đào tạo. Thứ ba, lập bộ phận theo dõi, thu thập thông tin về học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp, tiếp nhận các thông tin từ phía DN, trên cơ sở đó có sự điều chỉnh để thích ứng với nhu cầu của DN.

Thứ 4, cần tăng cường hợp tác quốc tế về dạy nghề, lựa chọn các đối tác trong lĩnh vực dạy nghề là những nước thành công trong phát triển dạy nghề để đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Khuyến khích các cơ sở dạy nghề trong tỉnh mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, các DN nước ngoài phát triển cơ sở dạy nghề chất lượng cao...

Chú trọng phát triển dịch vụ

Trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, Đồng Nai xác định cần phát triển dịch vụ, nhất là các dịch vụ hỗ trợ hoạt động của nhà đầu tư. Nhiều năm qua, cơ cấu ngành dịch vụ trong tổng GDP của tỉnh đang tăng dần qua các năm và hiện chiếm khoảng 36,8%.

Điều này cho thấy cơ cấu dịch vụ đang chuyển dịch tích cực, theo đúng định hướng đề ra. Các ngành có tốc độ tăng trưởng cao bao gồm thương mại, tài chính tín dụng, kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn, y tế... Dịch vụ chất lượng cao về y tế, đào tạo, tài chính, phân phối… đang từng bước được định hình. Các loại hình dịch vụ trong từng lĩnh vực có bước phát triển nhanh, đa dạng, hỗ trợ các ngành sản xuất khác phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Song song đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ đang góp phần nâng cao chất lượng của ngành dịch vụ. Lĩnh vực y tế đã đưa vào sử dụng nhiều thiết bị y tế công nghệ cao, một số bệnh viện đã thực hiện được những ca chuẩn đoán, chữa bệnh, phẫu thuật phức tạp... Lĩnh vực ngân hàng đang từng bước đa dạng hóa các loại hình dịch vụ mới, ứng dụng công nghệ thông tin.

Dịch vụ nhà ở cho công nhân cũng thu được những kết quả đáng khích lệ, có thể đáp ứng chỗ ở cho gần 300.000 lao động. Bên cạnh đó, các dịch vụ khác như: tài chính, y tế, khoa học công nghệ, nông nghiệp, suất ăn công nghiệp, đưa rước công nhân, giáo dục đào tạo, dịch vụ việc làm…. đã có bước phát triển mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ tập trung thực hiện một số hoạt động nhằm phát triển mạnh hơn nữa lĩnh vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh như: Tập trung đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ giá trị gia tăng cao; ưu tiên phát triển các dịch vụ về đào tạo, khoa học công nghệ, lĩnh vực then chốt; thực hiện đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại; tập trung mở rộng thị trường nội địa, phát triển mạnh thương mại trong nước, nhất là vùng sâu, vùng xa; thu hút, đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại tại các địa bàn trọng điểm có đông dân cư và các đô thị mới…

Xây dựng mô hình một cửa liên thông tại UBND huyện

Theo Sở Nội vụ Đồng Nai, trong nhiều năm qua, công tác cải cách thủ tục hành được triển khai một cách quyết liệt tại các cơ quan, đơn vị, thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho các nhà đầu tư, DN.

Việc thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chỉnh phủ đã tạo ra những chuyển biến tích cực, nhiều thủ tục không cần thiết bị xóa bỏ, thời gian giải quyết từng loại thủ tục cũng được rút ngắn hơn với 1.253 thủ tục hành chính trên toàn tỉnh cho đến nay. Các thủ tục hành chính, quy định hành chính được công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nơi tiếp nhận hồ sơ đã tạo thuận lợi cho DN trong tiếp cận thông tin.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại của các ngành, các cấp góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Việc phối hợp tốt giữa các cơ quan có liên quan trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông giúp DN giảm được thời gian đi lại, giảm chi phí và sự phiền hà cho DN.

Việc hiện đại hóa nền hành chính và áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho DN là một giải pháp cần thiết để giải quyết khó khăn trên. Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai thực hiện xây dựng mô hình một cửa theo hướng liên thông hiện đại tại UBND cấp huyện mà trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng hệ thống giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến nhằm góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận tiện cho DN trong việc tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính...

Hoàn thành quy hoạch sử dụng đất ở cả 3 cấp

Thông thường, cùng với tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị nhanh chóng, khả năng tiếp cận đất đai tại các địa phương càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Đồng Nai xác định việc làm tốt công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cơ sở để thực hiện phân bổ quỹ đất cho các ngành, các lĩnh vực, là cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, tạo điều kiện cho người dân yên tâm đầu tư trên đất, phát triển đời sống, nhà đầu tư yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn đến năm 2010 và Đồng Nai trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành quy hoạch sử dụng đất của cả 03 cấp (tỉnh, huyện, xã).

Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng kịp thời cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như phù hợp với việc điều chỉnh địa giới hành chính, Sở đã kịp thời tham mưu điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp. Năm 2010, triển khai lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch sử dụng đất 2011 - 2015 của cấp tỉnh, hướng dẫn các địa phương tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện, cấp xã.

Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được triển khai một cách đồng bộ, kịp thời cùng với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả, đến năm 2012, ngay sau khi quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia được Quốc hội thông qua, Đồng Nai là một trong những tỉnh được Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất sớm nhất và đến nay, tỉnh đã phê duyệt xong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho 11 huyện, thị xã, thành phố và 65% các xã, phường, thị trấn (111 đơn vị).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chung tay tạo “bệ phóng” cho DN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO